a. Các giá trị về đa dạng sinh học * Đa dạng hệ sinh thái
Vân Long là một trong những vùng ĐNN tự nhiên còn sót lại có diện tích lớn nhất của vùng sinh thái đồng bằng Bắc bộ. Ở đây có hệ động, thực vật rất phong phú, đặc biệt là nơi cư trú của loài Voọc quần đùi trắng - một trong những loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam.
Vân Long có 3 hệ sinh thái chính:
- Hệ sinh thái trên cạn được hình thành trên nền Karst bao gồm: + Rừng thứ sinh trên núi đá vôi
+ Núi đá vôi không có cây
+ Trảng cỏ và cây bụi trên núi đá vôi + Rừng trồng (Keo, Bạch đàn, Sưa bắc bộ) + Đất nương rẫy trồng cây màu, cây ăn quả + Hang động trên cạn.
- Hệ sinh thái dưới nước được hình thành ở vùng trũng mang đặc trưng của vùng đầm lầy nước ngọt đồng bằng sông Hồng bao gồm:
+ Đầm nước + Ruộng lúa nước
+ Sông, suối
+ Hang động ngầm - Hệ sinh thái dân cư
Mỗi hệ sinh thái đều có đặc trưng riêng và có giá trị khai thác du lịch, song đứng về khía cạnh bảo tồn có hai hệ sinh thái đặc biệt có giá trị là: rừng thứ sinh trên núi đá vôi và đầm nước.
Hệ sinh thái rừng thứ sinh trên núi đá vôi là nơi sinh sống của loài Voọc quần đùi trắng, còn hệ sinh thái đầm nước là nơi bảo tồn khu hệ thực vật thủy sinh đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng, và nơi di trú của nhiều quần thể chim di cư từ phương Bắc.
* Đa dạng loài
- Các loài cây sống trên núi đá vôi
+ Do bị khai thác quá mức, nhiều loài cây gỗ lớn không còn nhiều. Nghiên cứu điều tra gần đây cho biết số lượng loài của khu hệ thực vật sống trên cạn có 687 loài, thuộc 451 chi, 144 họ. Ngành rêu có vài loài. Quyết thực vật có đại diện là cây dớn (cây guột). Thực vật hạt trần là cây tuế, cây gấm. Thực vật hạt kín một lá mầm và hai lá mầm có rất nhiều loài. Thuộc nhóm cây gỗ vẫn còn gặp nhiều như: cây nhội, lộc vừng, sung, ghè, chân chim, thàn mát, thị, đa, nghiến, lim xẹt, lát hoa,…Đây cũng là nơi phân bố của loài cây sưa (gỗ huê - một loại gỗ quý). Các cây bụi phổ biến có: ô rô, duối, cò ke, bùng bục… các loài cỏ có: cỏ lào, cỏ tranh, cỏ lam.
+ Trong Khu Bảo tồn, rừng trồng ở những nơi đất trồng có bạch đàn, keo tai tượng, tre. Gần đây việc trồng cây gỗ sưa đã và đang được thử nghiệm nhân rộng.
+ Trong số các cây sống trên núi đá vôi còn phải kể nhóm các loài cây thuốc mà nhân dân trong vùng trước đây vẫn vào đây thu hái để chữa bệnh. Theo thống kê cho biết có tới 266 loài cây dùng làm thuốc. Cây bụi có cây Xương rồng, cây Vú bò, cây Ké hoa vàng, cây Cơm nguội,…cây cỏ có cây
Rau má, Hà thủ ô trắng, rau Tàu bay, cây Đơn buốt, cây Thuốc bỏng…cây gỗ có Núc nác, cây Cánh kiến, cây Sấu, cây Sung, cây Đề, cây Gạo…
+ Một nhóm cây khác nữa có giá trị bảo tồn là cây cảnh. Đã kiểm kê được trên 20 loài cây cảnh có giá trị phân bố ở đây. Đó là các loài Lan, Si, Sanh, Dương xỉ, Thông đất, Tuế, Huyết giác…
- Các loài thực vật thủy sinh sống ở đầm
Với gần 1.000 ha diện tích đầm nước đang ở trạng thái tự nhiên hoang dã, đã phát hiện 35 loài thực vật thủy sinh: thuộc Quyết thực vật có cây hẹ nước, cây Rau bợ, Bèo ong… thuộc một lá mầm: có cây Rau mác, Bèo cái, Bèo tấm, Cói, Rau muống… thuộc hai lá mầm: có Sen, Súng, Trang, Nghể, Ấu…
Các cây thủy sinh phát triển mạnh vào mùa hè, mùa đông trời lạnh và nước cạn phát triển chậm. Thực vật thủy sinh trong đầm là thành phần rất quan trọng của bất cứ một khu đất ngập nước nào ở Đồng bằng sông Hồng.
- Các loại vi tảo ở đầm
Các loài vi tảo sống ở đầm khá phong phú. Đã thống kê được 258 taxon bậc loài thuộc 5 ngành: tảo mắt, tảo lục, tảo Silic, tảo vàng ánh và tảo hai rãnh. Ngành tảo lục chiếm ưu thế về số loài. Vi tảo ở đầm cùng với thực vật thủy sinh đóng vai trò quan trọng trong chu trình vật chất trong đầm là sự quang hợp lấy CO2 cùng với năng lượng mặt trời để hình thành nên chất hữu cơ - cơ sở thức ăn cho tất cả các động vật và thải O2 vào khí quyển.
- Các loài động vật sống trên cạn
+ Các loài côn trùng: Sơ bộ khảo sát thành phần loài có 132 loài trong đó có bộ Cánh nửa (Hemiptera) có 14 loài, bộ Cánh cứng (Coleoptera) có 11 loài, bộ Cánh thẳng (Orthoptera) có 7 loài, bộ Chuồn chuồn (Odonata) có 19 loài, bộ Cánh vẩy (Lepidoptera) 54 loài. Nhóm Bướm ngày khá phong phú có 8 họ gồm 42 loài.
+ Các loài ếch nhái – bò sát: Sống ở Khu bảo tồn có tất cả 38 loài thuộc 16 họ, 3 bộ, 2 lớp. Số lượng loài rắn khá nhiều 14 loài, số lượng loài ếch nhái là 7 loài, rùa có 4 loài,…
+ Các loài chim: Các loài chim có 100 loài thuộc 39 họ và 13 bộ. Đặc trưng của khu hệ chim trong đầm đó là nhóm chim nước; nhóm chim trên cạn gồm các loài sống ở miền núi giáp đồng bằng. Nhiều loài chim cỡ lớn như các loại họ Ưng, họ Trĩ, họ Gà nước, họ Gà lôi nước, họ Bồ câu số lượng không còn nhiều, song hiện tại vẫn còn đang sinh sống tới 100 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm như Sâm cầm, le le…
+ Các loài thú: Kết quả điều tra cho biết các loài thú có 39 loài thuộc 19 họ và 8 bộ ở Khu bảo tồn. Tuy nhiên thực tế không dễ gặp ở tự nhiên nhất là cá loài thú lớn như Gấu ngựa, Sơn dương, Lợn rừng, Báo gấm… do bị săn bắn quá mức nay vẫn chưa phục hồi, trừ loài Voọc quần đùi trắng được đặc biệt quan tâm bảo vệ nên số lượng cá thể ngày càng phát triển.
- Các loài động vật thủy sinh
Sống ở đầm nước là cả một giới động vật nguyên sinh đa dạng và phong phú. Cỡ nhỏ là các động vật nguyên sinh mà mắt thường không nhìn thấy; cỡ vừa là các loài cua, tôm, ốc, cá; cỡ lớn có rùa, ba ba…
Kết quả nghiên cứu từ 2001 - 2003 cho thấy thành phần loài động vật không xương sống ở Khu bảo tồn có 108 loài thuộc 61 họ (trong đó có 80 loài động vật đáy và 22 loài động vật nổi). Có một số đại diện thuộc nhóm Trùng bánh xe, nhóm Chân chèo, nhóm Râu ngành, Thân mềm, Giáp xác và Côn trùng nước.
+ Cá được coi là động vật thủy sinh quan trọng của đầm. Đã điều tra được có 54 loài thuộc 17 họ và 9 bộ. Tất cả các loài cá ở đây đều là các loại điển hình cho vùng ao hồ đầm đồng bằng sông Hồng. Hiện tại có 2 ngoại lệ cần lưu ý đó là việc xuất hiện vài loài cá di cư từ biển vào sông như cá Lành canh, cá Ngần…và một số loài cá sông suối miền núi như cá Rầm xanh…
+ Ếch nhái, bò sát… sống ở đầm nước là rất phong phú, riêng ếch nhái có 7 loài; rùa nước có 3 loài, Kỳ đà hoa.
+ Chim và thú: cũng có nhiều loài liên quan chặt chẽ với đầm nước như các loài chim nước, Rái cá…
* Các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long hiện đang sinh sống một số lượng khá lớn là 39 loài thực vật và động vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam: Thực vật 12 loài, động vật 27 loài.
- Các loài thực vậy quý hiếm có: Sưa, sơn địch, nghiến, lát hoa, tuế đá vôi, bổ cốt toái, chân danh, rau sắng, khuyết lá thông, mã tiền tán, bách bộ, bò cạp núi.
- Các loài động vật – thân mềm quý hiếm có: Ốc vặn hình tháp, trai cóc hình tai, trai cóc tròn, trai cánh mỏng.
- Côn trùng ở nước quý hiếm có Cà cuống - Cá quý hiếm có cá Rầm xanh
- Bò sát quý hiếm có: rắn Hổ mang, rắn Hổ mang chúa, rắn Sọc khoanh, rắn Ráo trâu, rắn Cạp nong, rắn Ráo thường, Tắc kè, Kỳ đà hoa.
- Chim: có Sâm cầm, Phượng hoàng đất, Gà lôi…
- Thú: Dơi chó tai ngắn, Cu li lớn, Khỉ mặt đỏ, Voọc quần đùi trắng, Gấu ngựa, Rái cá thường, Cầy mực, Cây vằn bắc, Báo gấm, Báo hoa mai, Sơn dương, Tê tê.
- Loài Voọc quần đùi trắng – loài đặc trưng quý hiếm ở Việt Nam Loài Voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng. Loài Voọc quần đùi trắng không chỉ có giá trị bảo tồn quan trọng ở trong nước mà trên cả thế giới. Đây là một trong 25 loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới cần bảo vệ.
Ở Việt Nam quần thể Voọc quần đùi trắng chỉ còn khoảng 300 cá thể và phân bố ở 3 tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Theo khảo sát năm 2001, tại khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 43 cá thể Voọc quần đùi trắng. Song cho đến nay, nhờ được vảo vệ tốt số cá thể đàn Voọc quần đùi trắng có khoảng 200 cá thể. Chúng sống thành từng đàn nhỏ, mỗi đàn thường có một Voọc đực, vài Voọc cái và một số Voọc con. Các đàn Voọc ở dãy núi Đồng Quyển - Hoàng Quyển thường dễ gặp nhất.
Về mùa đông, Voọc thường chọn những hang đá làm nơi ngủ qua đêm. Voọc hoạt động nhiều vào sáng sớm và chiều tối, con đực đầu đàn dẫn cả đàn di chuyển kiếm ăn. Hàng ngày Voọc di chuyển không xa.
b. Giá trị về cảnh quan sinh thái
Địa hình phổ biến là địa hình karst, hoạt động thường xuyên và mạnh mẽ do địa hình chủ yếu chứa các thành tạo đá vôi, có lượng mưa lớn, có nền nhiệt cao và nước tầng mặt khá phong phú. Các thành tạo đá vôi được tạo ra rất đa dạng cả trên mặt đất và dưới mặt đất.
- Đỉnh và sườn các khối núi karst là thành tạo đá vôi phổ biến ở Khu bảo tồn. Đỉnh các khối này thường sắc nhọn với cá chỏm đá tai mèo rất đặc trưng, sườn dốc đứng với nhiều đống đá sụp đổ tạo nên cảnh quan đẹp. Các đỉnh núi có độ cao khoảng từ 100 – 500m như: đỉnh Ba Chon (426m), đỉnh Đồng Quyền (328m), đỉnh Mào Gà (308m), đỉnh Núi Súm (233m), đỉnh Mèo Cào (206m), đỉnh Núi Mây (138m), đỉnh Núi Lương (128m) và đỉnh Cô Tiên (116m).
- Phễu và các hố sụt karst (địa phương gọi là thung) ở đây rất phổ biến với mật độ 2 - 3 phễu/km2. Kích thước các phễu chỉ đạt vài ha hiếm khi đạt trên 10 ha. Các phễu có tiếng là thung Cận, thung Đầm Bái, thung Quèn Cả, thung Hoa Lư (Thung Lau), thung Đồng Rộng, thung Giếng méo… Hình dạng các hố thụt tương đối thẳng đứng, đáy khá bằng phẳng và được bao quanh bởi các vách đá dựng đứng. Đất trong các phễu và hố sụt karst rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả.
- Hang động karst: các hang động karst ở đây khá nhiều nhưng đều không lớn, ngắn, trần thấp và ít thạch nhũ. Các điều tra nghiên cứu về các hang động ở đây còn sơ sài. Đại bộ phận là các hang ở chân núi. Trước khi đắp đê Đầm Cút ngăn lũ (trước 1963 – 1964) phần lớn các hang này là những hang cạn, sau khi đắp đê hầu hết các hang này đã bị ngập nước quanh năm. Một số hang ngập nước quanh năm điển hình là hang Cá, hang Vồng, hang Bóng…
Một số hang đẹp có hang Cá, hang Bóng, hang Thanh Sơn, hang Thúi Thó, hang Bà Nghiệp, hang Tranh, hang Đá Đỏ, hang Thung Dơi. Các hang Cá, hang Bóng là hang ngập nước; các hang còn lại là hang khô không ngập nước.
c. Giá trị đối với sinh thái môi trường
Với diện tích gần 1.000 ha đất ngập nước, được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi và tuyến đê đầm Cút nước ngập quanh năm, hoang sơ và không bị ảnh hưởng nhiều do các yếu tố tác động của con người.
Dấu vết khi đất ngập nước Vân Long được lưu ý ở đây là suối Tép chạy dọc Khu bảo tồn và 2 đầm: đầm Cút và đầm Vân Long.
Khu đất ngập nước Vân Long được cấp và tiêu nước từ các con sông bao quanh là sông Hoàng Long và sông Đáy. Mực nước trong đầm dao động giữa 2 mùa, mùa cạn và mùa mưa. Suối Tép và các nhánh của nó ở trong Khu đất ngập nước là dòng chảy và có độ sâu hơn các nơi khác nên hiện nay được khai thác làm tuyến du lịch sinh thái bằng thuyền trong Khu bảo tồn.
Nước ở khu đầm Cút sạch và không bị ô nhiễm, nhờ vai trò lọc sạch của cả quần thể thực vật thủy sinh và vi tảo tồn tại và phát triển dày đặc ở trong đầm.
Nguồn nước và các thủy sinh vật ở Khu đất ngập nước có quan hệ chặt chẽ với cá sinh vật sống ở khu vực, đây là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các loài chim, thú, bò sát…
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long hiện tại có vai trò quan trọng về khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội như: điều tiết nước - dòng chảy mặt, cấp nước ngầm, nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, điều hòa khí hậu, xử lý ô nhiễm, cung cấp lương thực thực phẩm, đa dạng sinh học và cảnh quan du lịch.