Các kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện trạng và giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên​ (Trang 37 - 43)

b. Hiện trạng chất lượng môi trường các nguồn nước đổ vào hồ Núi Cốc

3.7.1. Các kết quả đạt được

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi đã được Chính phủ và các cơ quan Bộ, Ban, Ngành ban hành, có tính thực thi cao, phạm vi bao quát rộng. Để nâng cao tính thực thi và phù hợp với điều kiện của tỉnh, tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ đã chủ động nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc quy hoạch chăn nuôi,

phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi…qua đó đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu của hoạt động chăn nuôi đến môi trường khu vực.

a. Công tác xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch chăn nuôi, chính sách phát triển chăn nuôi bền vững, hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về quy hoạch chăn nuôi, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tập trung với các nội dung chính như sau:

- Ban hành Quy hoạch xác định các vùng chăn nuôi trọng điểm tập trung tại các địa phương; bố trí đất đai để thu hút đầu tư xây dựng các khu (trại) chăn nuôi tập trung quy mô lớn, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong đó đã tính toán, lồng ghép các yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương.

- Xây dựng đề án chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao, đô thị đến nhưng vùng có mật độ dân số thấp, các xã, huyện miền núi có điều kiện bố trí đất đai để xây dựng hệ thống chuồng trại, các công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời giúp phát triển chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường.

- Ban hành các chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ hoạt động chăn nuôi.

b. Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi

Trên địa bàn huyện Đại Từ có gần 45 trang trại chăn nuôi, tỷ lệ các trang trại thực hiện các thủ tục về môi trường như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, kế hoạch bảo vệ môi trường cao đạt 42/45 trang trại (đạt 93%). Tuy nhiên, trong số đó 27/45 lập đề án bảo vệ môi trường (chiếm 60%); cho thấy đa số các trang trại đi vào hoạt động mà chưa thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định (việc lập Đề án bảo vệ môi trường là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho một số trang trại đã đi vào hoạt động mà chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải lập Đề án để có hồ sơ quản lý về môi trường; từ ngày 1/4/2018 quy định thực hiện Đề án đã hết hiệu lực thi hành).

(Số liệu chi tiết tại bảng phụ lục kết quả điều tra kèm theo)

* Việc xử lý chất thải

Vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Đại Từ nói riêng, đặc biệt là việc gây ô nhiễm môi trường từ việc xả thải nước thải. Trong tổng số các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 274 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, dù đã xây dựng các công trình xử lý nước thải như hệ thống bể biogas, bể lắng, ao chứa...nhưng việc xử lý không hiệu quả, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trên địa bàn huyện Đại Từ, mặc dù các trang trại có trang bị hệ thống bioga để xử lý nhưng đều không được tính toán phù hợp với quy mô chăn nuôi nên thường quá tải nên hiệu quả xử lý không cao, kết quả phân tích nêu trên đã cho thấy thực trạng nước thải sau xử lý không đạt tiêu chuẩn hiện hành. Hiện tại các cơ sở chăn nuôi hầu hết sử dụng công nghệ nuôi ướt (sử dụng nhiều nước nhưng không thu, tách triệt để phân, đặc biệt là nuôi lợn thịt). Còn có một vài trang trại lợi dụng mưa lũ, đêm tối để xả thải trộm nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

c. Việc đầu tư nguồn lực cho quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong bảo vệ môi trường chăn nuôi

Trong những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực cân đối, bố trí nguồn lực cho quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Tỉnh đã giao các Sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các dự án, công trình hỗ trợ hoạt động chăn nuôi, xử lý chất thải tại các cơ sở chăn nuôi như:

- Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Dự án xây dựng môi hình ứng dụng xử lý chất thải chăn nuôi sau biogas theo công nghệ Saibon của Nhật Bản tại Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc Phúc Thịnh, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; tổng kinh phí thực hiện dự án gần 3 tỷ đồng, theo đó chủ trang trại đối ứng 30%, ngân sách nhà nước 70%. Mô hình đã đạt được thành công nhất định, hiệu quả xử lý cao, cần được nhân rộng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học (Bioga, bể phủ bạt, công nghệ Saibon nhật bản…), mô hình đệm lót sinh học, các chế phẩm sinh học, hỗ trợ hóa chất phun sát trùng tiêu độc, máy ép phân, hỗ trợ đối với cơ sở chăn nuôi tập trung trong quy hoạch, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh V/v chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí khoảng 2 tỷ đồng/năm, với các nội dung: Hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (đào tạo mạng lưới dẫn tinh viên; hỗ trợ liều tinh lợn, tinh bò, tinh trâu); Hỗ trợ công tác xử lý môi trường như công trình Bioga, mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà và tổ chức đào tạo tập huấn về các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi.

- Thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, bước đầu tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các nguồn lực được bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi một phần được sử dụng cho việc xây dựng các quy định, thực hiện các dự án kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, cảnh báo ô nhiễm môi

trường; một phần sử dụng cho việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xả thải, đánh giá chất lượng môi trường xung quanh…mặc dù đã được bố trí nguồn lực, song với nguồn kinh phí thấp, còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, đặc biệt là việc nghiên cứu, tìm kiếm, triển khai các mô hình thí điểm xử lý chất thải chăn nuôi vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Công tác tuyên truyền tập huấn cũng được UBND huyện Đại Từ quan tâm hướng đến các chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện; hàng năm tổ chức tuyên truyền tập huấn về bảo vệ môi trường cho các chủ trang trại trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

d. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như sau:

- Rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá đối với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hàng năm theo phân cấp quản lý tại Quyết định 3105/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên, theo đó có sự phân cấp về quản lý giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quản lý.

- Hàng năm tham mưu trình UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Đại Từ) kiểm tra đánh giá thực trạng, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ : Từ 2015 đến 2018 đã kiểm tra được hàng chục lượt trang trại và lấy mẫu nước thải để phân tích kiểm tra mức độ ô nhiễm. Kết quả cho thấy hầu hết các trang trại chăn nuôi đã có các biện pháp xử lý môi trường như Biogas, bể lắng sinh học, dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường, tuy nhiên các biện pháp trên đều chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy mô chăn nuôi, trên 80% mẫu nước thải lấy tại các trang trại chăn nuôi đều không đạt tiêu chuẩn về môi trường, các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản yêu cầu khắc phục và đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm.

Riêng năm 2017, đã thành lập 02 đoàn chuyên ngành nông nghiệp cấp tỉnh kiểm tra tại 50 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Kết quả: 100% các cơ sở có hàng rào bao quanh, có hố khử trùng tiêu độc, có áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Tuy vậy việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa được đầy đủ: có 15/50 (30%) cơ sở được kiểm tra có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường.

Thành lập 9 đoàn kiểm tra chuyên ngành thuộc 9 huyện, thành, thị kiểm tra trên 500 trang trại chăn nuôi, kết quả cho thấy hầu hết các trang trại cơ bản đáp ứng được điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất ban đầu. Tuy vậy số trang trại chăn nuôi tập trung đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc qia theo Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về điều kiện trang trại chăn nuôi lợn, gà an toàn và Quy chuẩn về môi trường theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2016 về Quy chuẩn nước thải trong chăn nuôi còn thấp; riêng đối với chăn nuôi nhỏ lẻ việc thực hiện các điều kiện về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập.

Thông qua kết quả thanh kiểm tra đã đôn đốc, hướng dẫn các chủ trang trại thực hiện thủ tục hồ sơ về môi trường nên đến nay đã đạt kết quả số lượng thực hiện thủ tục hồ sơ về môi trường như nêu trên. Nhìn chung trong những năm vừa qua, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng với số lượng trang trại quá lớn, số lượt kiểm tra là không đáng kể; hạn chế về kinh phí trưng cầu giám định nước thải, nhân lực quản lý, vì vậy chưa đáp ứng được tổng thể yêu cầu thanh, kiểm tra đối với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện.

Đối với cấp huyện hiện nay, việc tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở chăn nuôi thuộc quy mô cấp huyện hoạt động trên địa bàn còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, hình thức xử lý mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo; bên cạnh đó công tác thanh, kiểm tra cũng chưa được thực hiện toàn

diện, đầy đủ; nguồn nhân lực còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác kiểm tra, giám sát thuộc địa bàn quản lý; hầu hết ở cấp huyện nói chung và huyện Đại Từ nói riêng, công tác kiểm tra xử lý vi phạm còn yếu, chưa được thực hiện nghiêm.

[Nguồn: báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2016-2018]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hiện trạng và giải pháp quản lý môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện đại từ tỉnh thái nguyên​ (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)