Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 31 - 32)

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã tiến hành đổi mới một cách toàn diện: Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình thì việc đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu cấp thiết, là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng môn học trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đặc biệt, đối với nước ta, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh là yêu cầu sống còn của công cuộc xây dựng đất nước trong thế giới hợp tác đa phương, cạnh tranh gay gắt về kinh tế, về nhân lực có chất lượng trí tuệ cao. Để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, học sinh cần được hình thành những năng lực cơ bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, đổi mới phương pháp dạy và học có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền giáo dục của nước ta trong thời kì mới.

Định hướng đổi mới phương pháp dạy và học đã được xác định cụ thể trong một số Nghị quyết cụ thể:

Đại hội Đảng VIII đã khẳng định “Đổi mới phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trinh dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học, phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân, nhất là thanh niên”. [10]

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nêu rõ: “Để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo... Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học, coi trọng thực hành, thực nghiệm, ngoại khóa, làm chủ kiến thức, tránh nhồi nhét, học vẹt, học chay”.[11]

Ngoài ra, định hướng này còn được pháp chế hóa trong Luật giáo dục 2005: Điều 28, Luật giáo dục quy định “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”. [8]

Luật giáo dục 2005 cũng khẳng định: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. [8]

Như vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học trong đó có sử dụng các di sản văn hóa là khâu quyết định hướng tới hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, chống lại thói quen học tập thụ động, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 31 - 32)