Xác định nội dung giáo dục di sản văn hóa qua môn địa lý lớp 12 THPT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 41)

2.2.1. Mục tiêu giáo dục di sản văn hóa cho học sinh lớp 12

a) Kiến thức

- Giúp học sinh hiểu một cách khái quát các di sản văn hóa của đất nước nói chung và của địa phương nơi mình sinh sống nói riêng.

- Biết và hiểu được nguồn gốc, sự phân bố của di sản, quá trình hình thành nên các di sản trong quá trình sản xuất và đời sống của con người.

- Phân tích được mối quan hệ giữa các di sản, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc lồng ghép giáo dục di sản trong dạy học nói chung và qua môn Địa lí nói riêng.

b) Kĩ năng

- Giúp học sinh biết cách thu thập, phân tích thông tin về các di sản văn hóa. - Giúp học sinh có những kĩ năng hoạt động tích cực trong việc gìn giữ các di sản văn hóa.

- Rèn luyện cho học sinh các kĩ năng học tập và làm việc tập thể. c) Thái độ

- HS có ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa. - Tích cực ủng hộ các chính sách, hoạt động bảo vệ di sản văn hóa; Phê phán và lên án các hoạt động, hành vi làm tổn hại di sản văn hóa.

2.2.2. Nguyên tắc xác định nội dung giáo dục di sản văn hóa qua bài dạy Địa lí 12

Để khai thác tốt các nội dung giáo dục di sản văn hóa trong dạy học Địa lí 12 cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

2.2.2.1. Bám sát nội dung chương trình Địa lí 12

Việc xác định nội dung giáo dục DSVH nhất thiết phải bám vào nội dung chương trình SGK do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành. Đó chính là những nội dung giáo dục đã được cụ thể hóa và mang tính pháp lí cụ thể. Giáo viên sẽ không mất nhiều thời gian để tìm tòi, chắt lọc những kiến thức về DSVH. Từ đó, giáo viên có nhiều thời gian đầu tư cho việc giảng dạy. Từ những sắp xếp logic theo thứ tự các bài học, GV cũng sẽ thuận lợi trong việc sắp xếp các nội dung giáo dục DSVH một cách hợp lí nhất. Chính từ những yếu tố này sẽ giúp cho việc giáo dục DSVH trở nên hiệu quả hơn. Hơn nữa những kiến thức về DSVH trong SGK Địa lí 12 cũng khá phong phú, GV nên khai thác các kiến thức có sẵn trong SGK là phù hợp với thời lượng cho phép của môn học. Bên cạnh đó, việc giáo dục DSVH cũng chính là việc giáo dục ý thức, rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản cho cuộc sống tương lai sau này.

2.2.2.2. Cụ thể hóa và đi sâu vào những vấn đề, những nội dung có liên quan đến di sản văn hóa mà sách giáo khoa có đề cập

Thực tế những nội dung về giáo dục DSVH trong SGK Địa lí 12 mới chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, sơ lược, chỉ mang tính minh họa cho một mục kiến thức nhỏ, chứ chưa được cụ thể hóa. Chính vì vậy, giáo viên cần phải có những phương pháp và hình thức phù hợp, sao cho HS có thể nắm được kiến thức một cách hiệu quả nhất.

2.2.2.3. Không làm biến tính nội dung môn học, không biến bài học địa lí thành bài giáo dục di sản văn hóa

Trong quá trình giáo dục DSVH, giáo viên phải luôn chú ý không quá chú trọng đến giáo dục DSVH mà quên đi nội dung chính của môn học. GV phải biết kết hợp hài hòa giữa giáo dục DSVH với kiến thức địa lí. GV phải xác định được nhiệm vụ giảng dạy, mục tiêu bài học, từ đó xác định nội dung giáo dục DSVH sao cho phù hợp với kiến thức của bài địa lí và thời lượng của tiết dạy. Có như thế mới đảm bảo tính khoa học và mang lại hiệu quả.

2.2.2.4. Kế thừa và phát huy những kiến thức về di sản văn hóa đã có ở học sinh, tăng cường liên hệ thực tế địa phương

Trong quá trình giáo dục DSVH cho học sinh, giáo viên cũng nên chú ý đến việc khai thác các kiến thức cũ, kiến thức của học sinh thu thập được qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này góp phần vào việc nâng cao hiệu quả giáo dục và góp phần củng cố kiến thức cho học sinh nhanh chóng. Đồng thời, giáo viên tiết kiệm được thời gian mà nội dung giáo dục DSVH cũng trở nên phong phú hơn. Việc kế thừa và phát huy những kiến thức sẵn có ở học sinh còn góp phần tạo nên tính tích cực, chủ động trong học tập của HS.

2.2.3. Các yêu cầu của việc giáo dục di sản văn hóa qua môn địa lí

2.2.3.1. Xác định rõ mục đích của việc sử dụng di sản văn hóa

Xác định rõ mục đích của việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học địa lí là điều cần thiết. Bởi vì, điều này là yếu tố quan trọng đầu tiên đảm bảo cho sự thành công của việc khai thác và sử dụng di sản văn hóa vào dạy học địa lí. Xác định được mục đích sử dụng di sản văn hóa thì chúng ta mới có biện pháp tiến hành cụ thể trong tổ chức dạy học địa lí. Do vậy, bất cứ hình thức khai thác và sử dụng di sản văn hóa nào trước tiên là phải xác định mục đích sử dụng.

Nếu tổ chức cho học sinh tham quan và học tập tại di sản trước khi học một khóa trình, một bài địa lí nhằm chuẩn bị những kiến thức cần thiết thì nên tập trung chủ yếu cho các em tham quan những di sản có nội dung mà sau đó các em sẽ được học tập trong bài. Nếu tổ chức cho học sinh đi tham quan học tập tại di sản sau khi đã học xong bài ở trường thì mục đích đặt ra là giáo viên phải kết hợp nhiều biện pháp để giúp học sinh củng cố, bổ sung những kiến thức đã học trên lớp.

Nếu như dạy học một bài cung cấp kiến thức mới tại di sản, dạy học tại thực địa thì mục đích đặt ra về cơ bản giống với bài học ở trên lớp, vừa phải đảm bảo yêu cầu chung của bài học địa lí, vừa phải tuân thủ yêu cầu của bài học tiến hành tại thực địa, trong đó khâu quản lí lớp học khó khăn và phức tạp hơn. Hình thức tổ chức dạy học này chủ yếu làm sao cho các em lắm vững những kiến thức cơ bản trên cơ sở tìm hiểu cụ thể, tạo biểu tượng chính xác để nắm được bản chất tài liệu

đang học. Ở đây di sản văn hóa là phương tiện trực quan có liên quan đến nội dung địa lí đang học.

Nhưng khi khai thác tư liệu, hiện vật về di sản để phục vụ bài học trên lớp ở trường THPT theo mục đích đặt ra, giáo viên phải biết lựa chọn và sử dụng hợp lí các tư liệu về di sản văn hóa. Như vậy, phương tiện trực quan cụ thể này mới tạo được biểu tượng địa lí chân thực, chính xác, sinh động, linh hoạt.

2.2.3.2. Công việc chuẩn bị chu đáo

Di sản văn hóa là một phương tiện trực quan có vai trò to lớn trong việc dạy học địa lí. Nhưng kết quả lĩnh hội tri thức địa lí của học sinh có đạt hiệu quả hay không, còn tùy thuộc vào công việc chuẩn bị của giáo viên. Bởi vì nếu chúng ta cho học sinh đi tham quan hay học tập tại di sản hoặc khai thác tư liệu ở di sản để sử dụng vào dạy học ở trên lớp mà không có sự chuẩn bị chu đáo thì sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Do vậy, công việc chuẩn bị chu đáo có vai trò rất quan trọng mà bất cứ khi sử dụng hình thức nào cũng phải thực hiện. Nên giáo viên phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, có mục đích, yêu cầu rõ ràng cho từng công việc, từng bước tiến hành.

Nếu khai thác những tư liệu, hiện vật, tranh ảnh của di sản văn hóa để phục vụ bài giảng thì giáo viên phải biết chọn lựa và sử dụng hợp lí. Đó là khai thác những tranh ảnh, tư liệu, hiện vật điển hình để minh chứng cho một nội dung kiến thức cụ thể.

2.2.3.3. Đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính trực quan * Đảm bảo tính khoa học

Tính chính xác, tính khoa học trong học tập địa lí là một yêu cầu bắt buộc. Đảm bảo tính khoa học trước hết ở việc sử dụng các di sản văn hóa được xác nhận là “di sản văn hóa cấp...” (tỉnh, quốc gia hay quốc tế) và tiến hành các công việc sau:

- Thứ nhất, những di sản đó đã được các nhà khoa học xác định, lập hồ sơ, được các cơ quan có trách nhiệm (Bộ, Sở Văn hóa - Thông tin) xếp hạng. Hồ sơ của

di sản văn hóa đã được hoàn chỉnh về các mặt như di sản thuộc loại gì, thời gian xây dựng, tôn tạo, trùng tu và quan trọng nhất là di sản phản ánh sự kiện gì.

- Thứ hai, trong dạy học địa lí nên chọn những di sản còn tương đối nguyên vẹn, thường xuyên được tôn tạo.

* Đảm bảo tính sư phạm

Bên cạnh yêu cầu đảm bảo tính khoa học thì việc sử dụng di sản văn hóa phải đảm bảo tính sư phạm trong dạy học. Đảm bảo tính sư phạm thể hiện ở:

- Thời gian tổ chức học tập tại di sản phải nằm trong khuôn khổ quy định của chương trình và kế hoạch dạy học.

- Chỉ nên tìm hiểu, khai thác các kiến thức chứa đựng trong di sản văn hóa phù hợp với trình độ, yêu cầu của học sinh từng khối lớp.

- Lựa chọn các di sản văn hóa sao cho phù hợp với mục đích và nhiệm vụ của từng bài học, xem trong trường hợp nào thì dùng di sản văn hóa nào.

- Dù là bài học tại thực địa hay buổi tham quan học tập tại di sản đều phải tuân thủ những quy định về tiến trình của một bài học địa lí ở trường THPT. Việc chuẩn bị mọi mặt của thầy và trò về nội dung, địa điểm tổ chức, phương pháp tiến hành là yếu tố quyết định thành công của bài học.

- Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học địa lí đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực tri thức có liên quan như khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa, lịch sử... tính chất liên môn trong sử dụng văn hóa được thể hiện ở cả nội dung lẫn hình thức và phương pháp tiến hành. Trong tình hình ứng dụng khoa học kĩ thuật công nghệ hiện nay, giáo viên và học sinh còn phải tìm hiểu, nghiên cứu, sử dụng thành thạo những thao tác như quay phim, chụp ảnh, khai thác sử dụng mạng Internet...

* Đảm bảo tính trực quan

- Đảm bảo tất cả học sinh được quan sát rõ ràng, đầy đủ, nếu có thể thì tổ chức cho học sinh tham quan theo nhóm.

- Đảm bảo phát triển óc quan sát - khả năng quan sát nhanh, chính xác, độc lập. Quan sát chung rồi mới tới quan sát riêng, quan sát khái quát rồi mới đến quan sát chi tiết, quan sát tập trung vào những chi tiết chủ yếu, không quan sát tràn lan, tích cực phân tích, so sánh, tổng hợp, tự rút ra những kết luận cần thiết.

Tóm lại, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính trực quan trong việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học địa lí ở trường THPT là một trong những nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa quyết định đối với thành công của bài học.

2.2.3.4. Phát huy tính chủ động, tích cực trong nhận thức của học sinh khi sử dụng di sản văn hóa vào dạy học địa lí ở trường phổ thông

Đây là yêu cầu cơ bản nhất để thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo. Để việc sử dụng di sản văn hóa góp phần phát huy tính tích cực, chủ động trong nhận thức của học sinh, cần phải:

- Thứ nhất, tạo ra nhiều tình huống có vấn đề để học sinh tìm hiểu, nghiên cứu. Khi trực tiếp làm việc với nguồn di sản văn hóa, học sinh được hướng dẫn quan sát, phân tích để tìm ra những nội dung địa lí chứa đựng trong di tích nhằm minh họa, cụ thể hóa các kiến thức đã học. Trong quá trình tiếp xúc với nguồn “tài liệu sống” này, nhiệm vụ của giáo viên phải gợi mở, nêu vấn đề, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh thảo luận, giải đáp những thắc mắc của các em. Việc phát huy khả năng nhận thức, sự hứng thú, làm việc tích cực của mỗi cá nhân trong tiến trình chung của buổi học cả lớp làm cho buổi học đạt hiệu quả chất lượng cao.

- Thứ hai, sử dụng di sản văn hóa không phải chủ yếu để minh họa SGK và bài giảng của giáo viên mà phải tạo ra những dữ liệu để tổ chức dạy học, giải quyết vấn đề, tổ chức hoạt động tìm kiếm, phát hiện tri thức địa lí mới của học sinh. Khi học tập tại di sản, học sinh được phát huy những kĩ năng, thao tác tư duy địa lí trong nhận thức như quan sát, nhận xét, giải thích, liên hệ. Những thao tác này được các em huy động, sử dụng nhiều hơn so với giờ học bình thường trên lớp.

- Thứ ba, khi sử dụng di sản văn hóa, để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, giáo viên cần hướng dẫn các em rèn luyện các kĩ năng, làm tốt các bài tập

thực hành bộ môn. Việc tiến hành một cách độc lập các loại bài tập như miêu tả, kể chuyện di sản, phân tích, đánh giá di sản sẽ giúp cho sự hiểu biết của các học sinh thêm sâu sắc. Trong điều kiện cho phép, giáo viên có thể tiến hành những bài tập thực hành như sưu tầm tài liệu về di sản, viết bài thu hoạch về di sản.

- Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh không có nghĩa là vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học giảm đi mà ngược lại ngày càng nâng cao. Để làm được điều này, giáo viên cần phải trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ của người thầy, người hướng dẫn, tổ chức quá trình dạy học. Giáo viên không chỉ nắm vững những kiến thức địa lí mà còn cần tìm hiểu những tri thức về văn hóa có liên quan đến di sản. Giáo viên không chỉ thành thạo các kĩ năng lên lớp bình thường mà còn sử dụng tốt các phương pháp hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn.

- Thứ năm, phát huy ý thức tôn trọng, chấp hành nội quy khi tìm hiểu, khảo sát di sản, không xâm phạm, làm hại mà phải bảo vệ di sản văn hóa.

Như vậy, di sản văn hóa trong dạy học địa lí không phải chỉ được sử dụng như một loại phương tiện thông tin - minh họa trong việc truyền thụ kiến thức mà nhằm tạo ra ở học sinh những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác, tạo điều kiện để phát triển tư duy địa lí của học sinh. Do đó, giáo viên cần phải chú ý phương châm: hãy để học sinh quan sát kĩ hơn, làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và thể hiện mình nhiều hơn.

Trên đây là những yêu cầu cơ bản của việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa vào dạy học địa lí ở trường THPT. Điều này xuất phát từ mục đích giáo dục, nhiệm vụ của từng bài học cụ thể, điều kiện thực tế của nhà trường theo kế hoạch dạy học đã xác lập.

2.2.4. Một số nội dung cụ thể về giáo dục di sản văn hóa trong chương trình SGK Địa lí 12 SGK Địa lí 12

Căn cứ vào nội dung chương trình và SGK Địa lí 12 có thể xác định được một số nội dung cụ thể:

Bảng 2.1. Các nội dung cụ thể giáo dục di sản văn hóa trong chương trình sách giáo khoa địa lí 12

STT Tên bài Địa lí lớp 12 Di sản được sử dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 41)