Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
- Tập trung giải quyết nợ xấu của NHTM để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Xúc tiến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản theo hướng kích thích phân khúc thị trường nhà ở phổ thông.
- Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công. Chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp không gắn với tình hình thực tế như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động.
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý
- Tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả các cơ hội, các ưu đãi trong cam kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu; đề cao trách nhiệm của các TCTD và phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.
- Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện có hiệu quả gói hỗ trợ nhà ở xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thứ ba, đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng và DNNN
- Tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các NHTMCP yếu kém. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các NHTM. Tăng cường giám sát, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; tăng cường quản lý nhà nước đối với các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm.
- Cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DNNN. Hiệu quả sử dụng nguồn lực này là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay đổi thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường.
Thứ tư, thường xuyên rà soát lại hệ thống Luật Việt Nam
- Từng bước hoàn thiện, rà soát bổ sung sửa đổi các Luật, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động tài chính tiền tệ phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ năm, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh
- Tăng cường minh bạch trong hoạt động thanh toán, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần làm rõ ràng, minh bạch hóa các dòng tiền của người dân trên thị trường.
- Có cơ chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với tất cả các NHTM tham gia thị trường, không phân biệt đối xử giữa các NHTM nhà nước với tư nhân.
- Kiểm soát chặt chẽ chống hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường tài chính của các tổ chức trong nước và ngoài nước cố tình cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho các NHTM hoạt động chân chính.