Các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác Luồng đã và đang áp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm rừng luồng (dendrocalamus barbatus hsueh et d z LI) thoái hóa tại thanh hóa (Trang 46 - 52)

- Hướng dẫn phương pháp xác định rừng Luồng thoái hóa tạiThanh Hóa

4.1.4. Các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác Luồng đã và đang áp

- Về kỹ thuật tạo giống

Trước đây, khi trồng Luồng với quy mô nhỏ, người dân thường đào gốc những cây có độ tuổi 1-2 để trồng, hoặc có thể dùng cây Luồng 2-3 tuổi, sau đó cắt thành khúc 50-60 cm, sau đó cắm xuống đất (gốc hom thân). Tuy nhiên, chủ yếu

vẫn là dung giống gốc và giống chét. Sau những năm 1980, việc nhân giống Luồng bằng phương pháp chiết cành được áp dụng phổ biến thì phương pháp tạo giống bằng giống gốc, giống chét và giống hom chỉ được dùng ở những hộ trồng ít, các chủ rừng nhà nước trồng Luồng đều dùng giống từ phương pháp chiết cành. Công tác chọn lọc giống chưa được thực hiện, cả tỉnh Thanh Hóa chưa có rừng giống được công nhận.

- Về lựa chọn điều kiện lập địa trồng Luồng

Luồng trước đây thường được trồng quanh nhà, nơi có độ dốc thấp, ẩm ướt, hoặc dọc theo các bờ sông, bờ suối. Đầu những năm 1970, Thanh Hóa phát động phong trào trồng Luồng nên diện tích Luồng được mở rộng nhanh chóng. Khi đó, những nơi có độ dốc trên 20o, độ cao tương đối dưới 200m, đất có tầng dày trên 50cm, tơi xốp, ẩm ướt được lựa chọn là đất trồng Luồng (Nghị quyết của ban Hành chính tỉnh về xây dựng kinh tế Luồng năm 1973). Sau này, khi những diện tích đất có tiêu chí trên hạn hẹp, nhưng với chỉ tiêu cần tăng mạnh diện tích trồng Luồng nên ngay cả những nơi có điều kiện lập địa không phù hợp cũng được đem trồng như trồng Luồng trên đỉnh đồi, nơi có độ dày tầng đất <50cm, đất có nhiều đá lẫn,… Hiện nay, nhiều diện tích Luồng trồng nơi sai lập địa dẫn đến năng suất và chất lượng Luồng giảm.

- Về xử lý thực bì

Để trồng Luồng, người dân thường phát trắng thực bì trước khi trồng, tuy nhiên nếu trồng Luồng ở rừng tự nhiên trạng thái IIa, IIb thì thực bì được pháp theo băng hoặc đám.

- Làm đất

Tiến hành sau khi xử lý xong thực bì, phương thức làm đất phổ biến là cuốc đất cục bộ theo hố, hố cuốc thủ công bố trí theo kiểu nanh sấu và theo đường đồng mức. Kích thước hố Luồng ở mô hình trồng thuần loài hay hỗn loài thường là (60×60×50)cm hoặc (50×50×50)cm và trong mô hình trồng hỗn loài hố cây bản địa hoặc keo (cây thân gỗ) nhỏ hơn với kích thước (40×40×40)cm. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ gia đình chỉ cuốc hố nhỏ (20 x 20 x20)cm đủ cho gốc, chét vào để trồng. Ở

những nơi có độ dốc cao, bà con tiến hành san bậc thang theo đường đồng mức hoặc san vảy cá.

- Mật độ trồng

Ở phương thức trồng Luồng thuần loài mật độ phổ biến từ 250-300 bụi/ha, một số trường hợp trồng mật độ lên tới 400 bụi/ha. Còn ở trong mô hình trồng hỗn loài mật độ thường chỉ từ 150-200 bụi/ha (đối với Luồng) và 300-600 cây thân gỗ, thậm chí trồng 1.000 cây thân gỗ hỗn giao với Luồng .

- Thời vụ trồng Luồng

Luồng thường được trồng vào vụ xuân (tháng 1-2) hoặc vụ hè thu (tháng 6-7) thường chọn ngày có mưa nhỏ hoặc râm mát để trồng.

- Chăm sóc rừng Luồng sau khi trồng

Trừ những lâm trường, công ty lâm nghiệp có kế hoạch phát dọn thực bì để hạn chế cạnh tranh của cỏ dại, cây bụi với Luồng, còn các hộ dân thường tiến hành chăm sóc, phát dọn thực bì trước mùa khai thác chủ yếu cho thuận tiện khai thác, vận chuyển Luồng. Một điều đáng quan tâm là khi phát thực bì, người trồng Luồng thường chặt luôn cả những cây gỗ tái sinh, điều đó làm cho rừng Luồng mất tính đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cây thân gỗ nếu để lớn sau này sẽ là chỗ dựa để Luồng cao hơn, thẳng hơn và hạn chế Luồng đổ gãy trong mùa mưa bão.

Việc bón phân bổ sung cho Luồng hầu như không được thực hiện, ngay cả các Công ty lâm nghiệp. Chỉ một số rất ít hộ gia đình làm được điều này và cũng không thường xuyên, những trường hợp bón phân cho Luồng chỉ xảy ra khi người trồng Luồng thấy Luồng quá xấu và muốn khôi phục lại nên chỉ làm trong 1 năm, sau đó lại thôi. Hiện nay, dự án LDP đã tuyên truyền, hỗ trợ một số hộ trồng Luồng tại Ngọc Lặc, Thường Xuân, Quan Hóa để thực hiện việc bón phân cho Luồng, người trồng Luồng trong dự án này đã thấy rõ hiệu quả của việc bón phân cho Luồng tuy nhiên sau khi dự án kết thúc thì các hộ này cũng không tiếp tục đầu tư bón phân mà trở lại theo thói quen cũ.

Hiện nay, có rất nhiều loại sâu, bệnh hại Luồng, đáng chú ý nhất là bệnh sọc tím măng Luồng, bệnh rỉ sắt, bệnh chổi xể, sâu vòi voi hại măng, châu chấu ăn lá,... Cho đến nay vẫn chưa có các biện pháp phòng trừ hữu hiệu ngoài các biện pháp thủ công như chặt phá bỏ cây bị bệnh, bắt châu chấu, vòi voi. Gần đây, qua việc giúp đỡ và tuyên truyền của đề tài và dự án LDP, một số hộ ở Bá Thước, Ngọc Lặc và Quan Hóa đã dùng túi nilon để chụp lên măng mới mọc, hạn chế được việc sâu vòi voi đẻ trứng vào măng, nên măng được bảo vệ tốt.

- Kỹ thuật khai thác

Trước đây (những năm 1960) Luồng thường được khai thác theo kinh nghiệm, đó là những cây già (trên 3 tuổi), Luồng thường được chặt vào buổi chiều (nhiều người già nói rằng, nếu chặt Luồng vào buổi sáng thì bụi Luồng sẽ xấu, ít đẻ măng), Luồng được chặt sát gốc tránh trường hợp hiện tượng nâng măng Luồng mọc cao dần lên theo thời gian khai thác, Luồng thường được khai thác vào tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Do nhu cầu Luồng thời gian này chưa nhiều nên mỗi bụi Luồng thường để lại vài chục cây/bụi, thậm chí trên một trăm cây/bụi. Tuy nhiên, từ sau những năm 1990 đến nay, do nhu cầu thị trường Luồng tăng mạnh, giao thông, vận tải đi lại dễ dàng nên việc khai thác Luồng cũng tăng nhanh dẫn tới quá mức. Trừ một số Công ty như Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và một số hộ gia đình có kinh tế khá hoặc nhận thức được tác hại của việc khai thác không đúng kỹ thuật, còn lại hầu hết các hộ gia đình đều khai thác theo nhu cầu dẫn đến phần lớn diện tích Luồng ở Thanh Hóa được coi là bị khai thác quá mức, cụ thể: Cây Luồng tuổi 2 thậm chí tuổi 1 cũng được khai thác, mỗi bụi để lại 2-3 cây, Luồng được khai thác quanh năm, ngay cả trong mùa măng mọc. Bên cạnh đó măng cũng được khai thác, dẫn đến giảm măng mọc trong năm tiếp theo (vì Luồng chỉ sinh măng ở cây tuổi 1 và 2). Nhiều hộ gia đình chặt, để lại gốc Luồng cao, vì vậy theo thời gian, măng mọc cao dần dẫn đến cây còi cọc, dễ đổ gãy,…

- Nhận xét về các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác Luồng

Thanh Hóa là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi cho đất đai, khí hậu phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây Luồng. Trải qua nhiều thế hệ, gây trồng và phát

triển, đến nay người dân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc kinh doanh loài cây này. Những kiến thức, kinh nghiệm đó đã giúp diện tích Luồng ở đây tăng mạnh trong thời gian qua, đồng thời đây cũng là cây được coi là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, qua việc tổng hợp những kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác đã nêu trên, đề tài thấy những hạn chế sau cần được khắc phục cũng như nêu lên một số giải pháp để rừng Luồng ngày một đạt năng suất và chất lượng cao hơn.

+ Việc chọn giống Luồng

Việc chọn giống Luồng chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng. Cụ thể, từ trước đến nay, ngoài việc tạo giống Luồng bằng cách chiết cành được coi là một đột phá trong khâu tạo giống Luồng. Trước đây dùng gốc, chét, hom thân thì hệ số nhân giống thấp, khó đáp ứng nhu cầu trồng với diện tích lớn. Từ khi kỹ thuật dâm hom cành được đưa vào sản xuất đã tạo được một lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu rộng rãi của người trồng Luồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu để nâng cao năng suất Luồng thông qua chọn giống ít hoặc chưa được thực hiện. Một số người trồng Luồng cho rằng sự khác nhau về khả năng sinh măng và kích thước măng của các nguồn gốc lấy giống là chỉ được thể hiện trong vài năm đầu, sau đó dù nguồn giống là gốc, chét hay hom cành đều cho số lượng măng và kích thước như nhau nếu trong cùng một điều kiện trồng và chăm sóc như nhau. Cụ thể nếu lấy gốc, chét làm giống thì ngay năm sau đã có Luồng cọc (đường kính 4-6 cm), tuy nhiên số lượng măng ít (1-3 măng/bụi). Nếu lấy hom thân, cành làm giống thì đến năm thứ 3 mới có Luồng cọc, nhưng số lượng măng nhiều hơn (4-6 măng/bụi). Còn sau năm thứ 6 thì không có gì khác nhau về các chỉ tiêu trên. Điều này chưa được chứng minh qua các nghiên cứu. Bên cạnh đó liệu lấy giống từ cây mẹ to có cho cây măng to hơn so với lấy giống ở những cây Luồng nhỏ (Luồng to hay nhỏ ở đây chỉ được xem là kiểu hình, vì trong cùng một bụi nhưng có cây to, cây nhỏ, mà kiểu gen mới chắc chắn sẽ được di truyền cho thế hệ sau). Đây cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ, chính vì vậy người dân khi lấy giống hầu như không quan tâm đến việc chọn cây mẹ to làm giống. Bên cạnh đó các câu hỏi liên quan đến giống như tại sao Luồng mới trồng đã bị khuy (ra

hoa); liệu lấy giống Luồng từ cây bị bệnh (chổi sể, rỉ sắt, măng bị sọc tím) thì khả năng nhiễm bệnh của rừng trồng mới thế nào cũng chưa được trả lời. Cũng từ những lý do trên nên chưa thấy vai trò của giống trong việc nâng cao năng suất và chất lượng rừng Luồng và cho đến nay, Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa có được một rừng giống được công nhận cho Luồng.

+ Việc khai thác Luồng quá mức

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, khai thác quá mức dẫn đến rừng Luồng bị thoái hóa. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét, chứng minh cụ thể hơn. Có thể khẳng định rằng, nếu khai thác Luồng ở tuổi 1-2 để làm các công trình xây dựng thì sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng công trình, vì khi đó Luồng còn non, các tính chất cơ lý của thân Luồng chưa ổn định, nên thân Luồng mềm, dễ bị nấm, mục,..vì vậy không nên chặt và không nên mua Luồng ở độ tuổi này để làm công trình xây dựng. Đối với việc chặt nhiều, để lại ít cây trong bụi đề tài thấy như sau: Một số người cho rằng, chặt nhiều măng năm sau sẽ mọc nhiều hơn, tuy nhiên Luồng dễ bị đổ gãy nếu có mưa to, gió lớn. Nếu như vậy, mặc dù ở các lâm phần chặt nhiều tạo một cảnh quan là rừng Luồng thưa thớt, nhưng măng mọc nhiều hơn và người trồng rừng có được nhiều cây Luồng hơn so với chặt ít (nếu không gặp mưa gió bất lợi). Tuy nhiên chưa có ai trả lời được liệu chặt nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng (đường kính, chiều cao, độ dày thân) của cây Luồng thế hệ sau không?.

+ Chọn lập địa, xử lý thực bì, làm đất, mật độ, chăm sóc, bảo vệ

Hiện nay, nhiều diện tích Luồng trồng sai lập địa. Trong quá trình điều tra, phỏng vấn, hầu hết những người trồng rừng được hỏi đều biết hậu quả của việc trồng sai kỹ thuật, nhưng do nhiều lý do khách quan, chủ quan nên các hiện điều đó vẫn tiếp diễn. Đây không còn là vấn đề kỹ thuật nữa mà nó nên được xem xét dưới góc độ của vấn đề xã hội, điều đó chỉ giải quyết được với sự nỗ lực của cả các cơ quan chính quyền cũng như cả người dân thì mới có thể thay đổi được những điều hạn chế đã cố hữu từ lâu đến nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc điểm rừng luồng (dendrocalamus barbatus hsueh et d z LI) thoái hóa tại thanh hóa (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)