Văn hóa vật chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế văn hóa của cư dân phường trà cổ thành phố móng cái tỉnh quảng ninh (1998 2018) (Trang 64 - 69)

7. Bố cục của đề tài

3.1. Văn hóa vật chất

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu nhằm duy trì sự sống cho con người. Nhưng ăn uống không đơn thuần để thỏa mãn nhu cầu đói và khát, mà còn là biểu hiện của văn hóa - văn hóa ẩm thực. Trong các yếu tố cấu thành, tạo nên văn hóa của một dân tộc, văn hóa ẩm thực là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền. Mỗi vùng đất với những chủ nhân khác nhau sẽ có phương pháp chế biến và tổ chức bữa ăn khác nhau và từ đó tạo nên những sắc thái văn hóa khác nhau.

Là một địa phương ven biển nên những món ăn trong văn hoá ẩm thực của cư dân Trà Cổ mang đậm dấu ấn và hơi thở của vùng biển Đông Bắc Việt Nam. Trước đây về cơ cấu bữa ăn, người dân Trà Cổ chỉ có hai bữa: trưa và tối. Do cuộc sống nương nhờ biển khơi, đời sống của người dân dựa vào con thuyền, tấm lưới; biển lặng thì “cơm đầy rá, cá đầy nồi”, biển động thì “ngừng chèo treo niêu”; công việc làm ăn đều tuỳ thuộc vào con nước, trời bể, do đó cái ăn luôn bị thiếu thốn, khó khăn. Sống trong hoàn cảnh cực kỳ ngặt nghèo, con người ở đây đêm lo ngày làm, vừa phải nỗ lực lao động, vừa phải thắt bụng tính toán trong từng việc chi tiêu, ăn uống. Quan điểm ăn uống đơn giản “có gì ăn nấy”, không cầu kỳ trong chế biến và thưởng thức cũng từ đây

được hình thành. Bữa ăn ngày thường chủ yếu là khoai lang hoặc cơm với mắm, rau muống và cá tạp. Đàn ông đi biển ăn cơm nắm hoặc cơm trộn khoai với mắm, cá khô. Tập tục dân miền biển ăn mặn “dưa cà mắm mặn”, mỗi bếp thường xuyên có một bồ con đựng muối, một vại cà nén, một lọ mẻ chua. [42; tr.304].

Từ cơ cấu bữa ăn truyền thống gồm chủ yếu là cá - khoai lang độn cơm, uống rượu trắng, hút thuốc lào; thì ngày nay những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã dẫn đến những thay đổi nhanh chóng trong đời sống của nhân dân. Cơ cấu bữa ăn của người dân biến đổi theo nhu cầu của đời sống hiện đại thể hiện sự no đủ gồm: Cơm - thịt - cá, ngoài ra còn có thêm đồ uống rượu, bia, nước ngọt và thuốc lào, thuốc lá để thưởng thức. Thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Trà Cổ là cơm nấu từ gạo tẻ, các món mặn, các món xào và canh. Món mặn thường là thịt kho, thịt rang, cá rán, tôm rang, trong đó thực phẩm phổ biến trong bữa cơm của gia đình cư dân Trà Cổ là cá. Mặc dù, cuộc sống hiện đại, giao thương mở rộng, các nguồn thực phẩm trở nên dồi dào, dễ kiếm nhưng thói quen, khẩu vị ăn cá và các thực phẩm thủy hải sản của người dân vùng ven biển Trà Cổ vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Ngay cả các món canh rau trong bữa ăn của cư dân Trà Cổ thường được nấu cùng với các vị hải sản như tôm, hà vừa tăng thêm vị ngọt vừa cung cấp chất đạm cho bữa ăn. Ở vùng đất Trà Cổ, có hai món là đặc sản của địa phương, đó là ghẹ càng xanh và sam biển. Nếu như ghẹ càng xanh Trà Cổ luôn dẫn đầu trong danh sách những loài hải sản được dân sành ăn săn lùng nhiều nhất bởi độ thơm, ngọt, giàu chất dinh dưỡng thì sam đủ món lại nổi tiếng bởi ngon, độc, lạ. Chúng không chỉ tạo nên tính đa dạng trong văn hóa ẩm thực ở Trà Cổ mà còn góp phần tạo bản sắc văn hóa riêng. Cùng với đó, những món ăn cổ truyền vẫn được người dân đặc biệt ưa thích như mắm tép, còng rang lá lốt, cá khô…đặc biệt, do vị trí địa lí và các biến động lịch sử, cư dân Trà Cổ cũng có thói quen ăn cháo giống người Trung Quốc.

Trước kia, gia vị được dùng trong chế biến món ăn của người dân ven biển nói chung và ở Trà Cổ nói riêng chủ yếu là mắm và muối trắng. Trong đó, nước mắm là một thành phần cấu trúc nên mâm cơm của người dân. Cho dù mâm cơm có dư thừa các thành phần lương thực, thực phẩm, rau quả... nhưng nếu thiếu nước mắm (hoặc các món chấm tương thích) thì mâm cơm sẽ mất ngon.

Không giống như nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín truyền thống, chuyển sang kinh tế hàng hóa, các loại gia vị công nghiệp luôn có sẵn, tiện lợi mà giá thành lại không quá đắt đã làm thay đổi nhu cầu sử dụng của người dân. Đời sống hiện đại cũng đã tác động xu hướng biến đổi khẩu vị ăn uống của người dân Trà Cổ. Trước đây dân miền biển thường ăn rất mặn nên họ tự chế biến các loại mắm chắt, mắm cốt để ăn uống. Nhưng ngày nay, tỉ lệ gia đình chế biến nước mắm rất ít. Các gia đình cũng sử dụng gia vị công nghiệp như là: bột canh, tương ớt, dầu ăn, hạt nêm…

Trước đây, ở Trà Cổ cũng như bao nơi khác còn có tục ăn trầu, đàn ông vùng biển này hút thuốc lào, uống nước chè, nước vối, rượu. Nhưng hiện nay một số phong tục như ăn trầu còn rất ít người già tại địa phương duy trì. Về đồ uống, trước đây đàn ông thường dùng rượu trắng trong bữa cơm và mang lên tàu trong các chuyến đi đánh cá. Loại đồ uống đặc sản nơi đây đó là rượu ngán, khi uống ta thấy nó vừa thơm, vừa mát. Nay các loại đồ uống còn được bổ sung thêm bia và các đồ uống có ga khác. Tuy không thực sự thường xuyên, nhưng sự có mặt của các loại đồ uống mới này đã bắt đầu phản ánh sự gia tăng nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Cùng với sự thay đổi về cơ cấu bữa ăn, quan niệm và tập tục ăn uống cũng có những biến động. Trước đây, quan niệm về ăn uống của người dân Trà Cổ từ xa xưa vốn rất đơn giản “có gì ăn nấy” không cầu kỳ. Và quan niệm “ăn cho chắc, mặc cho bền” đã ăn sâu bám rễ vào tư duy ẩm thực của người dân nơi đây. Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, trong tâm thức của người dân về “ăn chắc mặc bền” đã có xu hướng dịch chuyển sang “ăn no, mặc ấm”, thậm chí là được “ăn ngon, mặc đẹp”.

Về phương thức chế biến thực phẩm, trước đây, đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, người dân tại Trà Cổ đã tận thu những sản phẩm của sản xuất nông nghiệp trồng trọt (vỏ cây, rơm rạ, trấu, củi khô…) làm nguyên liệu để đun nấu. Khi đời sống cải thiện hơn, nhiều gia đình cư dân dùng loại bếp dầu, bếp than tổ ong. Từ năm 2008 trở lại đây, nền kinh tế hội nhập với sự phát triển vượt trội của công nghệ hiện đại, bùng bổ các thiết bị dân dụng phục vụ đời sống người dân. Do vậy, một số gia đình thay đổi chuyển sang sử dụng 2 thiết bị quan trọng là nồi cơm điện và bếp ga. Từ năm 2010, các gia đình sử dụng bếp củi, bếp rơm không đáng kể, chủ yếu với mục tiêu kết hợp, giảm chi phí tiền ga và tiền điện cho gia đình.

Tóm lại, món ăn, thức uống của mỗi tộc người, mỗi vùng miền là sáng tạo độc đáo, trở thành văn hóa truyền thống chứng minh cách ứng xử linh hoạt, sự thích nghi của con người với tự nhiên và xã hội, phản ánh trình độ phát triển sản xuất, trình độ kỹ thuật của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, văn hóa ẩm thực của cư dân Trà Cổ vừa giữ được nét riêng, đặc sắc mang dấu ấn và hương vị truyền thống vừa biến đổi theo hướng ngày càng nâng cao về chất lượng bữa ăn, hiện đại hóa phương thức chế biến, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân về mục đích ăn uống. Biến đổi là cần thiết, nhưng trong quá trình biến đổi cần chú ý việc giữ gìn những giá trị tinh hoa, hồn cốt của văn hóa trong đời sống ẩm thực của người dân, để không chỉ đơn thuần là bảo lưu và trao truyền mà hơn hết còn đưa văn hóa ẩm thực của cư dân Trà Cổ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Nhu cầu về mặc nằm trong nhóm nhu cầu bảo đảm sự sinh tồn của con người và xã hội con người bởi vì mặc trước hết cũng là thành tựu văn hóa đối phó với môi trường tự nhiên, tránh những bất lợi môi trường tác động đến sức khỏe con người. Sau đó cùng với quá trình phát triển của xã hội, trang phục còn đóng vai trò tín hiệu của nhiều thông điệp: Về địa vị xã hội, về đẳng cấp, về nghề nghiệp, về chức tước, về điều kiện kinh tế, về tôn giáo, về loại sự kiện (như lễ hội, đám cưới, tang ma). Trên phương diện giao lưu văn hóa, trang phục là tín hiệu đại diện cho tộc người nên nó cũng ảnh hưởng và nhận ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác. Nó bị chi phối để thích hợp với những điều kiện khí hậu khác nhau của từng mùa, khu vực và cũng phải thích hợp với thị hiếu của từng giai đoạn lịch sử.

Trước đây trang phục phổ biến của người dân Trà Cổ vẫn mặc là áo cánh, quần dài. Phụ nữ thường mặc áo nâu, xẻ tà hai bên, cổ tròn hoặc cổ thìa, dưới vạt áo có hai túi nhỏ. Áo cánh của nam giới to và rộng hơn, có thêm túi ngực ở bên trái. Những trang phục gọi là truyền thống của người dân Trà Cổ hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ. Ngày nay, áo cánh thường được các cụ cao tuổi sử dụng nhưng với màu sắc và hoa văn phong phú hơn. Các cụ bà mặc áo bà ba quần ta bằng vải phíp đen hoặc sa tanh. Cư dân Trà Cổ cũng như nhiều cư dân người Việt ở những nơi khác, mặc theo lối âu hóa, tân thời. Giới trẻ thường mặc quần âu, áo sơ mi, mặc váy, mặc vest trong các dịp lễ tế.

Trước những năm 90 của thế kỉ XX, cư dân Trà Cổ phần đông là ngư dân nên nhiều hộ thường không có mảnh đất ở trên bờ, lấy một vũng, bến được che chắn làm nơi trú ngụ, quê hương. Sau đó họ trụ lại ở những bãi cát ven biển một cách tự phát. Họ thường cắm thuyền ở đâu làm lều ở tạm rồi làm nhà ở đó. Do đó nhà của phần đông ngư dân ở ngay bến bãi mép nước, nhiều khi tạm bợ. Một số cư dân không gần biển, họ làm những căn nhà tre, cũng có nhà gỗ nhưng không nhiều. Phần lớn các nhà gỗ ở Trà Cổ đều kiến trúc theo kiểu tứ trụ. Nhà có ba gian hoặc bốn, năm gian, mái nhà có thiết kế hai mặt nghiêng, cũng có nơi thì bốn mặt nghiêng. Tuy thuộc khu vực cửa khẩu, nhưng dường như Trà Cổ luôn đứng ngoài sự náo nhiệt, sôi động của không khí buôn bán diễn ra hằng ngày bên cây cầu Bắc Luân bắc qua dòng sông Ka Long. Nơi đây có những ngôi nhà nhỏ, thấp, các ngôi nhà được xây dựng theo hướng đông nam để tránh nóng và tránh rét, các ngôi nhà nằm liền kề nhau, không có các ngõ xóm ngoài một số con đường dẫn ra biển. Một đặc điểm về nhà ở của người dân Trà Cổ thường được dựng rất thấp, chỉ cao khoảng 2,4 - 2,6m. Nền nhà cũng rất thấp, chỉ cao hơn mặt bằng của của đất ở từ 10 - 20cm. Theo cách lý giải của người dân địa phương, họ xây nhà theo kiểu cách đó để chống chọi với bão, gió.

Hiện nay, nhà ở của cư dân Trà Cổ thay đổi hoàn toàn về dáng vẻ, hình thức, nội dung và chất liệu xây dựng. Do điều kiện kinh tế khá dần lên, trong những năm 1998 đến năm 2018 nhà ở của cư dân Trà Cổ ít làm bằng gỗ như trước đây, thay vào đó họ có thể xây dựng nhà cửa khang trang hơn với sự phổ biến của những ngôi nhà xây bằng bê tông cốt thép mọc lên. Từ năm 2008 đến nay, sự phát triển nhanh của kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ - du lịch đã tác động đến cơ sở vật chất của địa phương. Trên toàn địa bàn số nhà cấp 4 còn rất ít, còn lại tuyệt đối là các nhà cao tầng, biệt thự kiên cố với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Trước năm 1998, phương tiện đi lại trên đường bộ của cư dân chủ yếu là xe đạp. Để đi biển, bằng kinh nghiệm của bao đời tiếp xúc cùng biển cả, ngư dân đã thiết kế con thuyền của mình theo cách thích nghi tốt nhất với các điều kiện sinh thái tại địa phương. Ngoài ra, bè cũng được sử dụng. Hiện nay, phương tiện đi lại ngày càng hiện đại hơ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân. Phương tiện đi lại trên bộ chủ yếu là xe máy, ngoài ra còn có ô tô và xe điện phục vụ ở khu du lịch.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế văn hóa của cư dân phường trà cổ thành phố móng cái tỉnh quảng ninh (1998 2018) (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)