Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học địa lí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 25 - 29)

chung và địa lí lớp 12 nói riêng

1.1.4.1. Vai trò

- Di sản là một nguồn nhận thức, một phương tiện trực quan quý giá trong dạy học nói riêng, giáo dục nói chung. Di sản văn hoá dù dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể đều có thể sử dụng trong quá trình dạy học, dưới hình thức tạo môi trường; tạo công cụ hoặc là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học.

- Trong điều kiện giáo dục hiện nay, nhìn chung các tài liệu về lí luận dạy học, giáo dục đại cương và tài liệu về lí luận dạy học bộ môn hầu như chưa đề cập đến điều kiện, phương tiện dạy học là các di sản văn hoá. Gần đây trong phong trào xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực, một trong những hoạt động được đặt ra là tổ chức cho học sinh tham gia chăm sóc các di sản, chủ yếu là các di tích mang tính lịch sử của địa phương. Việc khai thác các di sản văn hoá ở địa phương như là nguồn tri thức, là phương tiện dạy học.

- Sử dụng di sản trong dạy học giúp cho quá trình học tập của học sinh trở nên hấp dẫn hơn, học sinh hứng thú học tập và hiểu bài sâu sắc, phát triển tư duy

độc lập sáng tạo, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Vai trò của các di sản văn hoá có thể được phân tích dưới các góc độ sau:

+ Góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn hoạt động nhận thức cho học sinh: Các di sản văn hoá khi được sử dụng trong dạy học sẽ góp phần nâng cao tính trực quan, giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản.

+ Giúp cho học sinh phát triển kĩ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức: Di sản văn hoá là phương tiện quan trọng giúp học sinh rèn một số kĩ năng học tập như kĩ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin, thảo luận nhóm, qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản; kĩ năng vận dụng kiến thức đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các di sản.

Ngoài ra, dạy học với di sản còn giúp phát triển một số kĩ năng sống ở học sinh như: Kĩ năng giao tiếp, lắng nghe, hợp tác, quản lí thời gian.... Kĩ năng sống được hiểu là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

+ Kích thích hứng thú nhận thức của học sinh: Trong quá trình tiếp cận với di sản văn hoá theo sự hướng dẫn của giáo viên, các sự vật hiện tượng, các giá trị ẩn chứa trong di sản sẽ giúp các em tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm, từ đó các em có được động cơ học tập đúng đắn, trở nên tích cực và phấn đấu tiếp nhận kiến thức mới, cũng như có thái độ và hành vi thân thiện, bảo vệ di sản tốt hơn.

+ Phát triển trí tuệ của học sinh: Trong quá trình học tập, việc cho học sinh tiếp cận di sản đúng mục đích, đúng lúc với những phương pháp dạy học phù hợp, với sự hướng dẫn chi tiết mang tính định hướng, kích thích tư duy, giáo viên sẽ giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, khả năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp và so sánh, qua đó phát triển trí tuệ của các em.

+ Giáo dục nhân cách học sinh: Ẩn chứa trong di sản là những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nên có khả năng tác động mạnh tới tình cảm, đạo đức và việc hình thành nhân cách học sinh. Để khai thác được những giá trị ẩn chứa trong các di sản và giúp cho học sinh nhận thức được các giá trị đó, giáo viên cần giúp học sinh hình thành một hệ thống các quan điểm, các khái niệm về thế giới xung quanh, giúp các em nhận thức được bản chất

và có cơ sở giải thích một cách khoa học các sự vật, hiện tượng liên quan đến di sản. Tiến hành nghiên cứu di sản một cách nghiêm túc, kĩ lưỡng cũng chính là rèn cho các em tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học.

1.1.4.2. Ý nghĩa

Di sản văn hóa là nguồn kiến thức địa lí có ý nghĩa rất lớn về mặt giáo dưỡng, giáo dục và phát triển tư duy cho học sinh

a. Hình thành kiến thức

Trong dạy học Địa lí, di sản văn hóa không chỉ là phương tiện để minh họa, để tăng tính cụ thể của bài giảng mà còn chứa đựng một nguồn kiến thức, đó là nguồn tài liệu phong phú giúp cho quá trình nhận thức của học sinh được hoàn thiện hơn.

Trước hết, di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với việc tạo biểu tượng địa lí cho học sinh. Việc tạo biểu tượng địa lí cho học sinh là yêu cầu cơ bản của dạy học địa lí. Có nhiều phương tiện, phương thức tạo biểu tượng địa lí cho học sinh như lời nói sinh động trong miêu tả, tường thuật, các loại tài liệu tham khảo, tài liệu trực quan... Trong đó, sử dụng di sản văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quá trình nhận thức của học sinh. Làm việc với di sản văn hóa là học sinh đã thực sự “làm việc” với một nguồn tài liệu “sống”. Các em phải giải quyết nhiều vấn đề, huy động các kĩ năng, vận dụng nhiều kiến thức có liên quan đến di sản để nhận thức một cách sâu sắc các sự kiện, hiện tượng địa lí. Vì vậy, thông qua việc tiếp xúc với các di sản, các hiện vật, tranh ảnh... sẽ làm cho học sinh nhanh chóng tiếp thu được kiến thức cơ bản của bài học, tạo được biểu tượng địa lí chính xác nhất.

Việc đưa các di sản văn hóa vào dạy học địa lí không chỉ giúp học sinh tạo biểu tượng chân thực về các sự vật, hiện tượng, mà nó còn là phương tiện có hiệu quả để giúp các em hiểu đúng bản chất của sự vật. Từ đó hình thành khái niệm địa lí và làm cho học sinh nắm được quy luật của sự phát triển xã hội. Biểu tượng địa lí càng phong phú bao nhiêu thì khái niệm hình thành càng vững chắc bấy nhiêu. Tác dụng của di sản văn hóa không chỉ dừng lại ở nhận thức cảm tính mà còn ở lĩnh vực tư duy, làm cho học sinh không mất nhiều công sức mà có hiệu quả cao trong việc nhận thức đúng bản chất của các sư vật, hiện tượng.

sâu những hình ảnh, những kiến thức, những tư tưởng đã thu nhận được. Di sản văn hóa có tác dụng minh họa, bổ sung, làm sáng tỏ và phong phú hơn những kiến thức học sinh đã được học trên lớp, điều mà trong một tiết học chính khóa 45 phút, giáo viên không thể cung cấp hết được. Như vậy, sử dụng di sản văn hóa là một hình thức, biện pháp “xã hội hóa” giáo dục địa lí, là những điều kiện để nâng cao tri thức địa lí toàn diện cho học sinh THPT. Các em không chỉ tiếp nhận các tri thức địa lí ở nhà trường, trong sách giáo khoa mà cả ở ngoài xã hội, ở mỗi di sản văn hóa.

b. Kĩ năng

Phương pháp giáo dục di sản văn hóa sẽ góp phần phát triển óc quan sát, trí tưởng tượng và tư duy, ngôn ngữ cho học sinh. Khi giáo viên cho học sinh quan sát bất kì một bức tranh nào về các di sản, hay hướng dẫn học sinh học tập tại di sản thì các em cũng có khả năng nhận xét, phán đoán, hình dung các đối tượng được phản ánh. Việc sử dụng tranh ảnh, hiện vật về di sản còn có tác dụng giúp học sinh biết đọc kênh hình, phân tích các sự kiện, hiện tượng địa lí. Qua đó, rèn luyện cho các em thói quen và khả năng quan sát vật thể một cách khoa học, có mục đích để đi đến phân tích, so sánh, khái quát, rút ra kết luận. Nhờ vậy, mà các thao tác tư duy của học sinh được rèn luyện và phát triển.

Đồng thời, giáo dục di sản văn hóa sẽ rèn luyện cho học sinh tinh thần độc lập, tự chủ trong lao động và học tập, niềm say mê, hứng thú với bộ môn. Bởi vì, di sản văn hóa là cơ sở giúp các em tiếp cận với hiện thực khách quan. Nhờ đó, học sinh sẽ thấy giờ học không nhàm chán, khô khan, các em phát huy được tính tích cực của mình trong việc tiếp nhận kiến thức.

c. Tư tưởng, tình cảm

Giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lí ở trường phổ thông không chỉ có tác dụng bồi dưỡng nhận thức mà còn có tác dụng quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức sâu rộng cho học sinh.

Việc đưa các di sản văn hóa vào dạy học địa lí ở trường THPT còn có ý nghĩa giáo dục là bồi dưỡng cho học sinh ý thức tôn trọng, bảo vệ di sản văn hóa. Chính học sinh THPT, lực lượng đông đảo, có kiến thức, có nhu cầu sử dụng di sản, sẽ là lực lượng bảo vệ, tôn tạo di sản có ý thức và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, việc giáo dục di

sản còn giúp các em tránh việc tiêm nhiễm những hủ tục, lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội và tuyên truyền cho mọi người thực hiện, xây dựng nếp sống hiện đại, văn minh ngay tại di sản.

Như vậy, ý nghĩa giáo dục của việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học địa lí ở trường THPT là phát huy ưu thế, sở trường của bộ môn trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học địa lí sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập ở trường THPT.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục di sản văn hóa trong dạy học địa lý lớp 12 (Trang 25 - 29)