Đặc điểm phân bố cây Củ dòm theo các chỉ tiêu điều tra

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố, thử nghiệm nhân giống loài củ dòm (stephania dielsiana c y wu) tại vườn quốc gia ba vì, hà nội​ (Trang 46 - 49)

Chương 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.1. Đặc điểm phân bố của loài cây Củ dòm tại VQG Ba Vì

4.1.2. Đặc điểm phân bố cây Củ dòm theo các chỉ tiêu điều tra

4.1.2.1. Đặc điểm phân bố của loài Củ dòm theo đai cao.

Độ cao phân bố là một trong những đặc điểm sinh thái quan trọng của thực vật. Tại VQG Ba Vì có độ cao phổ biến từ 200 m đến 1.000 m. Chính vì vậy, khi lập tuyến điều tra đề tài lựa chọn các tuyến có thể đi qua nhiều đai cao của VQG; trong đó, độ cao thấp nhất ghi nhận được là 227 m (Tuyến 9) và độ cao lớn nhất là 1.120 m thuốc Tuyến 3 (Đỉnh Ngọc Hoa). Ngoài ra còn căn cứ vào sự phân bố của các loại đất trên các độ cao khác nhau mà có thể tìm hiểu đặc điểm phân bố của cây Củ dòm theo các độ cao trên tuyến. Đề tài chia thành 3 đai chính tổng hợp theo bảng 4.2 và hình 4.1.

Bảng 4.2. Phân bố cây Củ dòm trên các tuyến theo các dạng đai cao Đai cao < 700 m 700 – 1000 m >1000 m Tổng

Số cây 7 4 11 22

% 31,82 18,18 50,00 100

Từ bảng 4.2 cho ta thấy, cây Củ dòm phân bố chủ yếu ở các đai cao trên 1.000 m (chiếm 50%) và dưới 700 m (chiếm 31,82 %). Gặp rất ít ở độ cao từ 700 – 1000 m (chiếm 18,18%). Kết quả phân bố cây Củ dòm trên bảng 4.2 được thể hiện ở hình 4.1.

Hình 4.1. Biểu đồ phân bố cây Củ dòm theo các dạng đai cao

Điều đáng lưu ý là theo các tài liệu đã công bố [Sách đỏ Việt Nam, 2007] thì Củ dòm thường phân bố từ độ cao 300-600m. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của đề tài cho thấy tại VQG Ba Vì, cây Củ dòm có phân bố chủ yếu ở độ cao trên 1.000 m (bảng 4.1). Đây là một thông tin mới cần được bổ sung vào đặc điểm sinh thái học của loài.

4.1.2.2. Đặc điểm phân bố tự nhiên của cây Củ dòm theo vị trí địa hình:

Tuy cùng một độ cao nhưng ở các vị trí địa hình khác nhau có thể dẫn đến sự phân bố tự nhiên của loài là khác nhau. Từ số liệu ở bảng 4.1 đề tài tổng hợp số liệu về sự phân bố tự nhiên của cây Củ dòm theo vị trí địa hình tại bảng 4.3.

Bảng 4.3. Phân bố của cây Củ dòm theo vị trí địa hình

Vị trí Chân Sườn Đỉnh Tổng

Số cây 4 9 9 22

% 18,18 40,91 40,91 100

Từ kết quả ở bảng 4.3 cho thấy, cây Củ dòm phân bố chủ yếu ở sườn và đỉnh núi (chiếm 40,91%), ở vị trí chân núi chiếm tỉ lệ rất ít (18,18%). Điều đó được lý giải rằng: Ở VQG Ba Vì, trạng thái rừng đã suy giảm rất mạnh từ đỉnh núi xuống chân núi do có sự can thiệp của con người. Những nơi có sự tác động nhiều từ con người (khai thác) thì những nơi đó có phân bố loài Củ

dòm rất ít. Như vậy, chúng ta nhận thấy một điều rằng, những khu vực càng dễ khai thác loài này hay nói cách khác là những nơi ở gần khu dân cư thì số lượng cây Củ dòm càng giảm. Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới tính đại diện khách quan khi nghiên cứu sự phân bố tự nhiên của loài trên địa bàn. Từ dẫn liệu ở bảng 4.3 được thể hiện một cách tổng quan phân bố tự nhiên của cây Củ dòm theo các vị trí địa hình ở hình 4.2

Hình 4.2. Phân bố tự nhiên loài Củ dòm theo ba vị trí địa hình

4.1.2.3. Đặc điểm phân bố cây Củ dòm theo các dạng sinh cảnh (hay

trạng thái rừng)

Từ số liệu ở bảng 4.1 cho ta được ba kiểu trạng thái rừng khác nhau (IIB, IIIA1, IIIA2). Kết quả được tổng hợp lại ở bảng 4.4 và (hình 4.3).

Bảng 4.4. Phân bố của cây Củ dòm theo kiểu trạng thái rừng

Trạng thái IIB IIIA1 IIIA2 Tổng

Số cây 4 11 7 22

% 18,18 50,00 31,82 100

Qua kết quả tổng hợp ở bảng 4.4 cho ta thấy: Ở trạng thái rừng IIIA1 thì Củ dòm phân bố nhiều nhất (chiếm 50% tổng số cây), tiếp đến là trạng thái IIIA2 (31,81%) và thấp nhất là trạng thái IIB (18,18%). Trạng thái rừng IIB tương ứng với vị trí chân núi, nơi mà phân bố cây Củ Dòm ít nhất. Để thấy

được một cách rõ nhất kết quả ở bảng 4.4, đề tài tiến hành lập biểu đồ thể hiện sự phân bố cây Củ dòm theo các dạng sinh cảnh ở hình 4.3

Hình 4.3. Phân bố cây Củ dòm theo các dạng sinh cảnh

Từ hình 4.3 chúng ta có thể nhận thấy rõ trạng thái rừng IIIA1 có tỷ lệ phân bố cây Củ dòm là nhiều nhất.

4.1.3. Nhận xét chung về đặc điểm phân bố loài Củ dòm

Qua các nghiên cứu về phân bố của loài Củ dòm trên địa bàn VQG Ba Vì trên cho thấy:

Hiện nay loài Củ dòm có phân bố hầu hết khắp nơi trong VQG, từ các dạng đai cao, các dạng sinh cảnh hay từng vị trí địa hình đều thấy xuất hiện loài. Nhưng chỉ gặp loài phân bố nhiều ở dạng sinh cảnh rừng thứ sinh IIIA1 và ở độ cao trên 1000 m. Theo như các tài liệu đã công bố về sự phân bố của loài Củ dòm chỉ thường tập trung từ độ cao 300–600 m. Nhưng theo điều tra cho thấy, loài tập trung nhiều ở độ cao trên 1000 m. Điều đó cho thấy biên độ sinh thái của loài khá rộng. Tuy nhiên, số lượng hiện nay là rất ít, phân bố không đều do bị người dân thu hái khi tìm kiếm cây thuốc trên rừng và giảm mạnh tại các vùng gần dân cư. Mặt khác khả năng tái sinh tự nhiên kém nên việc bảo tồn nguồn gen loài này cần phải đặc biệt quan tâm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm phân bố, thử nghiệm nhân giống loài củ dòm (stephania dielsiana c y wu) tại vườn quốc gia ba vì, hà nội​ (Trang 46 - 49)