Trong nghiên cứu này tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất 45,6%, chủ
yếu gặp ở nam (30/57) và ở nhóm tuổi từ 36 đến dưới 50 (78,4%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tăng huyết áp giữa các nhóm tuổi (với p < 0,05). Chúng tôi thường gặp là tăng huyết áp giai đoạn I và II, không gặp những trường hợp tăng huyết áp nặng và rất nặng.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các tác giả trong và ngoài nước. Theo Lê Văn Chất tăng huyết áp gây nhồi máu não là 27,26%, theo Lê Văn Thính tỷ lệ tăng huyết áp là 28,18% [20], theo Nguyễn Công Hoan là 31,8% [18], theo Churilov L là 22,5% [65].
Lê Quang Cường nhận thấy những trường hợp với tiền sử tăng huyết áp có nguy cơ mắc TBMN gấp 6,35 lần những trường hợp không tăng huyết áp. Nhưng kết quả của chúng tôi thấp hơn so với các tác giả khác như Ngô Đăng Thục (tăng huyết áp 72%) [33], Wong và CS (63%) [68], Tan K.S và CS (65,7%) [65].
Như vậy, có thể vì chúng tôi nghiên cứu ở lứa tuổi trẻ, nên tỷ lệ tăng huyết áp gặp với tần suất thấp hơn so với người cao tuổi. Hơn nữa chúng tôi gặp 99,6% bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị hoặc điều trị không thường xuyên và 15% bệnh nhân có tăng huyết áp nhưng không biết tình trạng huyết áp bản thân trước đó. Điều này chứng tỏ trình độ hiểu biết và kiểm soát tăng huyết áp trong cộng đồng chưa cao, nên cần phải tuyên truyền, hướng dẫn tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, huyết áp tăng ở mức giới hạn hoặc tăng
nhẹ làm cho bệnh nhân ít quan tâm, vì thế vấn đề theo dõi và điều chỉnh huyết áp ổn định đã không được thực hiện. Theo Nguyễn Văn Đăng không hẳn có tỷ
lệ thuận giữa số đo huyết áp với tai biến nhồi máu não, còn có sự tham gia của các yếu tố khác đặc biệt là xơ vữa mạch [9], [19].