200 năm năm sinh Nguyễn Du(1965)
2.1.2. Lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam
Từ thời trung đại Văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của những lý luận cổ đại Trung Quốc như cách đọc “tri âm” và “kí thác”, chẳng hạn trong cuốn Văn tâm điêu long Lưu Hiệp cho rằng: “Tri âm khó vậy thay. Cái âm thực khó biết, người biết thực khó gặp. Gặp được người tri âm nghìn năm mới có một lần”. Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng băn khoăn, thắc thỏm về những người đọc trong mai hậu với câu thơ đầy ưu tư: “”,
“Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Ở Việt Nam các khái niệm về lý thuyết tiếp nhận, tiếp nhận văn học, mỹ học tiếp nhận có nội hàm gần giống nhau, bản thân khái niệm tiếp nhận văn học cũng ngày càng được mở rộng biên độ và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Từ năm 1978, Huỳnh Vân dịch và đăng trên tạp chí văn học bài
Song đề của “Mỹ học tiếp nhận” của Man-phơ ret Nao-man, nhà xuất bản Tác phẩm mới dịch và xuất bản cuốn Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của Văn học của M.B Khrachenco, trong đó có những phần bàn đến tiếp nhận văn học (chương 5 : Thời gian và cuộc sống của tác phẩm văn học). Năm 1980, Hoàng Trinh có bài viết Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học, trên cơ sở văn học so sánh để nhìn tiếp nhận văn học, sau đó vấn đề tiếp
nhận như mỹ học tiếp nhận của trường phái Konstanz tiếp tục được Nguyễn Văn Dân giới thiệu trên các tạp chí và công trình nghiên cứu của mình (Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, Nghiên cứu văn học lý luận và ứng dụng, phương pháp luận nghiên cứu văn học…). Đặc biệt trong bộ sách giáo trình
Lý luận văn học của nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội các nhà nghiên cứu Phương Lựu, Trần Đình Sử, Phan Huy Dũng… đã có nhiều đóng góp trong giới thiệu, phổ biến lý thuyết tiếp nhận văn học. Các nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương, Trương Đăng Dung cũng dành rất nhiều tâm huyết của mình cho tiếp nhận văn học (Lý luận văn học nhập môn, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Tác phẩm văn học như là quá trình…) trong đó Trương Đăng Dung tập trung quan tâm những vấn đề còn để ngỏ như văn bản văn học, quá trình cắt nghĩa văn bản, ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa … tác giả đã có đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống lý luận tiếp nhận văn học ở nước ta.
Tiếp nhận văn học đã được đưa vào giảng dạy ở bậc Đại học và phổ thông, vấn đề tiếp nhận văn học được ngày càng được quan tâm cho thấy quá trình văn học (nhà văn – tác phẩm – người đọc) được chú ý, vấn đề người đọc được nhìn nhận đúng mức hơn, nhiều tác phẩm văn học được lan tỏa rộng đến phạm vi thưởng thức. Vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học trong nghiên cứu và giảng dạy không chỉ khẳng định vị trí của tiếp nhận văn học mà còn thu được nhiều kết quả to lớn trong nghiên cứu phê bình văn học với các tác giả, tác phẩm, trào lưu như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, phong trào thơ Mới… điều đó cũng khẳng định một phương diện mới được bổ sung vào lịch sử văn học Việt Nam chính là lịch sử tiếp nhận, lịch sử của người đọc. Vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học trong nghiên cứu, phê bình Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu ngày càng làm sáng tỏ những vấn đề còn để ngỏ hoặc nhìn nhận chủ quan, phiến diện trước đây.