Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng côn trùng và đề xuất các giải pháp quản lý tại khu bảo tồn thiên nhiên thượng tiến, tỉnh hòa bình​ (Trang 63 - 68)

Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến côn trùng là các yếu tố khí tượng thuỷ văn và đất đai. Các nhân tố khí tượng gồm nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, mưa... trong đó nhiệt độ, độ ẩm, là những yếu tố chủ yếu.

Thực tế cho thấy đối với mỗi loài côn trùng, ngay cả đối với từng pha biến thái của nó đều thích ứng với một khoảng nhiệt độ thích hợp nhất định.

Trong quá trình điều tra, vào những ngày có nhiệt độ dưới 100C, chúng tôi chỉ bắt gặp những loài côn trùng thuộc họ Châu chấu Acrididae: Ceracris kiangsu Tsai, Rammeacris kiangsu, Hieroglyphus tonkinensis, Conocephalus melaenus, một số loài bọ xít Halyomorpha picus Fabr, Cantheconidea furcellata (họ Pentatomidae). Vào thời tiết lạnh các loài bọ rùa thường ẩn nấp ở những gốc cây kín, tuy nhiên số lượng chúng tôi bắt gặp ở thời tiết này cũng không nhiều: Leis axyridis Pallas, Rodolia rufopilosa Mulsant, Rodolia pumila Weiser (họ Coccinellidae).

Điều kiện nhiệt độ thích hợp nhất cho phần lớn các loài côn trùng là khoảng 20 – 300C, đây là lúc chúng tôi thu được số lượng mẫu vật lớn nhất. Các loài họ Bướm cải Pieridae, Bướm đốm Danaidae, một số loài thuộc Bướm phượng Papilionidae thường tập trung trên các cây có hoa để hút mật. Cũng tại thời điểm này, chúng tôi bắt gặp hàng đàn Bọ xít trên các cây măng luồng, các loài bọ rùa hoạt động nhộn nhịp trên các cây bụi săn lùng rệp sáp, rệp ống.

Vào các buổi trưa, nhiệt độ đạt đến 32 – 330C, thì sự hoạt động của các loài côn trùng bắt đầu giảm, lúc này các đàn bướm, chuồn chuồn thường tập trung ở các ven khe suối để uống nước, các loài bọ xít, bọ rùa, bọ ngựa ẩn nấp dưới các tán lá cây.

Cũng như nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sống của con người. Trong cơ thể côn trùng cũng như tất cả các sinh vật khác có chứa một lượng nước rất lớn. Thiếu nước không có sự sống vì tất cả quá trình trao đổi chất, dinh dưỡng, hô hấp, bài tiết đều cần có sự tham gia của nước. Trong hoạt động sống của côn trùng, nước được thải ra khỏi cơ thể qua đường hô hấp, bốc hơi qua da, do hoạt động bài tiết của các ống Manpigi hoặc do các ống phân tiết.

Côn trùng bổ sung nước đã mất đi trong quá trình trao đổi chất bằng nhiều phương thức khác nhau: uống trực tiếp (bọ xít, ruồi, bướm, sâu non), qua da (những loài sống trong nước), phân giải các chất dự trữ như mỡ. Đối với côn trùng, việc duy trì một lượng nước trong cơ thể là rất quan trọng nhưng lượng nước đó lại phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa và độ ẩm môi trường. Mỗi loài côn trùng hoặc từng pha biến thái của nó đều yêu cầu một khoảng độ ẩm tương đối thích hợp nhất định đối với môi trường sống. Đa số các loài côn trùng có thể sống bình thường trong khoảng độ ẩm tương đối của môi trường từ 70 – 100%, nhưng khoảng độ ẩm tương đối thích hợp từ 80 – 90%. Thực tế điều tra, chúng tôi thấy:

Các loài thuộc bộ Chuồn chuồn Odonata: Diplacodes trivialis, Pantala flavescens, Orthetrum albistylum, Agriocnemis femina (họ Libellulidae), Platycnemis foliacea (họ Libellaginidae), Agriocnemis femina (họ Coenagriidae), loài mối Coptotermes formosanus Shiraki (họ hinotermitidae) thường xuất hiện ở những nơi có độ ẩm cao: ven suối rừng thứ sinh. Và khi trời mưa là điều kiện sinh hoạt của chúng.

Sâu non bọ cánh cứng thường cư trú trên những cây đổ ven suối, trong rừng rậm, chúng trú trong lớp vỏ cây đổ có độ ẩm cao. Một số loài bọ hung ăn phân và phân huỷ xác chết cũng chọn những thảm mục, phân của các loài động vật, nơi có độ ẩm cao là địa bàn hoạt động của chúng.

Nhiều loài côn trùng trong giai đoạn phát triển yêu cầu về nước rất cao, khi độ ẩm môi trường không thuận lợi, chúng thường ăn những thức ăn tươi còn non nhiều nước, những loài có khả năng di chuyển xa: các loài bướm, bọ xít trong những điều kiện như vậy thường đi tìm những nơi có điều kiện ẩm hơn: ven suối là nơi cung cấp nguồn nước quý báu cho nhiều loài bướm trong những ngày khô hạn.

Nhìn chung các loài côn trùng đều thích hợp với độ ẩm cao. Nhưng nếu khi độ ẩm cao kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm mốc ăn sâu phát triển làm cho nhiều loài côn trùng nhiễm bệnh, sức đề kháng kém và chết. Những trận mưa với cường độ cao đã làm cho côn trùng chết hàng loạt do va đập, ngập chìm hoặc do mất nơi cư trú. Các loài côn trùng rất nhạy cảm với độ ẩm là những loài sâu non của bộ Cánh phấn Lepidoptera, khi độ ẩm thích hợp chúng có thể phát triển nhanh chóng và có thể phát thành dịch, nhưng khi độ ẩm cao hoặc quá thấp có thể làm cho quần thể sâu hại này suy giảm mạnh về số lượng.

Gió ảnh hưởng gián tiếp đến côn trùng thông qua làm thay đổi nhiệt độ, độ ẩm của không khí và đất. Ngoài ra gió còn ảnh hưởng đến sự phân bố của côn trùng ở các mặt sau:

Gió ảnh hưởng đến sự ăn uống của một số loài côn trùng. Khi gió mạnh, các loài châu chấu Acrididae thường ăn ở nhiệt độ cao khoảng 28 – 300C, khi gió nhẹ, chúng bắt đầu ăn ở nhiệt độ thấp hơn khoảng 15 – 200C. Nói chung khi gió mạnh, nhiều loài côn trùng thường lẩn trốn vào những nơi khuất gió để nghỉ: các loài bướm thường tìm những nơi kín đáo là các tảng đá trong rừng kín gió, các loài bọ xít, bọ rùa thường tập trung hàng đàn dưới gốc cây bụi, trong khi đó các loài châu chấu thường tìm những thảm mục làm nơi cư trú an toàn cho chúng.

Gió ảnh hưởng đến sự phân tán và phân bố của côn trùng. Một số loài nhỏ như rệp cây bị gió thổi đi xa đến 20 km và cao đến 1 km. Một số loài sâu thuộc họ Sâu đo có tính buông tơ để di chuyển theo gió từ cây này sang cây khác và trong nhiều trường hợp gió lại là tác nhân làm phát dịch sâu hại. Các loài bướm thuộc họ Bướm cải Pieridae thường di chuyển hàng đàn theo những cơn gió nhẹ đến những nơi ấp áp để tìm nguồn thức ăn.

Ánh sáng thông qua bức xạ ảnh hưởng đến nhiệt độ không khí và đất, ảnh hưởng gián tiếp đến sinh trưởng và phát dục của côn trùng ở các vùng khác nhau.

Ánh sáng có thể kích thích hoạt tính của một số loài côn trùng này, ngược lại nó lại kìm hãm hoạt tính của một số loài côn trùng khác. Nhìn chung, các loài côn trùng đục thân, đục quả và sống trong đất thường thích sống ở những chỗ tối tăm, cường độ ánh sáng yếu, còn đa số các loài côn trùng sống ở ngoài trời như sâu ăn lá thường thích sống ở những nơi sáng sủa có cường độ ánh sáng mạnh. Căn cứ vào sự thích ứng của côn trùng đối với ánh sáng, chúng tôi chia ra làm 3 nhóm sau:

Nhóm côn trùng hoạt động ngày: các loài côn trùng thuộc nhóm này thường hoạt động ăn uống ban ngày mạnh hơn ban đêm: các loài chuồn chuồn Odonata: Diplacodes trivialis, Orthetrum spp., Pantala flavescens, Brachythemis contaminata, (họ Libellulidae); Agriocnemis femina, Coenagrion calamorum, (họ Coenagriidae), họ Bướm cải Pieridae (Hebomoia glaucippe Linnaeus, Catopsilia pomona Fabricius, Cepora nadina Linn,

Antogeia canidia Sparrnan), họ Bướm đốm Danaidae (Danaus genutia genutia Cramer, Euploea mulciber dufresne Godart, Ideopsis vulgaris Butler,

Tirumala limniace limniace C), họ Hổ trùng Cicindelidae (Therutes olbboobliquatus Hors, Collyris bonelli Guerin).

Nhóm côn trùng hoạt động đêm: các loài côn trùng thuộc nhóm này thường hoạt động ăn uống ban đêm mạnh hơn ban ngày như: các loài dế

Gryllotalpa unispinalpa Sauss (họ Gryllotalpidae), Gryllus testaceus Walker,

Brachytrupes portentosus Lichtenstein (họ Gryllidae), một số loài bọ hung: Bọ hung nâu nhỏ Onthophagus funebris Boucomont.

Một số loài côn trùng hoạt động cả ngày lẫn đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng không rõ ràng như một số loài thuộc họ Bướm rừng Amathusiidae (Thauria diores Doubl, Faunis eumeus Drury) chúng thường hoạt động trong những khu rừng nguyên sinh tối và ẩm ướt.

Đất là hoàn cảnh sinh sống của nhiều loài côn trùng. Có một số loài hầu như suốt đời không rời khỏi đất như mối, dế dũi, còn rất nhiều loài chỉ có đời sống liên hệ với đất trong những pha nhất định của quá trình phát triển cá thế và trong những mùa nhất định: cào cào, châu chấu đẻ trứng trong đất, sâu ăn lá sồi, lá lim vào nhộng ở trong đất...

Ngay cả các loài sống trong đất, thì đặc tính của đất: độ ẩm, nhiệt độ đất, lớp thảm mục, tính chất lý hoá cũng ảnh hưởng đến sự phân bố thành phần, số lượng của các loài côn trùng.

Độ ẩm của đất ảnh hưởng đến côn trùng sống ở trong đất cũng giống như độ ẩm của không khí, ảnh hưởng rõ rệt đến cấu tạo và tập tính thích nghi của côn trùng sống trong đất. Mỗi loài côn trùng yêu cầu hàm lượng nước trong đất khác nhau. Các loài thuộc họ Châu chấu Acrididae ( Hieroglyphus tonkinensis, Ceracris kiangsu Tsai) thích sống ở đất sâu, cứng vừa khai hoang. Chúng thường tập trung ở những nương rẫy vừa khai hoang. Trong khi đó sâu non họ Bọ hung Scarabaeidae yêu cầu hàm lượng nước trong đất từ 15 – 20%, các loài: (Onthophagus spp., Cathasius spp.) lại thích ở những nơi đất tơi xốp, độ ẩm, hàm lượng mùn cao.

Lớp thảm mục rừng là nguồn thức ăn và là nơi cư trú của nhiều loài côn trùng như: bọ hung, kiến, mối, dế...Tuỳ theo thành phần cây rừng mà lớp thảm mục dày hay mỏng, tuỳ mức đô phân giải nhanh hay chậm mà ảnh hưởng đến lượng mùn và tính chất lý hoá của đất, do đó mà ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến phân bố và hoạt đống sống của côn trùng. Nhìn chung lớp thảm mục dày, nhiều mùn là nơi ưa thích của đa số các loài côn trùng dưới đất.

Tính chất lý, hoá của đất ảnh hưởng rất lớn đến sự phân bố, số lượng của côn trùng. Đa số sâu non các loài họ Bọ hung Scarabaeidae, ruồi thường thích sống ở những nơi đất mùn thô, đất cát pha là nơi tập trung của các loài sâu xám bộ Cánh vẩy Lepidoptera. Nhìn chung đất cát và đất mặn thường không thuận lợi cho đa số côn trùng. Hầu hết côn trùng thích sống ở nơi đất trung tính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đa dạng côn trùng và đề xuất các giải pháp quản lý tại khu bảo tồn thiên nhiên thượng tiến, tỉnh hòa bình​ (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)