200 năm năm sinh Nguyễn Du(1965)
4.1. Khái quát về tự sự học
Tự sự học là chuyên ngành văn học phát triển ở Âu Mĩ mạnh mẽ từ những năm 60 của thế kỉ XX, với tên tuổi của Tezvetan Todorov, Shklovski … Để đánh giá về lịch sử hình thành và phát triển của tự sự học, nhà nghiên cứu Lê Thời Tân cho rằng:“một trong những đại biểu lớn của Cấu trúc luận Pháp mới chính thức khai sinh danh xưng Tự sự học (Narratologie - tiếng Pháp) khi xuất bản công trình Ngữ phápChuyện mười ngày. Cái mà Todorov gọi là ngữ pháp ở đây chính là kết cấu tự sự của tác phẩm. Thực ra nghiên cứu cấu trúc tự sự là một truyền thống lâu đời trong văn học phương Tây. Hoàn toàn có thể xem Thi pháp học của Aristotle là một trong những khởi đầu của truyền thống đó. Ngọn nguồn của truyền thống lí luận tự sự phương Tây có thể truy đến tận Platon và Aristotle, trong lúc khởi nguồn của tự sự học Âu-Mĩ thường được quy về ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức Nga. Thậm chí cho đến ngày nay, khi tự sự học đã đi đến giai đoạn hậu cấu trúc luận, người ta vẫn phát hiện thấy trong tác phẩm Đọc giải tự sự (Reading Narative) - một cuốn tiêu biểu cho lập trường giải cấu trúc luận của James Hillis Mille sự kết hợp giữa thao tác của chủ nghĩa hình thức và lí luận giải
cấu trúc chủ nghĩa”[55]. Tự sự học được coi như một nhánh của cấu trúc học, vị trí của tự sự học ngày càng khẳng định vị trí của mình trong tiếp cận các tác phẩm văn học, nó có khả năng bao quát và diễn giải các hoạt động giao tiếp nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Tự sự học vốn là một nhánh của thi pháp học hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng nghiên cứu cấu trúc của văn bản tự sự và các vấn đề liên quan hoặc nói cách khác là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của văn bản tự sự nhằm tìm một cách đọc” [18, 73].
Việc tiếp nhận tự sự học ở Việt Nam trở nên phổ biến trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, trước hết là việc dịch và giới thiệu lý thuyết tự sự học như Độ không của lối viết của R. Barthes do Nguyên Ngọc dịch, Thi pháp văn xuôi của Tz. Todorov do Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch, Dẫn luận về tự sự học do Lê Lưu Oanh, Nguyễn Đức Nga dịch… Bên cạnh đó các hội thảo về tự sự học cũng được tổ chức tại Đại học sư phạm Hà Nội vào các năm 2001, 2008 với nhiều tham luận được tập hợp trong cuốn Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử ( NXB Đại học sư phạm, H, 2003). Mặc dù còn nhiều cách định danh khác nhau như trần thuật học, tự thuật học nhưng nội hàm của khái niệm tương đối thống nhất, tuy còn non trẻ ở Việt Nam nhưng Tự sự học ngày một khẳng định vị trí của mình trong nghiên cứu phê bình văn học với tính hữu dụng cao.
Những vấn đề cơ bản mà tự sự học quan tâm như trần thuật học, tác giả ẩn tàng, tác giả hiển thị, vai nhân vật, người nghe, điểm nhìn, cấu trúc trần thuật, diễn ngôn truyện kể… Bản chất của tự sự học là đi sâu nghiên cứu về hình thức, khác với Phân tâm học quan tâm đến những vấn đề về con người, nhìn con người từ góc độ nhân học, văn hóa. Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng Tự sự học mới của mình, nhà nghiên cứu David Herman có cho rằng sự phát triển của tự sự học đã trải qua hai giai đoạn khác nhau với sự thay đổi về
hệ hình lý thuyết cũng như các tầng bậc nghiên cứu đó là: kinh điển và hậu kinh điển. Theo Nguyễn Thị Thanh Tâm :“Tự sự học kinh điển đặt nền móng cho những diễn giải về cấu trúc tự sự, về chủ thể lời nói, tác giả lời nói, sự kiện như là quá trình dịch chuyển của nhân vật qua các trường nghĩa, lời người kể đáng tin cậy và không đáng tin cậy, sự khác biệt của điểm nhìn và thế giới quan, điểm nhìn toàn tri hay điểm nhìn hạn tri, bản chất của các ngôi kể trong giao tiếp, sự lai ghép của các văn bản trong cấu trúc tự sự”[56]. Tự sự học kinh điển cũng có những sự quan tâm khác nhau theo từng nhóm, chẳng hạn các nhà tự sự học chịu ảnh hưởng của V. Propp thường tập trung nghiên cứu cấu trúc của truyện, đối tượng của trần thuật, quan tâm ngữ pháp của tự sự, chức năng của sự kiện, kết cấu, logich phát triển của chúng, trong đó đáng chú ý là công trình Hình thái học truyện cổ tích thần kì Nga (1928) của Propp, đó là cuốn sách mở đầu cho tự sự học cấu trúc chủ nghĩa, Propp không tán thành với lối phân loại truyện cổ tích chỉ dựa vào nhân vật, bởi nhân vật luôn có sự biến hóa do đó ông quan tâm nghiên cứu chức năng hành vi như một yếu tố bất biến. Mặc dù coi truyện kể làm đối tượng nghiên cứu nhưng chủ nghĩa cấu trúc ban đầu chỉ tập trung chú ý vào hành động, sự kiện mà không quan tâm cách kể, nhân vật và ý nghĩa của truyện, họ thường lạm dụng thuật ngữ ngữ học và có hoài bão tìm ra ngữ pháp phổ quát của truyện để phân tích truyện nhanh chóng và dễ dàng hơn, tuy nhiên điều đó rất hạn chế và dường như đã lỗi thời hoặc khủng hoảng, Todorov và Barthes đã chuyển sang nghiên cứu văn hóa và kí hiệu học. Bên cạnh đó nhóm các nhà tự sự học do G.Genette đứng đầu lại tập trung nghiên cứu sự triển khai của diễn ngôn trần thuật, tức là quan tâm đến lời kể, cách kể (diễn ngôn tự sự), tuy nhiên cũng có nhiều hạn chế bởi cùng một chuyện mà có nhiều cách kể khác nhau thành những truyện khác nhau. Sau đó G.Genette tiếp tục nghiên cứu các yếu tố như người kể, tụ điểm, giọng điệu, tần xuất… Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khẳng định: “có thể nói lí thuyết tự sự cấu trúc chủ nghĩa đã cung
cấp một hệ thống các khái niệm công cụ rất có hiệu quả để phân tích diễn ngôn tự sự và đó là một di sản vô giá để đọc hiểu văn bản tự sự. Nhược điểm của lí thuyết cấu trúc tự sự là dừng lại ở việc miêu tả các yếu tố hình thức cấu trúc tự sự trong thế tĩnh tại, khép kín, mà chưa đi sâu tìm hiểu cơ chế vận hành của tự sự học trong ngữ cảnh tiếp nhận văn hóa”[49].
Để khắc phục những hạn chế của Tự sự học kinh điển, khoảng từ sau những năm 80 của thế kỉ XX, Tự sự học hậu kinh điển ra đời không phải để phủ nhận Tự sự học kinh điển mà để bổ khuyết, làm phong phú hơn, sâu sắc hơn vào bức tranh nghiên cứu tự sự học thế giới những chỗ còn bất cập, “ nếu tự sự học kinh điển tập trung vào văn bản thì tự sự học hậu kinh điển tập trung vào ngữ cảnh. Tự sự học kinh điển chú ý ngôn ngữ, tự sự học hậu kinh điển chú ý đến lời nói. Tự sự học kinh điển hướng đến cái tĩnh, đóng kín thì tự sự học hậu kinh điển xem xét quá trình mở và động. Tự sự học kinh điển có tính thống nhất tương đối thì tự sự học hậu kinh điển hướng đến liên ngành và tiếp cận không đồng nhất” [56]. Sự vận động của Tự sự học từ Âu- Mĩ sang Nga, Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự phổ biến của Tự sự học trong những năm gần đây khi các lý thuyết cũ đã trở nên xơ cứng với các nhà phê bình văn học. Nói chung tự sự học hậu kinh điển tập trung nghiên cứu đặc trưng chung của tác phẩm tự sự, bất kể sự khác nhau về phương tiện và thể loại, bên cạnh đó cũng có khuynh hướng từ phân tích cấu trúc tự sự trừu tượng chuyển sang phân tích cấu trúc tự sự của tác phẩm cụ thể, tất nhiên nó luôn có sự giao thoa và kế thừa tự sự học kinh điển. Có thể nói Tự sự học hậu kinh điển có thái độ mở và vận dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu văn học, đồng thời trong quá trình phân tích văn bản tác phẩm đã chú ý đến độc giả và tác động của hoàn cảnh lịch sử, văn hóa xã hội, bên cạnh đó nó cũng tiếp thu một cách có ý thức phương pháp, góc độ phê bình, phân tích của những trường phái lí luận phê bình, của các nghệ thuật khác, mở rộng cách nhìn đối với tự sự học, ở một
góc độ nhất định, nó đã khắc phục được hạn chế của tự sự học kinh điển. Nói về sự phong phú của Tự sự học hiện nay, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng: “Đối tượng của tự sự học ngày nay không còn chỉ là ngữ pháp tự sự nói chung mà còn là thi pháp tự sự, phong cách học tự sự của các tác phẩm cụ thể, ngôn ngữ tự sự của các thể loại tự sự, các loại hình tự sự, mô hình tự sự của các giai đoạn phát triển văn học, sự tiếp nhận tự sự và cách tác động đến người đọc của tự sự” [49].
Điều này được các nhà nghiên cứu Việt Nam nhanh chóng tiếp thu, đặc biệt từ sau thời kỳ đổi mới họ đã muốn nhanh chóng vượt qua sự hạn hẹp của tư duy tự sự học cấu trúc từng chi phối mạnh mẽ một thời để hướng tới mô hình tự sự trong các giai đoạn khác nhau, thi pháp tự sự trong từng tác phẩm cụ thể, ngôn ngữ tự sự của các thể loại, sự tác động của người đọc đến tự sự… Ở Việt Nam trong mấy chục năm qua việc ứng dụng tự sự học được đông đảo các nhà nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn học từ văn học dân gian, văn học trong đại, văn học hiện đại và văn học nước ngoài. Trong lĩnh vực văn học trung đại tự sự học đã được các nhà nghiên cứu như Trần Đình Sử ( Về mô hình tự sự Truyện Kiều), Trần Nho Thìn, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thanh Tùng… vận dụng, họ đã góp phần phát hiện và khẳng định những giá trị mới của các tác phẩm cổ điển mà trước đó do lí luận cứng nhắc chưa phát hiện ra, trong đó đặc biệt kể đến thành tựu vận dụng tự sự học trong nghiên cứu Truyện Kiều.