200 năm năm sinh Nguyễn Du(1965)
2.2.2. Truyện Kiều với những diễn biến của tiếp nhận văn học
Lý thuyết tiếp nhận từng chỉ ra trong quá trình đọc mỗi người đọc đã tự chuyển hóa văn bản thứ nhất của nhà văn thành văn bản thứ hai của chính mình và giữa hai văn bản có thể có sự thống nhất nhưng không thể đồng nhất. Trong quá trình đọc đó người đọc luôn đồng thời diễn ra các quá trình
chuyển dịch từ tác phẩm của nhà văn thành tác phẩm cho mình như: tái hiện để tái tạo, lý giải để ngộ nhận, từ đó rút ra những ý nghĩa sâu sắc cho chính bản thân mình.
Với “Truyện Kiều tân diễn” trong ba thập niên đầu thế kỉ XX, nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên chỉ ra cách làm của Nguyễn Văn Vĩnh khác với các dịch giả người Pháp khi dịch Truyện Kiều như A. de Michel “ông cũng chỉ có thể tân biên lại nó với tư cách một người nước ngoài tò mò về xứ sở xa lạ để đáp ứng yêu cầu của một nghiên cứu điền dã kiểu dân tộc học/ nhân chủng học”[72, 314]. Nguyễn Văn Vĩnh dịch Truyện Kiều với hình thức “tân diễn” bởi vừa phiên âm quốc ngữ, vừa dịch nghĩa sang tiếng Pháp và chú bằng tiếng Pháp, cách làm của Nguyễn Văn Vĩnh “khác về căn bản vì trước hết đó là của một người sinh ra trong không gian bản địa”, hơn nữa học giả còn muốn xây dựng một kĩ năng đọc, diễn đạt tiếng Việt hiện đại bằng văn viết, một việc làm có ý nghĩa to lớn ở những quốc gia có sự xuất hiện ngôn ngữ quốc gia muộn, tức là “tạo dựng khuôn hình cho tiếng Việt hiện đại về ngôn ngữ và năng lực diễn đạt”. Trong ba lần dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp không hẳn nhằm tới đại chúng bạn đọc mà chính là “một đích thử nghiệm một mô hình diễn ngôn tinh hoa quốc hồn quốc túy. Vì thế nó cần phải tham gia vào hệ thống văn hóa đại chúng với tư cách là một sản phẩm tinh hoa, được thừa nhận và nằm ở trung tâm hệ thống đó như một điển phạm cho quốc học hiện đại”[72, 318]. Việc làm của Nguyễn Văn Vĩnh nhằm khẳng định giá trị lớn lao của tác phẩm này bởi trước kia người ta chỉ quan niệm là thứ mua vui, nôm na mách qué, nằm ở ngoại biên so với các sáng tác bằng chữ Hán. Việc khẳng định những giá trị văn hóa, văn học to lớn của Truyện Kiều đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX có ý nghĩa lớn lao mà không tác phẩm nào có được, nó trở thành quy chế điển phạm, trung tâm văn hóa thời hiện đại, từ giá trị cổ điển đó để xây dựng nền văn hóa mới đồng thời nhằm
khẳng định giá trị dân tộc. Việc làm không đơn thuần là dịch ngoại ngữ mà thông qua tiếng Pháp học giả Nguyễn Văn Vĩnh trước hết nhằm dịch “các vị thế” của văn hóa Việt Nam, tạo thế và lực cho nền văn hóa mới phát triển.
Bên cạnh hình thức “tân diễn” vừa đề cập ở trên, nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên còn chỉ ra hình thức “phô diễn” Truyện Kiều của Phạm Quỳnh và các cộng sự của ông, thực chất đó cũng là những nỗ lực nhằm phục hưng và khẳng định giá trị của vốn văn hóa dân tộc, xây dựng nền quốc văn hiện đại. Mặc dù việc làm của Phạm Quỳnh đều muốn hướng tới “nền quốc văn”, tuy nhiên Phạm Quỳnh đi xa hơn theo cách của Nguyễn Văn Vĩnh mà chúng ta vừa đề cập ở trên đó là những nỗ lực để khẳng định những giá trị điển phạm của Truyện Kiều bởi đó là tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của quốc âm, đã “trước bạ” với đất nước. Theo nhìn nhận của Phạm Quỳnh, Truyện Kiều đã tích hợp rất nhiều yếu tố để có thể gọi “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh Thư Phúc âm của một dân tộc”. Có thể nói trong xu thế của những năm đầu thế kỉ XX, những nỗ lực chuyển mình nhằm canh tân đất nước để từng bước có thể thoát khỏi ách thống trị thực dân thì những diễn ngôn dân tộc thường có xu hướng nổi trội và hấp thụ diễn ngôn văn chương vì vậy không tránh khỏi có lúc trường chính trị áp chế trường văn học, đặc biệt ở các nhà Nho có uy tín, ảnh hưởng lớn như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh đó nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên cũng chỉ ra “khoảng cách giữa hai hệ hình trí thức: nhà Nho yêu nước và những trí thức Tây học”, đồng thời tác giả cũng khẳng định lập trường “cải lương” của Phạm Quỳnh vì “chính ông cũng chưa hoàn toàn thuộc về tâm thế hiện đại”, “Phạm Quỳnh mang tâm thế của một nhà cải lương sớm tiếp xúc trực tiếp với cái mới mẻ nhưng lại không thể dứt hẳn khỏi nền tảng cũ kĩ”[72, 325]. Mặc dù còn mang tâm lý cải lương nhưng việc phô diễnTruyện Kiều của Phạm Quỳnh mang nhiều ý nghĩa, ngày
nay nhìn nhận lại chúng ta cần có những đánh giá khách quan về vị trí của Phạm Quỳnh.
Hình thức diễn giải Truyện Kiều qua các bài vịnh Kiều trên báo Phụ nữ tân văn đó là những bài vịnh Kiều mang tính đại chúng, mặc dù với nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau nhưng vấn đề nổi bật được đặt ra là chủ trương ủng hộ quyền phụ nữ. Đặc biệt là bài viết của Trần Trọng Kim- Một cái nghĩa mới về Truyện Kiều trong đó tác giả lưu ý mọi người “chủ ý của tác giả Nguyễn Du không phải là làm một truyện để dạy luân lý”. Có thể nói những giá trị Truyện Kiều được hào hứng đón nhận bởi những con người mới ở đầu thế kỉ XX, “họ mang đến một cách diễn giải hoàn toàn mới dựa trên một hệ tri thức từ phương xa mang lại nhằm tạo dựng một giá trị dân tộc mới” [72, 331]. So với kỷ yếu dịp kỷ niệm Nguyễn Du năm 1965, do sự chi phối mạnh mẽ của phê bình xã hội học nên lý thuyết tiếp nhận hầu như chưa được vận dụng nhưng đến dịp kỷ niệm năm 2015 lý thuyết tiếp nhận đã được vận dụng rộng rãi và đem lại những kết quả đáng kể. Trong cuốn kỷ yếu về Nguyễn Du dịp này không thể không nhắc đến bài viết Nguyễn Du trong dòng thơ ca “hưởng lạc” Việt Nam và thế giới cổ trung đại của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tùng. Trong đó tác giả đã khảo sát thơ ca hưởng lạc của Nguyễn Du trong dòng chảy chung của thời trung đại, trong đó có những kiến giải mới về tư tưởng hưởng lạc trong thơ ca Nguyễn Du, một vấn đề ít nhiều còn để ngỏ trước đây. Tất nhiên chữ “hưởng lạc” trong tư tưởng Nguyễn Du còn có chừng mực, bởi ông không chỉ sống vì “hưởng lạc” và cũng không hẳn chỉ để “hưởng lạc”. Trước hết cần thấy rằng “hưởng lạc” là một phạm trù tương đối rộng, nó bao gồm những thú vui tao nhã như cầm kì thi họa, ca tụng cuộc sống vui vẻ, hoan lạc, là những giây phút đi ra ngoài “lễ giáo” của nhà Nho chứ không chỉ là sắc dục, nhục dục như chúng ta thường hiểu. Nguyễn Thanh Tùng không tán thành quan niệm của Phạm Vĩnh Cư khi ông cho là trong
rằng trong văn học Trung Quốc, không có hiện tượng các nhà thơ nói về hưởng lạc như phương Tây cổ đại và thời Phục hưng. Ngược lại Nguyễn Thanh Tùng cho là Lão-Trang có tư tưởng khá tương đồng với tư tưởng hưởng lạc, Dương Chu có quan niệm “quí sinh” đó là những sơ khởi của tư tưởng hưởng lạc. Dòng thơ ca hưởng lạc trong văn học Việt Nam có lẽ bắt đầu với Phạm Nhữ Dực-thế kỷ XIV, ông nói đến nhu cầu được sống, thỏa mãn lạc thú vật dục, thế kỷ XV, có quan niệm của Nguyễn Trãi khi ông đề cập việc từ bỏ lối sống khắc kỷ phục lễ của nhà nho truyền thống, thừa nhận tư tưởng này chỉ là liệu pháp cân bằng, giải thoát khỏi gian nan của cuộc đời.
Với quan niệm đó Nguyễn Thanh Tùng cho rằng Nguyễn Trãi là người đi những bước đi đầu tiên, khơi nguồn cho dòng thơ ca “hưởng lạc” Việt Nam thời trung đại (hưởng lạc của Nguyễn Trãi theo tinh thần Lão Trang nhiều hơn), tất nhiên đó không phải lý tưởng sống suốt đời ở ông mà chỉ là những giải pháp nhất thời trong những năm tháng phiền muộn của cuộc đời khi lý tưởng hành đạo gặp nhiều trắc trở. Sau đó dòng thơ ca này được nối tiếp qua các thế kỉ với Phùng Khắc Khoan, Đặng Trần Côn, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du. Có thể tư tưởng “hưởng lạc” ở Nguyễn Du chưa thể táo bạo như ở Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương sau đó nhưng chắc chắn đã tiến xa hơn so với Nguyễn Trãi. Hơn nữa Nguyễn Du được sinh ra và lớn lên ở Thăng Long trong một gia đình danh gia vọng tộc, được trải nghiệm cuộc sống sung túc khi ở cùng anh trai với những canh hát, yến tiệc liên miên, sau này khi gia đình sa sút ông sống cuộc đời gió bụi nhưng cũng rất phóng khoáng với thú đi săn, đi câu, hát ca trù, phường vải… đó chính là những yếu tố hình thành tư tưởng hưởng lạc ở Nguyễn Du. Mảng thơ chữ Hán của Nguyễn Du có rất nhiều bài đề cập đến tư tưởng hưởng lạc, có lúc trở thành tuyên ngôn sống ở ông, phải chăng đó cũng là cách để ông cân bằng
giữa cuộc sống vật chất và tinh thần tiêu biểu như các bài Tạp thi, Mạn hứng, Đối tửu, Hành lạc từ :
Lúc sống không uống cạn rượu trong bầu Thì chết rồi ai tưới chén rượu trên mồ
Đối tửu
Trung thọ chỉ được tám mươi tuổi Việc gì tính chuyện trăm năm Có chó cứ nên giết
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được mất trước mắt còn khó biết
Việc gì bận tâm đến cái danh xa xôi sau khi chết
Hành lạc- 1
Việc đời lắm đổi dời
Kiếp phù sinh nên hành lạc Trên tiệc có kĩ nữ đẹp như hoa Trong bình có rượu nổi sóng vàng
Tiếng sáo đẹp, tiếng tiêu ngọc khi mau khi chậm Được lúc cao giọng hát thì cao giọng hát
Hành lạc- 2
Đặc biệt trong Truyện Kiều, Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ ra tác giả đã rất hào hứng, bay bổng trong khi viết về tình yêu, hạnh phúc trần thế, đặc biệt những đoạn viết về tình yêu Kim Trọng- Thúy Kiều, Thúc Sinh - Thúy Kiều, Từ Hải - Thúy Kiều, tác giả đã có sự đồng cảm, đồng tình rất lớn mới có sự
say mê, xuất thần như thế. Có thể coi “hưởng lạc” cũng chính là sự mở rộng biên độ của chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn trong Truyện Kiều.
Người đọc cần nhìn nhận tư tưởng “hưởng lạc” ở Nguyễn Du không phải là tiêu cực, ích kỉ, thoát li mà đó chính là cơ sở cho tình thương yêu, đồng cảm với con người sâu sắc hơn. Có lẽ chính vì đó mà Nguyễn Du dễ dàng tiếp nhận Kim Vân Kiều truyện để rồi sáng tạo nên kiệt tác Truyện Kiều với những câu thơ táo bạo về vẻ “đầu mày cuối mắt” của tình cảm trai gái, về những âu yếm, “lả lơi”, về những nhục cảm chân thực như:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Đánh giá về tư tưởng “hưởng lạc”, Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: “Nó cũng giúp ông có cái nhìn đa diện hơn về cuộc sống nhân sinh, rũ bỏ phần nào gánh nặng đạo lý quá nặng nề và cứng nhắc của lý tưởng nhà nho” [72, 189]. Đánh giá về vị trí Nguyễn Du trong dòng chảy thơ ca “hưởng lạc”, Nhuyễn Thanh Tùng chứng minh Nguyễn Du chính là cầu nối giữa thơ ca hưởng lạc thế kỉ XVIII về trước với thơ ca hưởng lạc thế kỉ XIX và cả sau này mà ông chính là người “mở ra dòng thơ ca hưởng lạc vì nhận thức ra nhu cầu vật dục tự nhiên, nhân bản của cá nhân con người”[72, 190]. Sau Nguyễn Du, dòng thơ ca này phát triển mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn trở thành lý tưởng sống của họ, nội dung hưởng lạc cũng trở nên phong phú hơn nhất là nói nhiều đến sắc dục tiêu biểu như Cao Bá Quát, Dương Khuê, Trần Tế Xương… trong đó đáng chú ý là Nguyễn Công Trứ, một người rất đề cao hưởng lạc, “yến yến, hường hường” nhưng lại không có sự đồng cảm với Kiều như Nguyễn Du, thậm chí lên án gay gắt Kiều như một nhà Nho chính thống, đạo đức (Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm). Từ đó nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề cần phải có những diễn giải mới, cần hiểu rộng
hơn, toàn diện hơn về bức chân dung tinh thần Nguyễn Du, trong đó tư tưởng hưởng lạc là điều không thể thiếu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Nam trong bài Những thẩm định mới về Kim Vân Kiều truyện đã khảo sát tình hình nghiên cứu, dịch thuật, so sánh giữa
Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc ở nửa sau thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI, tác giả đã chỉ ra sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khi Truyện Kiều được giới thiệu trong các giáo trình đại học, nhất là từ khi xuất hiện những bản dịch Truyện Kiều sang Hán văn của Hoàng Dật Cầu. Nhiều nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc khi đó mới bắt đầu quan tâm đến
Kim Vân Kiều truyện- tác phẩm được coi là lam bản của Truyện Kiều. Tuy nhiên cũng do chỉ dựa vào bản dịch nên dẫn đến những nhận định còn chủ quan, phiến diện, chưa chỉ ra đươc những sáng tạo của Nguyễn Du hoặc có lúc rơi vào thiên lệch. Những hạn chế đó phần nào được khắc phục khi xuất hiện thêm bản dịch Truyện Kiều của Triệu Ngọc Lan năm 2013, có thể coi đó là những thông diễn quan trọng trong nghiên cứu, so sánh giữa các tác phẩm này, “Nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện từ những năm 2000 trở lại đây rõ ràng đang chuyển tiếp sang một giai đoạn mới. Bên cạnh những phương hướng “truyền thống” đi sâu vào quan hệ giữa bộ tiểu thuyết này và những tác phẩm khác như Truyện Kiều, hay Hồng lâu mộng, đã xuất hiện những tiếp cận mới ít nhiều dựa trên lý thuyết phương Tây để khảo sát tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể văn chương độc lập, ví như thẩm mỹ nữ tính (Vương 2004; Khâu 2005; Dật 2008, Hoàng 2011), mỹ học bi kịch (Đỗ 2009), hay mỹ học sinh thái (Đàm 2014). Đáng chú ý là nghiên cứu so sánh của giáo sư Đài Loan gốc Việt Hà Kim Lan về Kim Vân Kiều truyện và Đoạn trường tân thanh, trong đó một loạt lý thuyết văn học phương Tây đã được vận dụng để khảo nghiệm văn bản (text), dịch bản (translation), khả độc tính (readability), khả tả tính (scriptability), khả truyền tính (transmissibility) của hai tác phẩm
(Hà 2001)”[72, 567]. Với việc vận dụng những lý thuyết lý luận văn học của phương Tây của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc gần đây đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong so sánh Kim Vân Kiều truyện và Đoạn trường tân thanh, đặc biệt nhà nghiên cứu Nhậm Minh Hoa đã có những ý kiến rất chính đáng khi so sánh hai tác phẩm này: “Chúng tôi đưa ra những phân tích dị đồng trên đây đối với hai bộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều Trung – Việt, chẳng phải nhất định để khu biệt cao thấp, mà chỉ nhằm nhấn mạnh sự thừa tập và phát triển của chúng, và mỗi tác phẩm có phong cách thẩm mỹ, đặc sắc dân tộc riêng của nó, hy vọng những nghiên cứu so sánh hiện nay về hai tác phẩm này sửa được thiên lệch và hiệu chính, đẩy mạnh nghiên cứu so sánh tiểu thuyết và giao lưu văn hóa Trung – Việt đi vào chiều sâu”[72, 568].
Nguyễn Nam đã khảo sát qua nhiều luận án, luận văn gần đây ở nước ngoài để tái khẳng định giá trị của Truyện Kiều, đồng thời cũng chỉ ra những bất cập khi so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, bởi hai nền văn hóa, văn chương khác nhau, hai thể loại khác nhau, rõ ràng việc vay mượn cốt truyện đến những sáng tạo của Nguyễn Du là cả một quá trình lâu dài và có chọn lọc kĩ lưỡng. Trong các học giả phương Tây nghiên cứu tương đối sớm về mối quan hệ giữa hai tác phẩm có thể nói luận án tiến sỹ “Diễn biến