Khái quát về phân tâm học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đổi mới lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học qua kỷ yếu di sản văn chương đại thi hào nguyễn du 250 năm nhìn lại (2015)​ (Trang 53 - 59)

200 năm năm sinh Nguyễn Du(1965)

3.1. Khái quát về phân tâm học

Phân tâm học(Phân tích tâm lý học) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng tự do. Một định nghĩa khác theo theo tác giả Ernst Kris (1950) thì phân tâm có là bản chất của con người được xem xét thiên về xung đột. Phân tâm tin rằng hoạt động của tâm lý thực chất là sự đấu tranh giữa các xung lực - một số các xung lực này có tính ý thức, còn lại đa số là vô thức. Nó phản ánh vốn đối lập sẵn có trong bản chất hai mặt của con người đó là một động vật sinh học và một con người xã hội [34]. Những lý thuyết ban đầu về Phân tâm học của Sigmund Freud đã từng gây rất nhiều tranh cãi thời bấy giờ là sự nghiên cứu phương pháp điều trị tâm lý và đề xuất lý luận chung về quá trình vận động tâm lý. Những lý luận phân tích tâm lý được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống tâm lý và văn hóa lịch sử, từ đó ông phát hiện ra “mặc cảm Oedipe” trong các tác phẩm văn học nổi tiềng Oedipe làm vuaHămlet, đó là những viên gạch đầu tiên cho việc ứng dựng Phân tâm học để tìm hiểu, đánh giá tác phẩm văn học. Có thể nói giữa sự phức tạp của lý thuyết Phân tâm học mà Sigmund Freud đặt ra có thể thấy nổi trội hai vấn đề cơ bản là bản năng tính dục và những kí ức thời thơ, chúng được coi là các yếu tố vô thức, những yếu tố đó thường bị đè nén bởi ý thức và các chuẩn

mực đạo đức, xã hội nên thường bộc lộ dưới những hành vi bất thường, loạn thần kinh hay những giấc mơ. Những lý thuyết đặt ra ban đầu của Sigmund Freud đã tiếp tục được phát triển và hoàn thiện bởi những người kế thừa như để hình thành Phân tâm học cổ điển với Jean Delay nổi bật với trường phái Phê bình tâm lý tiểu sử, chủ trương của trường phái này là đi sâu vào phân tích những ẩn ức ấu thơ của tác giả để lý giải ý nghĩa của tác phẩm. Bên cạnh đó còn có Carl Jung với khái niệm vô thức tập thể : Phát triển từ học thuyết Freud chỉ nhìn nhận vô thức như một sản phẩm cá nhân, Jung cho rằng còn xuất hiện cái gọi là vô thức tập thể có từ thời nguyên thủy, biểu hiện qua những cổ mẫu, điều góp phần phong phú hóa và hoàn thiện các lý thuyết trước đó của Freud.

Các nhà Phân tâm học hiện đại đã phát triển xa hơn những lý luận của Phân tâm học từ nửa sau thế kỉ XX, đó là sự xuất hiện của trường phái Phân tâm học cấu trúc (còn gọi là Phân tâm học văn bản) với người chủ xướng là Jacques Lacan, ông đã kết hợp lý thuyết Phân tâm học cổ điển với lý thuyết cấu trúc học và hậu cấu trúc từ đó cho rằng: vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ và còn là sản phẩm của ngôn ngữ. Jacques Lacan cũng khẳng định ngôn ngữ có sự song hành đồng hiện cùng vô thức, chứ không phải sự thúc ép từ vô thức, điều đó tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong phê bình phân tâm học khi tìm kiếm và giải mã các yếu tố vô thức trong tác phẩm, không chỉ dựa vào những tín hiệu bệnh lý, thăng hoa, mộng tưởng hoặc cuồng điên mà còn dựa trên những cấu trúc, chất liệu làm nên văn bản. Không chỉ có vậy các nhà phân tâm học hiên đại còn đề xướng một kiểu phân tâm mới là chuyển hướng phân tích từ tác giả sang độc giả, từ cuối những năm 1950, Norman Holland đã cho rằng vô thức không chỉ được thể hiện qua những yếu tố mộng mị, mập mờ trên văn bản mà còn được kết hợp từ ẩn ức của độc giả, đó là “một hành động tái tạo bản sắc của chính độc giả”.

Như vậy, từ lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud, vốn là một cách thức nghiên cứu và điều trị bệnh tâm thần cuối thế kỉ XIX , hoạt động thực tiễn trong điều trị bệnh nhiễu loạn thần kinh bằng cách đề cao vai trò của vô thức, tiềm thức và bản năng tính dục bị đè nén, những ứng dụng Phân tâm học trong nghiên cứu văn học đã dần dần hình thành Phê bình phân tâm học. Sang thế kỉ XX, Phê bình phân tâm học ngày càng phát triển phổ biến và có những thành tựu nhất định, nó khắc phục được lối phê bình tiểu sử, giúp người đọc đi sâu vào thế giới bên trong của nhà văn nhất là những điều khó nói, bí ẩn, đánh dấu sự tìm tòi, đổi mới không ngừng của hoạt động văn học của thế giới cũng như ở Việt Nam, đúng như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rắng: “Phê bình phân tâm đã đem lại những đề tài mới cho nghiên cứu văn học, mở rộng không gian cảm thụ cho nghệ thuật”[46].

Thuyết phân tâm học, Phê bình phân tâm học gần như đề cao tuyệt đối cái vô thức, lý giải các hành vi của con người bằng sự vận động tâm lý nội tại, trở lại những bản năng nguyên thủy và những thôi thúc, khao khát vốn bị nhận thức của con người bỏ qua; quy chiếu những hoạt động sáng tạo của con người trên trục vô thức, tiềm thức cũng những bản năng tính dục bị đè nén. Với những yếu tố luôn tồn tại trong tâm lý con người mà Sigmund Freud

chỉ ra Id, ego, super ego, ông cho rằng ba yếu tố trên luôn có sự chuyển hóa lẫn nhau tạo nên sự dồn nén liên tục, khi cái vô thức bản năng luôn luôn bị kìm kẹp bởi ý thức thì sự dồn nén, ức chế của vô thức lại càng có nhu cầu thỏa mãn, ông cho rằng vô thức có sức mạnh lớn lao, trong đó sự chi phối của tính dục được quan tâm hàng đầu bởi đó được coi như yếu tố bất biến và gần tới chân lý hơn cả.

Các nhà phê bình Phân tâm học thường tiếp cận tác phẩm dựa trên niềm tin tuyệt đối vào cái vô thức, hay thực hiện “giải phẫu tâm lý” trên tác giả, tác phẩm, họ phản bác lại kết quả của khoa học kĩ thuật cũng như khả

năng tri thức của con người. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ chẳng qua là sự thăng hoa của những ẩn ức, trong đó đặc biệt là ẩn ức tính dục hay người nghệ sĩ càng bị ẩn ức tính dục chi phối càng có cơ hội sáng tác. Khi phân tâm học được ứng dụng như một phương pháp phê bình văn học – tức là dịch chuyển từ đời sống khoa học vào đời sống văn học – người ta buộc phải nghiên cứu mối quan hệ của vô thức với chất liệu cơ bản của văn chương là từ ngữ với những cấu trúc mới mà các nhà phân tâm học gọi là biểu trưng, tưởng tượng, thực tồn. Sau này các nhà phân tâm học cấu trúc tiếp tục mở ra một hướng mới cho phê bình Phân tâm học khi họ cho rằng cái vô thức không chỉ là bản tính tự nhiên hay những yếu tố sinh lý của con người. Phê bình phân tâm học có thể được áp dụng lên nhiều thể loại văn học khác nhau, quy mô khác nhau nhưng đối tượng thích hợp nhất thường là những tác phẩm mang yếu tố tâm lý, tự thuật, trữ tình nơi vô thức có điều kiện tốt nhất để hiển lộ. Các nhà phê bình phân tâm học thường quan tâm những dấu ấn vô thức trong tác phẩm. Về nội dung thường chú ý các yếu tố vô thức thể hiện qua những chi tiết, hình tượng lặp đi lặp lại trong tác phẩm đến mức ám ảnh. Về nghệ thuật các nhà phê bình phân tâm học thường chú ý cấu trúc bề mặt của văn bản ngôn từ mang dấu ấn vô thức (vô thức cá nhân, vô thức tập thể) và từ đó tiến hành giải mã những dấu ấn vô thức trong tác phẩm. Quá trình giải mã đó có thể dựa trên những yếu tố về tiểu sử tác giả thể hiện trong sáng tác hoặc tiến hành phân tâm nhân vật như một ca bệnh tâm lý, soi chiếu các yếu tố vô thức trên phông nền văn hóa truyền thống, vô thức tập thể để nhìn nhận rõ hơn.

Ở Việt Nam, ngay từ trước năm 1945 phân tâm học đã được nhiều người biết đến, phê bình phân tâm học bước đầu được Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Văn Hanh ứng dụng trong nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều như Nguyễn Du và Truyện Kiều(1942) và Văn chương Truyện

Kiều(1945), phân tâm học còn được ứng dụng trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, nhóm Tự lực văn đoàn sau đó phát triển ở miền Nam giai đoạn 1954- 1975 với nghiên cứu của Lê Tuyên, Đàm Quang Thiện... Các nhà phê bình phân tâm học thường dùng công thức: ẩn ức - dồn nén - thăng hoa để ứng dụng trong nghiên cứu của mình. Từ hướng đi đó khi xem xét trường hợp thơ Hồ Xuân Hương, trong bài viết Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương trên báo

Tiến hóa vào năm 1936, Trương Tửu cho rằng nữ sĩ bị mắc chứng bệnh thần kinh vì dục tình không được thỏa mãn, điều này cũng được ông nhận định về nhân vật Thúy Kiều sau đó. Trương Tửu cho rằng: “Cái óc Việt Nam lúc nào cũng có cái hình tục tĩu kia ám ảnh đến nỗi cái hình ấy đã thành khuôn, bao nhiêu ngoại vật phải chiếu qua nó, rồi mới vào được trong đầu. Có thể người Việt Nam trông sự vật, tả sự vật bằng cái giống <…> Không có giả thuyết cho rằng, não trạng ấy là một di tích của một tôn giáo thờ sự sinh đẻ thì làm sao mà cắt nghĩa được nó? Làm sao cắt nghĩa được Hồ Xuân Hương, cái thiên tài hiếu dâm đến cực điểm kia? Bất kì tả cảnh gì, vật gì, nàng cũng tả qua cái khung dâm, cái giống”[34]. Trương Tửu cho rằng thơ Hồ Xuân Hương thuần cái “tục” và “dâm”, ngoài ra không còn gì khác, ”Xuân Hương bị nỗi u hoài chua chát ám ảnh; đó là sự khát vọng tiềm thức; đó là sự hiện thân của tội gốc”[Tiến hóa]. Cùng nghiên cứu về Hồ Xuân Hương trong Hồ Xuân Hương: Tác phẩm, thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh cũng cho rằng: “Xuân Hương không bao giờ thỏa thích dục vọng, nàng bị dồn ép luôn luôn. Nàng bị bệnh thần kinh. Dục tình chiếm cả đầu óc, ám ảnh nàng mãi. Nó nhuộm thấm cái tư tưởng của nàng. Bao nhiêu thơ của Hồ Xuân hương đều biểu lộ sự khát khao, sự bất mãn.. Dục tình biến chuyển qua mĩ thuật thơ văn”[34].

Tuy nhiên trong một thời gian dài ở miền Băc (1945- 1975) Phê bình phân tâm học bị kì thị hoặc coi đó là phê bình kỳ quặc bởi nó đề cao bản năng con người đặc biệt là bản năng tính dục, nhiều người cho rằng phân tâm học

là một học thuyết phản động bởi nó lấy yếu tố dâm dục làm quy luật duy nhất chi phối mọi hoạt động của con người, họ cũng từng lên án Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh đã xuyên tạc tư tưởng Hồ Xuân Hương để tuyên truyền cho thứ học thuyết phản động. Ở miền Nam sau 1954 với đời sống học thuật cởi mở hơn, các lý thuyết văn học phương Tây được dịch và đón nhận nhiệt thành hơn trong đó có cả Phân tâm học, các nhà nghiên cứu phê bình văn học như Nguyễn Văn Trung, Lê Tuyên, Đàm Quang Thiện... ít nhiều trong các công trình của mình có vận dụng phân tâm học nhất là khi đánh giá về lịch sử văn học hoặc các nhà thơ lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều... Từ sau thời kì đổi mới Phê bình phân tâm học đã được nhìn nhận lại và có những đánh giá công bằng, khách quan hơn, những đóng góp của Phê bình phân tâm học cũng được nhìn nhận đúng mứcc. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Nhưng cuộc sống đâu chỉ có xã hội và lịch sử. Cho dù xã hội, lịch sử có quan trọng như thế nào thì con người vẫn sống cuộc sống của từng cá nhân với những ham muốn tự nhiên, ham muốn bản thể hình thành từ thời thơ ấu của từng cá thể, mà thiếu nó, con người không còn là người, hoặc con người bệnh hoạn. Có những thời kỳ lịch sử, do nhu cầu đấu tranh xã hội, chính trị khốc liệt, con người phải hi sinh, tức là đè nén cái phần ham muốn riêng tư để cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp chung. Các ham muốn cá nhân, nhiều khi rất bình dị như một cái hôn, một cái ôm nồng ấm... đều bị lên án là đồi trụy, hưởng lạc, cá nhân chủ nghĩa! Nhưng cái phần ham muốn dù bị cấm kỵ vẫn sống, vẫn ẩn mình len lỏi hoặc biến tướng thành các hoạt động khác, và dù muốn dù không, nó vẫn có phần chi phối thế này hay thế khác đối với sáng tác văn học. Rồi đến một lúc nào đó phê bình văn học không thể không đề cập đến nó. Và thế là phê bình phân tâm học tái xuất giang hồ, có chỗ đứng trong đời sống văn học. Lẽ tất nhiên phê bình phân tâm học không phải là tất cả, song trong tất cả không nên thiếu phân tâm học”[36].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đổi mới lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học qua kỷ yếu di sản văn chương đại thi hào nguyễn du 250 năm nhìn lại (2015)​ (Trang 53 - 59)