Vai trò của giống lai trong sản xuất lâm nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá sinh trưởng các giống bạch đàn lai tại một số tỉnh miền bắc và bắc trung bộ (Trang 25 - 26)

Giống lai là giống được tạo ra do lai tự nhiên hay lai nhân tạo giữa các cá thể có kiểu gen khác nhau. Đặc điểm nổi bật của giống lai là thường có ưu thế lai ở đời F1, đó là ưu thế lai về sinh trưởng làm cây lai vượt trội hơn bố mẹ (Shull, 1911, Gyozfey, 1960) [43],[41] hoặc cái gì đó cao hơn bố mẹ (Snyder, 1972)[45]. Do đó, giống lai thường có năng suất cao hơn bố mẹ hoặc có thể có sự ưu trội về các tính trạng như chất lượng gỗ, sản lượng và chất lượng của một sản phẩm mong muốn, tính chống chịu sâu bệnh, tính chịu đựng với điều kiện bất lợi (Zobel B and J. Talbert, 1984)[48]. Tuy nhiên ở cây lai cũng có thể xuất hiện những tính trạng xấu nhất của loài bố mẹ (Zobel B and J. Talbert, 1984)[48]. Trong chọn giống cây rừng thì lai khác loài có ý nghĩa hơn lai trong loài vì cây rừng có đời sống dài ngày, không thể tạo ra dòng thuần trước khi lai giống nên lai giống trong loài thường không mang lại hiệu quả mong muốn mà phải dùng lai khác loài, kết hợp những bộ gen khác nhau trong một cơ thể mới để tạo ra những ưu thế lai mong muốn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của xã hội về các sản phẩm nông lâm nghiệp, thì các nhà chọn tạo giống có nhiệm vụ vừa áp dụng các biện pháp chọn lọc, vừa nghiên cứu tạo giống mới mang những tính trạng, đặc điểm con người mong muốn.

Đối với cây rừng, bên cạnh ưu thế lai thể hiện theo cả tổ hợp lai thì còn có ưu thế lai cá thể vì các bố mẹ trực tiếp tham gia lai giống thường có kiểu gen dị hợp tử (Turbin và cộng sự, 1982, dẫn từ Lê Đình Khả, 1999)[9]. Ưu thế lai cá thể thường hay gặp ở các giống lai tự nhiên, là giống lai được xuất hiện do sự kết hợp ngẫu nhiên của những bố mẹ khác nhau. Do đó, cây lai tự nhiên

4

đời F1 cũng hết sức đa dạng về các tính trạng. Đây là nguồn vật liệu khởi đầu với nhiều kiểu biến dị hết sức phong phú cho chọn giống cây rừng (Lê Đình Khả, 1999)[9].

Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng cây trồng nông lâm nghiệp trên thế giới nhờ các giống lai đã tăng nhanh. Hiện nay, hơn một nửa số giống cây trồng có năng suất cao đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp là các giống lai. Năng suất và chất lượng của rừng trồng nhờ các giống lai của Bạch đàn (Eucalyptus), Dương (Populus), Keo (Acacia)... đã được nâng cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp tốt hơn hẳn rừng tự nhiên. Có thể thấy một đặc điểm chung của các loài cây rừng nêu trên là chúng dễ nhân giống sinh dưỡng, vì vậy dễ tuyển chọn và sử dụng các cá thể có ưu thế lai ngay ở đời F1. Nhân giống sinh dưỡng là phương thức thích hợp để duy trì ưu thế lai và các tính chất khác của cây lai đời F1.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá sinh trưởng các giống bạch đàn lai tại một số tỉnh miền bắc và bắc trung bộ (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)