Công Thương Việt Nam
Chính sách tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Chính sách tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là hệ thống các chủ trương, định hướng, quy định tổng quát cho hoạt động tín dụng, do Hội đồng Quản trị của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ban hành theo quyết định số 258/2014/QĐ-HĐQT ngày 27/6/2014 và sửa đổi ngày 11/11/2014 để phù hợp với Luật các TCTD năm 2010, gần đây nhất là quyết định số 550/2017/QĐ-HĐQT ngày 20/03/2017 áp dụng phù hợp với thông tư 39/2016/TT- NHNN của NHNN nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi cho phép của những quy định của NHNN Việt Nam.
Chính sách tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam quy định vấn đề cơ cấu nợ, chuyển nợ quá hạn cụ thể như sau:
Khách hàng không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi trong phạm vi thời hạn cho vay đã thoả thuận trong HĐTD và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đánh giá là có khả năng trả nợ trong khoảng thời gian nhất định sau thời hạn vay thì Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam xem xét gia hạn nợ với thời gian phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng theo quy định hiện hành.
Toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân vào nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của NHNN.
Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, không có khả năng trả nợ và không được chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của HĐTD/Giấy
nhận nợ là nợ quá hạn và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam phân loại toàn bộ số nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của NHNN.
Chính sách tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã thể hiện những quy định cơ bản nhất cho hoạt động cấp tín dụng mà cụ thể là hoạt động cho vay của một NHTM truyền thống. Tuy nhiên, chính sách tín dụng chưa có quy định mang tính định hướng cho hoạt động quản lý nợ xấu, nợ xấu.
Quy trình cho vay và quản lý tín dụng
Quy trình cho vay của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam được ban hành theo quyết định số 1325/QĐ-HĐQT ngày 25/6/2015 và sửa đổi ngày 11/10/2016, là quy định nghiệp vụ quan trọng, gắn liền xuyên suốt đối với hoạt động tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Quy trình này được ban hành với mục đích giúp quá trình cho vay diễn ra thống nhất, khoa học, hạn chế rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng. Quy trình này cũng xác định người thực hiện công việc và trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong quá trình cho vay. Quy trình cho vay đã đóng vai trò là cẩm nang thiết thực cho NVTD và các cấp lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam trong thực tiễn hoạt động tín dụng, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa phát sinh các khoản nợ xấu.
Quy trình kiểm tra giám sát khoản vay
Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng được Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ban hành theo Quyết định số 217/2016/QĐ-HĐQT ngày 08/09/2016. Đây là quy định cụ thể của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đối với CBTD trong việc giám sát quá trình vay vốn, tình hình hoạt động SXKD, năng lực tài chính của khách hàng. Mặc dù nội dung tổng thể của quy trình bao gồm các quy định về kiểm tra, giám sát trước trong và sau khi cho vay nhưng trọng tâm là phần các quy định và hướng dẫn đối với công tác kiểm tra, giám sát sau khi cho vay. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam xác định mục đích của việc kiểm tra sau khi cho vay là:
Kiểm tra việc xử lý các phát sinh trong quá trình quản lý khoản vay.
Theo dõi nguồn thu trả nợ, kiểm tra tình hình SXKD của khách hàng và TSĐB tiền vay.
Để đạt được các mục đích trên, quy trình đưa ra các quy định cụ thể cho cán bộ nghiệp vụ:
Thời hạn thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay, định kỳ kiểm tra sau khi cho vay. Cụ thể thời gian thực hiện kiểm tra vốn vay sau khi cho vay một tháng, kiểm tra sau đối với khoản vay ngắn hạn là cách ba tháng và dài hạn là thời hạn kiểm tra tối đa cách nhau không quá sáu tháng.
NVTD trực tiếp là người đại diện của ngân hàng đi đến tiếp xúc khách hàng để thực hiện hoạt động kiểm tra sau, chịu trách nhiệm với hoạt động kiểm tra sau của mình đối với khách hàng.
Có thể có nhiều phương pháp hay cách thức kiểm tra sau phù hợp với từng loại hình khách hàng khác nhau. Đối với các khách hàng truyền thống uy tín có thể linh hoạt kiểm tra sau qua chứng từ hóa đơn tại ngân hàng và không cần nhất thiết đi thực tế đến khách hàng. Các nội dung kiểm tra theo khuôn mẫu và mẫu biểu số 01/2016/QĐKTS-NHCT và NVTD phụ trách lưu giữ kết quả biên bản làm việc kiểm tra sau vào hồ sơ khách hàng.
Quy trình kiểm tra, giám sát khoản vay đã nêu các yêu cầu và hướng dẫn thiết thực cho nhân viên và lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam . Quy trình này đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng.