4.3.2.1. Côn trùng đóng vai trò tuần hoàn vật chất
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, côn trùng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến khá phong phú và đa dạng, số lượng lớn, với nhiều dạng sống khác nhau nên trước hết đóng một vai trò rất lớn trong chu trình tuần hoàn vật chất. Nhiều loài côn trùng ăn thực vật nhưng bản thân nó lại là thức ăn của nhiều động vật khác như: chim, cá, nhện, ếch nhái... Các loài Châu chấu, cào cào, sâu non của các loài thuộc bộ Cánh phấn (Lepidoptera) đều là thức ăn ưa thích của nhiều loài chim thuộc họ Chim sâu Diceidae (Dicaeum concolor
Walden), họ Chim khuyên Zosterokpidae (Zosterops japonica Swinhoe), họ Bạc má Paridae (Loài Parus major Swinhoe được mệnh danh là kiện tướng ăn sâu bọ), họ Chích choè Turdidae, họ Khướu Timalliinae...Một số loài đẻ trứng dưới nước hay có giai đoạn phát triển dưới nước là nguồn thức ăn quan trọng của các loài cá nhỏ như: các loài côn trùng trong bộ Chuồn chuồn Odonata, các loài thuộc họ Coenagrionidae. Các loài côn trùng sống dưới đất: các loài dế, châu chấu, cào cào, mối là thức ăn chính của nhiều loài ếch nhái, bò sát...
4.3.2.2. Côn trùng làm thực phẩm
Nhiều nước trên thế giới, cũng như một số nơi ở nước ta sử dụng côn trùng làm thức ăn trong các nhà hàng. Thức ăn từ côn trùng có nhiều chất đạm, ít lipit, có lợi cho sức khoẻ của con người. Nhiều loài côn trùng ở khu vực được người dân sử dụng làm thức ăn: các loài bọ xít vải Cantheconidea furcellata (họ Pentatomidae), Cantheconidea furcellata (họ Coreidae). Một số loài côn trùng: cào cào, châu chấu (Acrididae), dế mèn (Gryllidae) là thức ăn ưa thích của nhiều người. Chúng không những được sử dụng làm thực phẩm thường ngày mà còn được bày bán ở các nhà hàng sang trọng như một món ăn đặc sản. Hiện nay bên cạnh việc khai thác nguồn thực phẩm này ngoài tự
nhiên, người ta đã tiến hành nuôi thử nghiệm, bước đầu thành công mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Hình 4.2. Món đặc sản từ côn trùng
Nguồn ảnh www.monngonmoingay.com)
4.3.2.3. Nguồn lợi về kinh tế
Mỗi loài côn trùng có một ý nghĩa nhất định trong hệ sinh thái cũng như đối với đời sống của con người. Những loài mang lại thu nhập, có ý nghĩa về kinh tế rõ rệt cho con người không nhiều.
Một giá trị kinh tế rất lớn khác mà côn trùng mang lại cho con người đó là vai trò thụ phấn cho các loài thực vật thượng đẳng làm tăng năng suất cây trồng và luôn tạo ra những dòng tiến hoá mới làm cho giới thực vật càng thêm phong phú. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, có rất nhiều côn trùng có vai trò này, đó là các loài côn trùng thuộc bộ Cánh vẩy (Lepidoptera), vừa đa dạng về thành phần loài, lại xuất hiện với số lượng cá thể lớn: Bộ Cánh vẩy với 46 loài, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho các loài . Trong số đó phải kể đến các loài thuộc họ Bướm cải (Pieridae), họ Bướm đốm (Danaidae), đây là những loài thường bắt gặp ở những sinh quần nông nghiệp, khu dân cư có ý nghĩa rất lớn quyết định đến năng suất cây trồng nông nghiệp.
4.3.2.4. Giá trị trong y học
Loài dế dũi Gryllotalpa unispinalpa Sauss (Họ dế dũi Gryllotalpidae) được đồng bào Thái ở xã Kim Tiến sử dụng làm thuốc chữa bệnh tiểu tiện khó khăn: Dế dũi 30 – 40 con đã ngắt bỏ chân và cánh, tán nhỏ, cam thảo 25g tất cả tán nhỏ trộn đều. Lấy khoảng một thìa cà phê bột này pha với cốc nước đun sôi để nguội uống 2 – 3 lần/1ngày.
Loài bọ hung Catharsius molossus Linaeus (họ Scarabaeidae) có công dụng trừ độc, trị mụn nhọn, táo bón và đại tiện ra máu.
Bọ xít vải Tessaratoma quadrata Dist và bọ xít xanh Nezara viridula
Linn (Pentatomidae) có tác dụng trị đòn ngã tổn thương và ứ máu, sưng đau.
4.3.2.5. Côn trùng dùng làm thức ăn trong chăn nuôi
Côn trùng với đặc điểm nổi bật: phân bố rộng và có sức sinh sản phi thường nên chúng có mặt trong mọi hoạt động sống của con người. Trong chăn nuôi, côn trùng là nguồn thức ăn sạch đối với nhiều vật nuôi, cung cấp cho con người những sản phẩm vật nuôi có chất lượng cao và an toàn. Khu vực nghiên cứu là nơi tập trung của nhiều dân tộc sinh sống trong đó nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số: Kinh, Mường, Thái, Tày vẫn mang những lối sống truyền thống trong sinh hoạt cũng như trong chăn nuôi: chăn thả rông gia cầm, gia súc. Vì thế côn trùng là thức ăn quan trọng, thậm chí là nguồn thức ăn chính.
Rất nhiều loài côn trùng trong khu vực có thể làm thức ăn cho vật nuôi: Các loài thuộc họ Châu chấu, cào cào Acrididae, dế Gryllotalpidae, Gryllidae, mối Kalotermitidae, Rhinotermitidae, bọ xít Coreidae, Pentatomidae... đều là những con mồi ưa thích của gia cầm. Đối với người dân miền núi sống gần rừng, điều kiện đất đai thuận lợi thì phương thức chăn nuôi theo kiểu thả rông là rất phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi khoa học phát triển, còn người đã tạo ra được nhiều loại thuốc ăn chăn nuôi
đáp ứng được các mục tiêu kinh doanh: dễ sử dụng, vật nuôi phát triển theo ý muốn, tăng trưởng nhanh, sinh sản nhiều...Với ưu thế đó mà nguồn thức ăn này đã dần thay thế nguồn thức ăn tự nhiên trong đó có côn trùng. Tuy nhiên, gần đây do phát hiện ra trong thức ăn chăn nuôi có chứa nhiều độc tố có thể gây bệnh hiểm nghèo cho con người khi sử dụng các sản phầm vật nuôi trong khi đó nguồn thức ăn tự nhiên không những không độc, sẵn có mà lại cung cấp những sản phẩm vật nuôi ngon hơn hẳn so với thức ăn công nghiệp. Vì vậy người ta đã quay lại với những loại thức ăn chăn nuôi truyền thống này vừa rẻ tiền, dễ kiếm lại an toàn cho vật nuôi cũng như người sử dụng. Nhiều nhà hàng ở thành phố, thị trấn đã quảng bá các sản phẩm vật nuôi nuôi hoang dã: gà đồi, lợn mán...và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thực khách. Trên thực tế việc chăn nuôi hoang dã đã diễn ra từ lâu nhưng nhỏ lẻ, tự phát. Hiện nay phương thức chăn nuôi thủ công đã dần trở thành phong trào rộng khắp, nhiều nơi có điều kiện về đất đai đã quy hoạch thành vùng chăn nuôi cung cấp thức ăn sạch với việc sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên. Chăn thả rông gia cầm, gia súc vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, sẵn có vừa góp phần bảo vệ thực vật khỏi sâu hại, việc làm này đã góp phần vào phong trào tẩy chay sử dụng các nguồn thức ăn chăn nuôi chứa nhiều chất kích thích tăng trưởng gây hại cho con người.
Như vậy có thể nói trong nhiều trường hợp, côn trùng là nguồn thức ăn quan trọng của vật nuôi. Nhận thức được điều đó, nhiều chủ trang trại không chỉ chăn thả tận dụng nguồn côn trùng thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên mà còn tiến hành nhân nuôi và mang lại hiệu quả cao vì côn trùng có khả năng sinh sản phi thường. Hiện nay việc nuôi côn trùng làm thức ăn cho chim cảnh là rất phổ biến trong khu vực.
Ngoài việc mang lại các nguồn lợi về thực phẩm, dược liệu, thức ăn chăn nuôi cho con người, nhiều loài côn trùng có màu sắc đẹp, có hình dáng kỳ dị được sử dụng làm cảnh, làm đồ lưu niệm.
Những loài côn trùng có thể được sử dụng để làm hàng lưu niệm cho du khách: Các loài bướm họ Bướm phượng Papilionidae (Atrophaneura varuna Westwood Gryllidae, Graphium doson doson Felder, Papilio arcturus
Westwood ), họ Bướm rừng Amathusiidae (Discophora sondaica Boisduval,
Faunis eumeus Drury, Thauria diores Doubl.), họ Bướm giáp (Nymphalidae) có các loài Cethosia biblis Drury, Ariadne isaeus Wallace, Dilipa morgiana Westwood. Các loài cánh cứng họ Xén tóc (Cerambycidae) có màu sắc và vân trên cơ thể đẹp. Họ Scarabaeidae có các loài Adoretus conversus Burmeister. Họ Hổ trùng Cicindelidae có các loài Collyris bonelli Guerin, Neocollyris cylindripennis Chaudoir, Therutes olbboobliquatus Hors.
Một số loài côn trùng quý hiếm ở khu vực có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ của IUCN sẽ là động lực để du khách đến đây chiêm ngưỡng: Kặp kìm lớn Dorcus grandis Didier (Coleoptera: Lucanidae), Bướm phượng đốm kem Papilio noblei N. (Lepidoptera: Papilionidae), Troider
Helena.