8. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Môn Tiếng Việt trong chương trình giáo dục tiểu học
Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở trường tiểu học nhằm hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua việc dạy và học Tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác của tư duy. Cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về Tiếng Việt và những hiểu biết sơ giản về xã hội, tự nhiên và con người, về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài. Bồi dưỡng tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là phương tiện để nhận thức tư duy và giao tiếp. Trong các hoạt động này, mỗi người cần phải thực hiện được vai người phát tin (người nói, người viết) và cả vai người nhận tin (người nghe, người đọc). Do đó kĩ năng liên quan đến các hoạt động: nghe, nói, đọc,viết đều có vai trò quan trọng và đều cần rèn luyện để hoàn thiện. Khi học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt, học sinh nói riêng và mỗi người nói chung đều đặt ra và suy nghĩ cân nhắc tới các vấn đề: nói, viết với ai? trong ngữ cảnh như thế nào?, nói, viết để làm gì?, cần nói viết như thế nào?...Đó là những vấn đề có vai trò quan trọng đến hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Ngôn ngữ gắn liền với nhận thức và tư duy, nó là công cụ để tiến hành để lưu trữ các kết quả, và để thể hiện các kết quả của nhận thức, tư duy. Do đó việc rèn luyện kĩ năng về ngôn ngữ cũng đồng thời rèn luyện kĩ năng về tư duy. Các Mác đã từng nhận định: “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”. Kĩ năng sử dụng ngôn ngữ tốt, chính xác mạch lạc là biểu hiện của trình độ nhận thức và tư duy được rõ ràng, chặt chẽ. Vì thế học tiếng Việt, hình thành và phát triển kĩ năng sử dụng tiếng Việt còn đồng thời phục vụ cho mục tiêu rèn luyện nâng cao nhận thức và thao tác tư duy.
Trong giao tiếp hàng ngày, học sinh có thể đã có một số hiểu biết tối thiểu về tiếng Việt, đảm bảo cho sự giao tiếp thông thường. Nhưng đó vẫn là những hiểu biết tản mạn, non trẻ, ít kinh nghiệm. Còn thông qua môn Tiếng Việt ở tiểu học thì học sinh sẽ hình thành và nâng cao dần những kiến thức khoa học có hệ thống về tiếng Việt, về sự hoạt động của nó trong khi thực hiện các chức năng chủ yếu: chức năng nhận thức, tư duy, chức năng giao tiếp, chức năng thẩm mĩ.
Kiến thức về tiếng Việt bao gồm nhiều phương diện như kiến thức về cơ cấu của các hệ thống ngữ âm, từ ngữ, ngữ pháp, từ vựng, phong cách. Mỗi hệ thống này lại gồm nhiều hệ thống nhỏ: cấu tạo tiếng, từ, nghĩa của từ, đặc điểm ngữ pháp của từ, đặc điểm về phong cách và phạm vi sử dụng của từ…Đó là những vấn đề liên quan đến việc sử dụng từ khi nói, khi viết, khi nghe, khi đọc…Để ngày một sử dụng tốt hơn tiếng Việt mỗi người không thể không có những kiến thức đó.
Tiếng Việt là một tài sản vô cùng quý báu mà ông cha, tổ tiên ta đã sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước. Nhờ đó, đến nay tiếng Việt đã đạt tới sự giàu đẹp và trong sáng. Dạy học tiếng Việt và nâng cao trình độ sử dụng tiếng Việt còn nhằm mục đích tạo điều kiện tốt để lĩnh hội, tiếp nhận các kiến thức và kĩ năng thuộc các lĩnh vực khác, các bộ môn khoa học khác. Với sự nhìn nhận như vậy, môn Tiếng Việt vừa là môn học về một đối tượng vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam, của xã hội Việt Nam, đồng thời cũng là môn học về công cụ dùng để chiếm lĩnh các giá trị nhận thức và ứng xử mà dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung đã tích lũy.