Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện trạng và giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên​ (Trang 43 - 45)

b. Hiện trạng chất lượng môi trường các nguồn nước đổ vào hồ Núi Cốc

3.7.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a. Tồn tại, hạn chế

- Mặc dù, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành chiến lược, chính sách, quy hoạch chăn nuôi, bảo vệ môi trường, song công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Trong các quy hoạch phát triển chăn nuôi hầu như chỉ quan tâm, chú trọng đến các chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế, chưa có các quy định, giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể, chưa có quy hoạch và tiêu chí quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi phát triển tự phát không theo quy hoạch, đầu tư thiếu đồng bộ, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng việc đầu tư công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng với quy mô chăn nuôi thực tế tại trang trại nên thường bị quá tải, việc xử lý môi trường chưa có hiệu quả, chưa đảm bảo các quy định về môi trường, xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

- Số trang trại thực hiện thủ tục môi trường theo quy định đã tăng lên xong việc kiểm soát thực hiện còn hạn chế; đa số trang trại vẫn còn coi việc thực hiện lập hồ sơ môi trường là thủ tục hành chính, ít liên quan đến thực tế; do đó công tác bảo vệ môi trường của các trang trại mang tính tự phát tùy thuộc vào quá trình chăn nuôi của chủ trang trại.

- Mặc dù hoạt động chăn nuôi đang trên đà phát triển nhưng mô hình xử lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện của tỉnh có thể áp dụng chung đại trà cho các trang trại chăn nuôi vẫn còn ở tỉnh trạng nghiên cứu, tìm kiếm.

- Hầu hết các cơ sở chăn nuôi đã đáp ứng được điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về điều kiện trang trại chăn nuôi lợn, gà an toàn và Quy chuẩn về môi trường theo Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29/4/2016 về Quy chuẩn nước thải trong chăn nuôi còn thấp, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.

- Các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung nằm rải rác, xen kẽ các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích, kinh phí để xây dựng các công trình xử lý chất thải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý.

- Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, tập huấn chưa được thường xuyên nên hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm còn ít, chưa nâng cao mức độ răn đe.

- Ý thức và nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân, các chủ trang trại tuy có chuyển biến nhưng còn hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống chưa cao. Một số chủ trang trại, gia trại chưa nhận thức rõ được việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định của pháp luật.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, ngược lại nhiệm vụ chi cho hoạt động bảo vệ môi trường lại nhiều dẫn đến nguồn lực khó tập trung.

- Cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường còn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực trong khi địa bàn huyện rộng nên công tác triên khai nhiệm vụ còn có một số hạn chế do vậy khó tập trung.

b. Nguyên nhân

- Các quy trình, công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay nhất là quản lý vận hành chưa phù hợp với thực tế dẫn đến hiệu quả xử lý chất thải chưa cao: Các công nghệ xử lý môi trường như hệ thống bể Bioga, máy ép phân,

ao, bể lắng sinh học và dùng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học để xử lý môi trường xử lý chưa hiệu quả đặc biệt đối với các trang chăn nuôi quy mô lớn (chăn nuôi lợn thịt), chỉ đạt hiệu quả đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, gia trại và nông hộ.

- Để xử lý nước thải chăn nuôi đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT, các cơ sở chăn nuôi phải đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải với chi phí cao, sử dụng diện tích đất lớn…trong khi các điều kiện về tài chính của nhiều cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng được, dẫn tới việc không đảm bảo các yêu cầu nước thải đầu ra đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT.

- Hiện nay trên địa bàn các xã đã có quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch các khu chăn nuôi, nhưng việc thực hiện quy hoạch, di chuyển các trang trại, gia trại vào vùng quy hoạch là rất khó khăn.

- Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

- Chưa phát huy được vai trò của các tổ chức, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung.

- Hiện nay hoạt động chăn nuôi gắn liền với thị trường tiêu thụ, khi nhu cầu của thị trường tăng lên các chủ trang trại tăng số lượng đàn, số lượng vật nuôi nhưng công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở không được chú trọng đầu tư tương ứng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện trạng và giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên​ (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)