Việc giảng dạy của giáo viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh tiểu học qua môn tiếng việt ở một số tỉnh miền núi phía bắc việt nam​ (Trang 46 - 49)

8. Cấu trúc của luận văn

1.5.1. Việc giảng dạy của giáo viên

Môn Tiếng Việt đã được đưa vào giảng dạy trong bậc học đầu tiên của chương trình dạy học phổ thông, trở thành bộ môn quan trọng giúp các em hình thành và phát triển kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng mẹ đẻ và cũng là điều kiện tiên quyết không thể thiếu để đánh giá trình độ nhận thức của mỗi em. Hiểu rõ tầm quan trọng ấy, đa số các giáo viên đã nắm được những phương pháp dạy học nhưng chỉ mới dừng ở lí thuyết căn bản chứ chưa có kĩ năng thuần thục và giáo dục văn hóa giao tiếp cho các em . Cho nên chất lượng dạy học tiếng Việt chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Về nhận thức, phần lớn giáo viên thấy nội dung dạy học này phù hợp với quan điểm giao tiếp trong dạy học tiếng Việt hiện nay, phù hợp với thực tế mà cuộc sống; bản thân giáo viên đã linh hoạt trong quá trình dạy học…Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của dạy học theo hướng giáo dục

văn hóa giao tiếp cho học sinh trong trường tiểu học sẽ góp phần nâng cao chất lượng học nội dung này. Thực tế trong các tiết thi giáo viên giỏi, các tiết thao giảng, dự giờ…nhiều giáo viên chỉ chọn các tiết Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu để dạy mà không muốn chọn nội dung dạy học theo quan điểm giao tiếp trong phân môn Tập làm văn với lí do khó dạy và không biết dạy cái gì; các tài liệu hướng dẫn giảng dạy cũng như vốn ngôn ngữ giao tiếp của học sinh còn ít…

Về phương pháp dạy học, nhiều giáo viên đã có ý thức vận dụng các phương dạy học theo nguyên tắc giao tiếp để tạo cho học sinh một không khí học tập cởi mở, thân thiện, khiến học sinh muốn hào hứng tham gia phát biểu ý kiến, bày tỏ suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của mình. Trong quá trình dạy học trên lớp, nhìn chung các giáo viên đã chú ý luyện cho học sinh kĩ năng giao tiếp. Các em được luyện nói từng câu, được xử lí từng tình huống cụ thể trong các bài tập hoặc trong đời sống, được đóng vai để qua đó các em được trải nghiệm và bộc lộ những kinh nghiệm giao tiếp của bản thân.Có rất nhiều tình huống, hoạt cảnh đã được học sinh thích thú, sôi nổi thảo luận, xây dựng kịch bản và hóa thân vào nhân vật, tránh được tình trạng nói viết lại hoặc mượn lời người khác làm lời của mình.

Nhưng trên thực tế dạy học ở trường tiểu học còn cho thấy việc rèn kĩ năng giao tiếp có văn hóa cho học sinh tiểu học miền núi phía Bắc còn bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục.

Thứ nhất ở các trường vẫn còn có giáo viên chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học, chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Cách dạy của một số giáo viên còn đơn điệu, phụ thuộc máy móc vào sách giáo viên, hầu như ít sáng tạo, chưa sinh động, chưa cuốn hút được học sinh. Có rất nhiều giáo viên dạy học kĩ năng giao tiếp cho học sinh chủ yếu bằng phương pháp thuyết giảng, phân tích và làm mẫu, sau đó yêu cầu học sinh ghi nhớ, học thuộc và làm lại. Như vậy giáo viên chưa phát huy được tính tích cực của học sinh.

Thứ hai, có ít giáo viên làm phiếu bài tập nhưng phiếu học tập còn nghèo nàn về hình thức. Đa số giáo viên có ý thức chia nhóm khi có những tình huống giao tiếp phù hợp nhưng nhiều giáo viên chưa có biện pháp kiểm soát kết quả của học sinh khiến việc tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm chỉ mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Thứ ba, hội thoại là kĩ năng là nền tảng để rèn luyện kĩ năng tuy nhiên phần lớn giáo viên chưa nắm vững mục tiêu này. Sau mỗi bài tập hội thoại, học sinh mới chỉ được nhận xét, uốn nắn về kĩ năng diễn đạt lời nói mà chưa giáo dục về văn hóa giao tiếp cho học sinh.

Thứ tư, nhiều giáo viên chỉ dừng lại giúp học sinh hoàn thành nội dung bài tập trong Vở bài tập tiếng Việt, chưa gắn được việc học các kĩ năng giao tiếp trong chương trình với các cuộc hội thoại ngày thường để tạo cho học sinh thói quen giao tiếp có văn hóa. Cũng vì còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, nhiều giáo viên chỉ mới cố gắng hoàn thành các tình huống mà sách giáo khoa đưa ra, chưa có giáo viên nào mạnh dạn sáng tạo các bài tập mới, các tình huống giao tiếp mới để sinh động, phong phú hóa hoạt động rèn luyện kĩ năng giao tiếp có văn hóa cho học sinh.

Việc rèn luyện kĩ năng sử dụng các yếu tố phù trợ như: điệu bộ, nét mặt, cử chỉ, ánh mắt…trong giao tiếp hầu như chưa được quan tâm. Chẳng hạn, khi nói lời chia vui thì nét mặt, ánh mắt phải khác gì với khi nói lời chia buồn, an ủi; hay khi nói lời cảm ơn thì phải thể hiện thái độ biết ơn…

Thứ năm, nội dung rèn luyện kĩ năng giao tiếp có văn hóa được thiết kế thành các bài tập tình huống. Vì vậy, giáo viên phải phân dạng, phải nắm được mục tiêu, đặc điểm của từng dạng bài tập để có phương pháp dạy học phù hợp tuy nhiên nhiều giáo viên chưa chú ý đến vấn đề này.

Thứ sáu, thực tế cũng cho thấy, chương trình được xây dựng theo quan điểm tích hợp nhưng rất ít giáo viên biết khai thác những nội dung có liên quan

của các phân môn như Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu để dạy hội thoại cho học sinh.

Thứ bảy, nhiều giáo viên thực sự chưa quan tâm đến vấn đề dạy học sinh biết giao tiếp có văn hóa phù hợp với văn hóa Việt Nam, biết giao tiếp lịch sự, tế nhị, đạt hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh tiểu học qua môn tiếng việt ở một số tỉnh miền núi phía bắc việt nam​ (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)