- Nguyên nhân từ phía Namabank:
+ Do Namabank còn là một ngân hàng nhỏ chỉ mới bắt đầu mở rộng và phát triển trong thời gian gần đây, dẫn đến thời gian vừa qua ngân hàng chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc cập nhật, đánh giá thường xuyên hệ thống chấm điểm khách hàng cá nhân để có chỉnh sửa kịp thời. Hệ thống chỉ tiêu XHTD hiện tại được xác định mức điểm và trọng số tương đối chủ quan, mang tính cảm tính và kinh nghiệm của các chuyên gia. Do vậy, với những chuyên gia khác nhau sẽ mang đến những kết quả đánh giá về mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu khác nhau.
+ Phần lớn những khoản vay cá nhân tại Namabank thời gian qua có giá trị chưa lớn, trong khi đó việc thu thập dữ liệu để chấm điểm mỗi khách hàng lại tốn khá nhiều thời gian. Do đó đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng một đội ngũ cán bộ tín dụng có trình độ và năng lực nhất định để có thể chấm điểm khách hàng nhanh và chính xác nhất. Bên cạnh đó dữ liệu thu thập về đôi khi chưa thực sự tốt do nhân viên thẩm định dựa quá nhiều vào số liệu do khách hàng tự cung cấp mà chưa quan tâm đến các nguồn thông tin khác như: thông tin từ cơ quan thuế, ngân hàng khác, phương tiện thông tin đại chúng,...
+ Cơ sở hạ tầng về hệ thống thông tin tại Namabank vẫn chưa xây dựng được các phần mềm chấm điểm tự động khách hàng mà vẫn phụ thuộc vào các thao tác nhập liệu, dẫn đến tốn nhiều thời gian và nhân lực.
- Nguyên nhân từ phía khách hàng:
Để đạt được mục đích vay đôi khi khách hàng đã cung cấp thông tin không chính xác, thậm chí giả mạo thông tin trong việc cung cấp hồ sơ vay vốn, điều này gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho ngân hàng trong việc thẩm định khoản vay và xếp hạng khách hàng. Nguyên nhân một phần là do các cá nhân kinh doanh tại
Việt Nam hiện chưa bị chi phối nhiều bởi các chế tài xử phạt nghiêm khắc khi cung cấp các thông tin chưa chính xác hoặc bị sai lệch về hoạt động kinh doanh.
- Nguyên nhân từ môi trường kinh doanh:
+ Mặc dù thời gian qua, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định cụ thể về 26 chuẩn mực kế toán liên tục được ban hành và cập nhật. Tuy nhiên việc tuân thủ các chế độ kế toán theo quy định của pháp luật vẫn chưa được các cá nhân và hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ, từ đó dẫn đến các báo cáo tài chính có độ tin cậy chưa cao. Đặc biệt đối với những hộ kinh doanh cá thể thì việc báo cáo thuế là số liệu mang tính hình thức.
+ Tại Việt Nam hiện tại không có nhiều nguồn thông tin hỗ trợ cho việc xếp hạng tín nhiệm, thông tin từ CIC là nguồn thông tin chủ yếu mà ngân hàng sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thông tin này hết sức đơn điệu, thiếu cập nhật, không đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của ngân hàng.
+ Tại Việt Nam còn thiếu các chỉ số trung bình ngành dùng làm cơ sở để so sánh, đánh giá khách hàng trong quá trình xếp hạng.
Kết luận chƣơng 2
Trong thời gian qua, hoạt động tín dụng của Namabank tăng trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên cùng với sự phát triển thì rủi ro tín dụng cũng có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân dẫn đến các rủi ro tín dụng này có thể được kể đến như: nguyên nhân khách quan từ môi trường kinh doanh cạnh tranh cao, khung pháp lý còn nhiều bất cập, hệ thống thông tin hỗ trợ còn nhiều yếu kém,...; nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng cho vay như sụ thiếu tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình cho vay, do năng lực của cán bộ ngân hàng còn hạn chế cả về mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp,... Và cuối cùng là các nguyên nhân gây rủi ro từ phía khách hàng vay như năng lực tài chính và quản trị kém, sử dụng vốn vay sai mục đích và gian lận,...Chính vì vậy mà Namabank đã nỗ lực không ngừng cải thiện hệ thống XHTD nội bộ đối với khách hàng cá nhân, nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Trong chương này, tác giả đã đi sâu vào trình bày thực trạng các mô hình XHTD cá nhân của Namabank, từ đó so sánh với các mô hình XHTD trên thế giới và Việt Nam để thấy được những thành tựu cũng như hạn chế cần khắc phục sửa đổi. Trên cơ sở đó tác giả đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hệ thống XHTD cá nhân của Namabank trong chương 3.
CHƢƠNG 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HỆ THỐNG XẾP HẠNG TÍN DỤNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP NAM Á
Đầu tiên trong chương 3 tác giả sẽ đề cập đến định hướng phát triển và mục tiêu hoàn thiện hệ thống XHTD cá nhân của Namabank trong năm 2016. Từ đó tác giả có cơ sở để đề xuất một số sửa đổi bổ sung trong mô hình XHTD cá nhân tại Namabank để nâng cao tính chính xác và khách quan khi đánh giá. Trên cơ sở đó, tác giả thực hiện kiểm chứng lại mô hình đã để xuất để tăng cao tính thuyết phục. Bên cạnh đó, tác giả gợi ý một số biện pháp hỗ trợ cần thiết để hệ thống XHTD cá nhân của Namabank phát huy hiệu quả cao nhất trong thời gian sắp tới.