7. Bố cục của đề tài
3.2. Văn hóa tinh thần
3.2.1. Phong tục, tập quán
Phong tục thường được hiểu đó là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo. Với cách hiểu đó, phong tục của cư dân Trà Cổ rất phong phú, đa dạng. Trong luận văn này chỉ đề cập đến ba phong tục trong chu kỳ vòng đời người và một số phong tục trong mưu sinh của cư dân vùng biển Trà Cổ.
Trước đây khi tư tưởng Nho giáo tác động sâu sắc tới suy nghĩ, quan niệm của người dân cũng như do tình hình chung, nghề đi biển mang tính chất cha truyền con nối nên tâm lý cố đẻ nhiều con trai ngự trị ở các xóm ngư phủ. Chỉ đàn ông mới thích nghi với nghề biển nên đã sống bằng nghề đi biển là phải sinh được nhiều con trai. Chính tâm lý đó, trong hoàn cảnh giáo dục chưa phát triển mạnh mẽ, công nghiệp hoá còn yếu ớt chưa đủ sức lôi cuốn thanh niên ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp thì sinh đẻ không theo kế hoạch và tỷ lệ sinh đẻ cao là điều khó tránh được. Hiện nay, do cư dân có thể phát triển nhiều ngành nghề khác nhau, không đơn thuần chỉ là đi biển nên tâm lý sinh nhiều con trai cũng không quá khắt khe.
Theo phong tục từ xưa, sau khi sinh thì “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng” có nghĩa là người phụ nữ sinh con đầu lòng thì về ở với nhà mẹ ruột mình để mẹ chăm sóc, còn sinh những đứa con sau thì về ở bên nhà chồng. Sau thời gian ở cữ 28 ngày thì mẹ và đứa trẻ sẽ đi chợ để “bán phong long”. Cư dân Trà Cổ có tục lệ khi gia đình có người sinh đẻ thì , ở trước cổng nhà thường treo lên đó một cây dứa (trà dứa). Theo cụ Nguyễn Thanh Nhẫn (80 tuổi) cho biết với cư dân làm nghề biển, họ có tục treo cây dứa trước cổng, là tục lệ khá phổ biến của cư dân vùng ven biển trước đây [phụ lục 1.2; 7]. Tục này gắn với kiêng kỵ của cư dân làm nghề đánh bắt, lênh đênh trên biển chịu nhiều rủi ro. Cư dân ở vùng này quan niệm: người phụ nữ sinh đẻ đang trong thời gian ở cữ là xú uế, vì vậy những người đi đánh cá thường tránh không gặp phụ nữ mới sinh trong thời gian này, cho rằng nếu gặp sẽ xúi quẩy, mắc phải “phong long”. Xuất phát từ quan niệm đó, những gia đình có người sinh chưa đầy tháng thường treo cây dứa trước cổng để mọi người trong làng biết mà tránh, tục này ngày nay còn lại rất ít trong cư dân. Nghĩa thứ hai của tục treo cây dứa với mục đích để giữ cho đứa trẻ, để mọi người biết có trẻ mới sinh mà tránh không mang “hơi hám” vào nhà ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Khi đứa trẻ được một tháng, người ta tổ chức lễ cúng đầy tháng, tính đúng thì con gái sau 28 ngày, con trai sau 29 ngày - “gái sụt hai, trai sụt một”. Ngoài việc cúng gia tiên, đây vừa là lễ tạ ơn 12 bà Mụ đã có công nặn ra hình hài thai nhi, phù hộ nâng đỡ, chăm sóc,che chở, dạy dỗ cho đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ:“Dẫu cho bác mẹ có sinh, Mụ Bà không vắt biết mình là ai”.
Khi trẻ tròn một năm tuổi, người ta làm lễ Thôi nôi. Lễ này được xem như một nghi thức báo cáo với các vị thần và ông bà tổ tiên để công nhận trẻ như là một cá thể tồn tại và phát triển độc lập trong cộng đồng. Vào ngày mồng 5/5 (tết Đoan Dương), ở làng biển Trà Cổ còn có tục cho trẻ thay phù. Phù là một vòng cổ gồm các hạt long não, cườm luồn vào sợi chỉ ngũ sắc. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày tết Đoan Dương, trẻ phải ra biển tắm trong vòng một giờ đồng hồ, rồi thả phù cũ xuống biển, về nhà đeo phù mới. Họ quan niệm, làm như vậy trẻ sẽ không bị quỷ thần quấy quả [42; tr.367].
Trên thực tế, bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa một số phong tục tập quán truyền thống của cư dân Trà Cổ mất đi, một số phong tục tập quán tiếp tục tồn tại nhưng mang thêm hơi thở, màu sắc mới của thời đại. Các phong tục, nghi lễ được cư dân thực hành nhiều hiện nay và có xu hướng tăng so với xưa là lễ đầy tháng và lễ đầy năm. Thực trạng này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, khi điều kiện kinh tế, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, người ta quan tâm đến sức khoẻ, quan tâm đến những thời khắc quan trọng đánh dấu quá trình lớn lên của đứa trẻ. Ngược lại, những phong tục sinh đẻ khác trong cư dân có xu hướng giảm so với xưa, đó là tục treo cây dứa dại trước cổng. Bác Nguyễn Thị Chiêm cho biết một số phong tục đã mai một, không còn được thực hiện trong cư dân Trà Cổ hiện nay là: Tục nhúng đứa trẻ xuống biển ngay sau khi đứa trẻ mới được sinh ra [phụ lục 1.2; 1]. Đây là những phong tục gắn với cuộc sống trên thuyền, chứa đựng ý nghĩa và quan niệm sống của cư dân ven biển Trà Cổ trước đây.
Phong tục cưới xin của cư dân Trà Cổ thực hiện đầy đủ bốn nghi lễ truyền thống, đó là: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt.
Lễ dạm ngõ: mang tính chất hai gia đình gặp mặt nhau được cư dân vùng Trà Cổ coi trọng và thực hiện phổ biến. Trước đây, có lễ vấn danh là lễ nhà trai đến nhà gái để hỏi tên, tuổi cô gái. Ngày nay, gọi là lễ chạm ngõ hay lễ dạm (có nơi kiêm cả lễ dạm và hỏi cùng một lúc, gọi là lễ dạm hỏi). Theo phong tục, cha mẹ ướm trước cho con
trai một cô gái trong làng, sau đó nhờ ông (bà) mối đến nhà cô gái. Bà mối có thể là một người trong họ, trong nội tộc nhưng nhất định phải có vợ chồng song toàn, con cháu đề huề, gia đình hạnh phúc. Lần đầu sang nhà gái, bà mối chỉ đi người không, bởi lần sang chơi này chỉ nói chuyện bâng quơ chứ chưa đề cập đến chuyện của đôi trẻ. Khi về, bà mối thuật lại toàn bộ sự việc cho bố mẹ chàng trai biết. Nếu ổn thì họ mới hỏi ý kiến con trai. Nếu chàng trai đồng ý, bố mẹ lại nhờ bà mối sang nhà cô gái dạm hỏi ý tứ nhà gái. Lần này đại diện nhà trai cùng người mối đem cau ngon đến nhà gái, chính thức ngỏ lời. Hiện nay, nghi lễ nhờ bà mối đã không còn phổ biến, đó là một biến đổi phù hợp với thực tế xã hội hiện nay.
Lễ ăn hỏi: Sau khi nhà gái nhận lời, nhà trai chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ ăn hỏi. Vào ngày ăn hỏi, sẽ có ông chú (bác) đại diện cho nhà trai. Trước khi đi ăn hỏi, nhiều gia đình thường làm cơm cúng tổ tiên, những mong công việc thuận lợi, gặp nhiều may mắn. Theo tục lệ, khi đi ăn hỏi, đại diện nhà trai đem theo đồ lễ gồm: 1 buồng cau, 1 cây thuốc, 5 lạng chè, 1 đấu gạo nếp, 1 con gà, 10 - 20 lít rượu. Hiện nay, tục thách cưới không còn và gộp luôn cả lễ nạp tài (dẫn cưới), nên trong lễ ăn hỏi ngày nay ở một số gia đình khá giả thường có cả sính lễ cho cô dâu (ngày xưa ở lễ nạp tài mới có sính lễ này). Sự giản lược này cho thấy tính thích nghi của văn hoá truyền thống trong xã hội đương đại, nhằm mục đích tiết kiệm về mặt thời gian.
Về khoảng thời gian diễn ra lễ ăn hỏi và lễ cưới ngày nay gần hơn nhiều so với trước, thông thường chỉ hôm trước và hôm sau. Tức nếu ngày hôm sau tổ chức lễ cưới (lễ rước dâu), thì buổi sáng hoặc trưa ngày trước đó nhà trai mang lễ vật ăn hỏi đến nhà gái. Trừ trường hợp nhà trai quá xa nhà gái, thời gian lễ ăn hỏi mới cách xa lễ cưới, nhưng thông thường cũng chỉ độ 20 - 30 ngày.
Lễ cưới: chính là lễ đón dâu, đây là nghi lê quan trọng, đánh dấu sự hợp thành của đôi nam nữ trước sự chứng kiến của tổ tiên, gia đình và bạn bè hai bên. Lễ cưới xưa và nay bao giờ cũng có đồ dẫn cưới, do những thanh niên chưa lập gia đình đảm nhiệm. Tùy hoàn cảnh mà đồ dẫn cưới khác nhau, ngoài các vật phẩm sắp đồ dẫn cưới ngày nay còn có thêm một khoản tiền mang tính chất tượng chưng. Khi nhà trai mang lễ đến, đại diện nhà gái (không nhất thiết là bố cô dâu) sẽ nhận và đặt lễ lên bàn thờ thắp hương để báo với tổ tiên. Phần lễ này sau khi hoàn thành các thủ tục trước ông bà tổ tiên sẽ được chia làm hai phần, một phần gửi lại nhà trai mang về, còn một phần
được đem ra mời những người có mặt lúc đó của cả hai họ. Theo tục lệ xưa đoàn đón dâu của nhà trai thường gồm ông bà, chú bác nội ngoại của chú rể, ông mối và các anh em bạn bè của chú rể, ngày nay do tư tưởng văn minh hiện đại hơn, đoàn đón dâu của nhà trai thường do bố mẹ chú rể trực tiếp làm trưởng đoàn. Trước đây, khi đoàn nhà trai đến trước cổng nhà gái sẽ đốt pháo mừng, nhưng từ năm 1998 đã không còn thói quen này do thực hiện quy định cấm pháo của nhà nước, lúc này người dân thay bằng sử dụng pháo giấy. Sau khi nhà gái nhận lễ dâng bàn thờ gia tiên, hai họ sẽ ngồi xuống có đôi lời với nhau. Khi nào người lớn bên nhà gái cho phép, chú rể mới được vào đón cô dâu để làm lễ trước bàn thờ gia tiên (theo quan niệm của người Trà Cổ là để tổ tiên nhận cháu rể, nhận thông gia) để cầu mong gia tiên phù hộ tình duyên hạnh phúc. Khi mọi thủ tục bên nhà gái đã hoàn tất, đại diện họ nhà trai xin phép được đưa cô dâu về nhà chồng. Lúc ra khỏi nhà, cô dâu sẽ được một người anh hoặc em trai ruột cõng ra (nếu có) và không được phép quay đầu lại. Nhà gái cũng sẽ có những người đại diện để đưa con cháu mình về nhà chồng. Trên đường đưa dâu về nhà chồng, một số nơi đoàn còn gặp dây chăng ngang đường và thừờng qua các cây cầu cô dâu sẽ phải bỏ lại một chút tiền lẻ để cầu mong cuộc hôn nhân của mình suôn sẻ, không đứt gẫy. Theo lệ, người đầu tiên cô dâu gặp khi bước vào nhà chồng là mẹ chồng. Nhưng nếu mẹ chồng và con dâu không hợp tuổi thì khi dâu vào cửa, mẹ chồng sẽ phải lánh đi.
Phong tục cưới ở Trà Cổ hầu như thay đổi nhiều, có chăng là làm gọn các bước hơn. Về đến nhà chồng, cô dâu chú rể phải vào làm lễ trước bàn thờ gia tiên, đến đây nhà gái mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sau khi lễ xong, có lệ “góp vốn” (cho tiền) của họ hàng hai bên để đôi vợ chồng mới có vốn ban đầu ra ở riêng, khích lệ sự tự lập, hậu sinh của tục lệ phân chia của cải. Khi xong, cô dâu chú rể sẽ được đưa vào buồng tân hôn. Theo tục lệ cũ và ngày nay vẫn duy trì, phòng tân hôn của cô dâu chú rể, đặc biệt là chải chiếu giường cưới sẽ do người có uy tín, sức khỏe, con cái “đủ nếp, đủ tẻ” đảm nhiệm để cầu mong cuộc sống hôn nhân suôn sẻ, may mắn. Sau đó chú rể dẫn cô dâu đi mời trầu, mời thuốc và giới thiệu các cụ bên nhà trai. Trước khi dỡ rạp, gia đình nhà trai phải làm cơm để cảm tạ tổ tiên, trời đất.
Trong lễ cưới ngày nay đã lược bỏ và đơn giản hoá một số tục lệ rườm rà của lễ cưới truyền thống. Riêng lễ cưới của những người theo Thiên chúa giáo còn có một bước nữa là làm lễ trong nhà thờ, trước sự chứng kiến của cha sứ, gia đình và các con
chiên khác. Còn các bước khác vẫn thực hiện theo phong tục vì ở Trà Cổ, dân đạo vẫn lập bàn thờ tổ tiên trong gia đình mình.
Lễ lại mặt: Sau khi cưới 3 ngày, vợ chồng về thăm bố mẹ vợ, gọi là tục lại mặt. Ngày nay, lễ lại mặt không còn áp đặt như trước, tùy điều kiện hoàn cảnh và khoảng cách mà định ngày lại mặt. Ngày lại mặt, vợ chồng trẻ mang lễ vật để tạ gia tiên, ông bà cha mẹ. Thành phần trong lễ lại mặt rất hạn hẹp, chỉ gói gọn trọng phạm vi gia đình ruột thịt của cô dâu.Tuy nhiên, về cơ bản, lễ lại mặt vẫn được duy trì vì nó mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Trà Cổ là địa bàn có sự sinh sống của các tôn giáo lớn, đặc biệt là thiên chúa giáo và phật giáo, nên phong tục ma chay của địa phương cũng có nhiều nét độc đáo.
Đám tang của cư dân Trà Cổ được tiến hành theo nghi thức truyền thống với nghi lễ Thọ mai gia lễ: Khi người thân tắt thở, trước tiên con cháu phải báo tổ tiên trước bàn thờ gia tiên, sau đó lấy nước lá thơm (nấu bằng lá bưởi hoặc chanh) lau rửa cho người quá cố. Theo tục xưa thì cha do con trai tắm, mẹ do cn gái tắm, nhưng ngày nay không còn sự phân biệt như vậy nữa, bất cứ ai trong gia đình cúng có thể tắm cho người chết. Chải đầu, cắt tóc gọn gàng, chọ bộ quần áo mới và đẹp nhất mặc cho người chết rồi cho người chết rồi cho nhập thổ (để người chết xuống đất, không để nằm trên giường nữa). Sau đó người ta sẽ cắt hết móng tay và móng chân của người chết, đeo tất tay, tất chân cho người chết, lấy một nhúm gạo, muối và đồng tiền đặt vào miệng người chết rồi vuốt cho kín miệng, vuốt mắt cho khép kín và che mặt người chết. Sau đó lấy chỉ trắng buộc hai ngón tay và hai ngón chân cái với nhau, rồi phủ tấm chăn thường ngày người quá cố vẫn dùng lên thi thể, cuối cùng căng màn ba góc để đợi thầy đến xem giờ tốt mới tiến hành khâm liệm.
Để khăm liệm, thầy phải xem ngày giờ, ngày nhập quan. Khi thầy cúng đến sẽ cho khiêng thi hài đặt lên đồ niệm, khi làm lễ nhập quan con cháu phải có mặt đầy đủ (trừ những trường hợp khắc tuổi buộc phải lánh xa chỗ khác). Nhiều gia đình thường cho vào quan tài thêm cỗ bài tổ tôm, dưới cùng bỏ rất nhiều chè khô để làm khô thi hài. Sau khi đậy nắp quan tài người ta chưa chốt mộng mà để con cháu đi xa về nhìn mặt ngừi thân lần cuối. Linh cữu đặt ở gian giữa, trên hai chân niễng. Trường hợp người chết còn người trên (cha/mẹ) thì quan tài đặt ở gian bên. Trên nắp quan tài đặt một
khúc thân chuối non để cắm hương và một bát cơm tẻ úp đôi, trên có quả trứng luộc đặt giữa hai chiếc đũa bông (cắm vào bát cơm). Từ khi người thân mất đến lúc nhập quan, luôn có con cháu túc trực bên linh cữu, vừa để tỏ lòng thành kính, thương tiếc, vừa canh giữ khong cho mèo nhảy qua, sợ thi hài bị quỷ nhập tràng.
Sau lễ nhập quan, còn có lễ thiết linh (thiết lập linh vị, đặt bàn thờ), lễ phát tang. Theo tục lệ, các con trai đều mang khăn, áo xô trắng, đầu đội rế được bện bằng mây và chống gậy trong khi túc trực bên linh cữu và khi đưa đám, các cháu chít khăn màu trắng, thế hệ thứ ba chít khăn vàng, thế hệ thứ tư chít khăn đỏ, áo xô trắng mặc trong tang phục (chỉ các con mặc) đều xổ gấu và phải mặc trái để tỏ lòng tiếc thương người quá cố, các cháu, chắt, chít thì mặc áo đen. Sau khi phát tang, họ hàng, làng xóm tới chia buồn, bày tỏ nỗi xót thương người quá cố và xin được làm lễ viếng.
Trong đám tang, đi đầu là đám rước cờ, trống (gồm một lá cờ vuông màu đen trắng, trống cái, minh tinh - dải vải hay giấy đề tên tuổi, chức tước người chết), phường nhạc và người mũ gậy (con trai trưởng hoặc cháu đích tôn), tiếp đến là linh cữu, thân nhân và làng xóm. Theo đám tang còn có một số người phục dịch: gánh nước uống, rắc