4.6.2.1. Giải pháp sử dụng có hiệu quả kết quả dự án và duy trì dự án
Dự án 661 được triển khai tại địa phương thực sự đã góp phần vào việc nâng cao độ che phủ rừng cũng như sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, giúp người
phục hồi được một diện tích lớn rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng, đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ cho tất cả các hoạt động. Đến nay dự án đã kết thúc, Nhà nước cũng không còn hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trồng và bảo vệ rừng của địa phương nữa. Để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được từ dự án 661, một vấn đề hết sức có ý nghĩa là phải bảo vệ được vốn rừng mà nhà nước và địa phương phải đổ rất nhiều tâm sức mới xây dựng được. Trong phạm vi nghiên cứu, đề tài đề xuất một số giải pháp chính cho việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững cho giai đoạn hậu dự án như sau:
1/. Cần thiết phải xây dựng quỹ cho quản lý rừng cộng đồng: Để duy trì tốt diện
tích rừng tự nhiên hiện có thì cần phải duy trì hình thức quản lý mà cộng đồng đã áp dụng trong những năm qua. Tuy nhiên do nguồn kinh phí của nhà nước không còn dó đó cần phải xây dựng càng sớm càng tốt quỹ quản lý rừng cộng đồng. Theo như ý kiến của các hộ được phỏng vấn thì nguồn quỹ này cũng không phải quá lớn, nó chỉ dùng để hỗ trợ cho một tổ bảo vệ (khoảng 5 người/bản) nên quỹ này có thể huy động cộng đồng đóng góp. Mặt khác chính quyền xã cũng sẽ trích một khoản nhỏ cho các thôn nếu họ thực hiện được mô hình quản lý này đồng thời lãnh đạo xã cũng sẽ kêu gọi sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác trên địa bàn… Định hướng là vậy, cách làm cũng có thể sẽ ổn nhưng vấn đề đặt ra là nó phải được làm ngay, làm sớm và chính cộng đồng phải là người chủ động trong việc này.
Đối với nhà nước, nếu có thể thì nên tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc duy trì hình thức quản lý này. Bởi vì để giữ được 1 ha rừng tự nhiên hiện có hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên trong 15 năm có thể chỉ cần 3,000,000 đồng trong khi đó để trồng và bảo vệ 1 ha rừng trồng trong vòng 15 năm cần ít nhất 15,000,000 đồng. Có thể khẳng định rằng, chi phí đầu tư để giữ 1 ha rừng tự nhiên hoặc rừng trồng hiện có thấp hơn nhiều lần so với trồng mới. Và hoạt động khoanh nuôi bảo vệ rừng có vẻ như có tính khả thi cao hơn hoặc dễ thực hiện hơn so với hoạt động trồng mới.
2/. Hoạt động phổ cập kiến thức cần được thực hiện sớm: Để các mô hình được duy trì và sinh trưởng phát triển tốt cần phải tập huấn cho các hộ trong việc phòng trừ sâu bệnh hại. Tránh để tình trạng sâu bệnh lây lan ra các mô hình khác.
3/. Tìm kiếm thị trường cho gỗ rừng trồng
- Thị trường là một trong những vấn đề mà người dân quan tâm nhất trong giai đoạn rừng chuẩn bị cho khai thác gỗ như hiện nay (rừng Keo). Vì vậy, cần triển khai ngay công tác tổ chức thực hiện quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ký hợp đồng tiêu thụ hàng hoá Nông lâm sản.
- Với thị trường sản phẩm đầu ra, việc giải quyết cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các hộ. Có thể việc tìm kiếm thị trường cũng như đàm phán về giá cả là cái gì đó còn rất xa vời với người nông dân. Do đó lãnh đạo địa phương cần quan tâm giúp đỡ người dân trong việc tìm kiếm thị trường ổn định để họ yên tâm sản xuất.
- Về phía người dân: Thói quen chờ đợi sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ của nhà nước cũng nên thay đổi trong cách suy nghĩ của đại bộ phận dân cư. Trên thực tế để những mong muốn của người dân được cụ thể hóa bằng chính sách của Nhà nước thì cần phải có thời gian nghiên cứu, áp dụng thử rồi mới đi vào cuộc sống do đó sẽ phải mất một quá trình. Vì vậy, để cải thiện cuộc sống một cách nhanh nhất thì người dân cần tự mình nỗ lực, tận dụng những cơ hội và điều kiện mà Nhà nước hỗ trợ để phát triển kinh tế. Muốn trồng loài cây nào đó người dân nên có sự tìm hiểu trước khi đưa vào sản xuất tránh gây ra tổn thất về kinh tế và thời gian.
4/ Thông thoáng trong cơ chế khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản: Các đơn vị
có chức năng quản lý, cấp phép trong vấn đề khai thác và tiêu thụ lâm sản trên địa bàn cũng nên có những cách xử lý linh hoạt và thông thoáng cho người dân trong khâu khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Có thể người dân sẽ không nắm bắt hết về luật nên các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ họ, hướng dẫn họ trong việc chuẩn bị các loại giấy tờ thủ tục cần thiết cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản, đảm bảo đúng
quy định của Nhà nước, tránh gây hiểu lầm, bức xúc trong một số bộ phận người dân.
5/. Huy động sự tham gia của Doanh nghiệp: Kêu gọi sự tham gia của Doanh
nghiệp vào việc phát triển rừng sẽ có nhiều lợi ích. Ngoài việc tiếp tục phủ xanh những diện tích đất trống thì họ còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân địa phương. Họ chủ động về nguồn vốn, có thể hỗ trợ việc mở đường lâm nghiệp nên sẽ rất thuận lợi cho người dân trong quá trình khai thác và vận chuyển lâm sản. Người dân có thêm nguồn thu nhập nên cũng sẽ hạn chế việc tác động vào tài nguyên rừng, họ cũng có cơ hội học hỏi các tiến bộ kỹ thuật qua sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên để đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tham gia thì chính quyền địa phương cần theo dõi sát sao quá trình hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương. Cần phải tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp, xem xét cách thức hoạt động của họ, loài cây họ định trồng, cơ chế hưởng lợi mà người dân được hưởng như thế nào, đối tượng đất họ mong muốn sử dụng có phù hợp hay không… Với người dân khi đã góp đất trồng rừng cũng có nghĩa bà con không còn đất sản xuất lương thực. Nếu dự án trồng rừng kém hoặc không hiệu quả, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường, trả lại số tiền theo thời gian góp đất của bà con?
4.6.2.2. Giải pháp cho thực hiện các dự án tiếp theo
1/ Đổi mới phương pháp tiếp cận trong việc xây dựng và triển khai dự án ở địa phương
Có một thực tế là đã từ lâu, chúng ta chỉ để ý đến những khiếm khuyết của cộng đồng, chỉ quan tâm đến cái cộng đồng không có để tìm kiếm nhu cầu cộng đồng, giải quyết nó cho mục tiêu phát triển. Đây là phương pháp tiếp cận truyền thống. Cách nhìn này tạo ra một hình ảnh tiêu cực và ảnh hưởng đến nhận thức tinh thần đối với cộng đồng, trong khi điều này chỉ là một phần của sự thật trong thực tế. Cách nhìn nhận này về phát triển cộng đồng đã dẫn tới việc xây dựng “bản đồ nhu cầu”. Và hoạt động mà chúng ta vẫn thường thực hiện giai đoạn tiền dự án đó là
“Khảo sát nhu cầu của cộng đồng”. Giới hạn của cách tiếp cận này là nó khó mà xây dựng được cộng đồng, vì người dân thường tự xem mình là “đối tượng thụ hưởng” hơn là một thành viên, một bộ phận sản xuất trong quá trình phát triển. Cây vấn đề thường diễn giải những vấn đề trong cộng đồng cần được giải quyết như thế nào, và những thành viên của cộng đồng có thể làm gì đối với vấn đế này. Như vậy đương nhiên người dân sẽ không hoạt động như là một công dân của cộng đồng, một chủ thể; mà là một khách hàng, một đối tượng hay là một người tiêu thụ các dịch vụ của quá trình phát triển. Việc xây dựng cây vấn đề có thể tạo ra một “bức tường nhu cầu”, do không phải được xây dựng trên sự quyết tâm để phát triển cộng đồng, mà là nhu cầu được giúp đỡ.
Tuy nhiên trên thực tế ngoài những khiếm khuyết, thiếu thốn, mỗi cá nhân nói riêng và mỗi cộng đồng nói chung đều có những mặt mạnh riêng, và để giải quyết mục tiêu phát triển thì cần phải nhìn thấy những thế mạnh và ưu điểm đó, phát huy sức sáng tạo cộng đồng, theo một cách tiếp cận Phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản (Asset Based Community Development). Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là cách tiếp cận nhắm vào năng lực, có khả năng hay chắc chắn tăng năng lực cho cộng đồng, thúc đẩy người dân tạo ra sự thay đổi đầy ý nghĩa và tích cực từ bên trong cộng đồng. Thay vì nhắm vào nhu cầu của cộng đồng, mặt thiếu sót, khiếm khuyết và vấn đề, cách tiếp cận “Phát triển cộng đồng dựa vào gây dựng tài sản” giúp họ (cộng đồng) trở nên mạnh mẽ hơn và tự lực tự cường hơn qua khám phá, liệt kê, nhận dạng (sắp đặt) và huy động tất cả các nguồn lực tại chỗ của họ. Những nguồn lực cộng đồng bao gồm: Kỹ năng của người dân địa phương; Quyền lực của các cơ quan đoàn thể, các hội tại địa phương; Những nguồn tài nguyên của các tổ chức công, cá nhân; Những nguồn tài nguyên vật chất và kinh tế tại địa phương…
Cách tiếp cận dựa trên những tài sản sẵn có tại chỗ, không cho rằng việc đưa những nguồn lực từ bên ngoài vào là không cần thiết. Vấn đề là nguồn lực bên ngoài đó sẽ chỉ được sử dụng hiệu quả hơn nếu các nguồn lực tại chỗ được huy
động, sử dụng triệt để và nếu cộng đồng xác định được một kế hoạch hành động rõ ràng.
2/ Việc giao đất, giao rừng tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm ổn định lâu dài quyền sử dụng đất cho các tổ chức hộ gia đình và cá nhân, xác định rõ quyền làm chủ và lợi ích thực sự của người sử dụng đất, của các chủ rừng.
3/ Định hướng hoặc xác định thị trường cho các loại hình sản phẩm của dự án
Một điểm yếu mà phần lớn các dự án phát triển cũng như các dự án trồng rừng khác ở các tỉnh miền núi phía bắc đã không làm được hoặc có làm thì cũng không đến nơi đó là vấn đề định hướng hoặc xác định thị trường cho các loại sản phẩm đầu ra trong đó có lâm sản. Do đó sản phẩm sau khi sản xuất ra không có chỗ đứng trên thị trường, người dân không biết bán ở đâu, bán cho ai… do đó bị thương lái ép giá, được mùa thì rẻ, mất mùa lại không có để bán. Tình trạng đua nhau trồng một loài cây nào đó khi nó được giá và lại thi nhau phá để trồng cây khác khi nó mất giá là một thực tế diễn ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Sẽ là không ảnh hưởng quá lớn nếu đó là các sản phẩm của các cây trồng ngắn ngày nhưng đối với các hoạt động sản xuất lâm nghiệp thì là một vấn đề lớn cần phải trăn trở do chu kỳ kinh doanh thường kéo dài. Do đó sẽ thực sự là mạo hiểm nếu người nông dân đầu tư lớn vào sản xuất lâm nghiệp mà không xác định được đầu ra như thế nào. Bởi trên thực tế, vốn đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp cũng không nhỏ, người dân sống gần rừng, có đời sống và sản xuất gắn liền với đất rừng, cộng với nhiều điều kiện khó khăn khác sẽ không có đủ vốn.
4/ Lựa chọn loài cây trồng phù hợp, đáp ứng được nhiều tiêu chí: Áp lực của việc
tăng độ che phủ rừng đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế. Một số loài cây lựa chọn thường là mọc nhanh nhưng ít có giá trị kinh tế, không đáp ứng được mong đợi của người dân, hoặc không phù hợp điều kiện địa phương, không phải là những thứ thị trường đang cần hoặc không ổn định. Do đó để phát triển rừng một cách bền vững cần hài hòa về mục tiêu của các bên tham gia.
4/ Cụ thể hóa chính sách trồng rừng
Tiếp tục đổi mới bổ sung và hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích được nhiều người ở nhiều thành phần kinh tế khác nhau vào đầu tư trồng rừng, hình thành nhiều loại chủ rừng thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc trồng rừng thành công hay thất bại không chỉ dừng lại ở việc mở cửa đón doanh nghiệp vào trồng rừng. Bởi thực tế, tỉnh Điện Biên đã và đang làm. Minh chứng cho điều đó là, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký cấp phép trồng rừng; song đến nay chỉ 10 doanh nghiệp được cấp phép và vấn đề đáng lưu tâm hơn cả là dù đã được cấp phép, song trong số ấy chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Lâm Biên đã trồng rừng tại xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ (huyện Mường Chà) với hơn 300ha keo tai tượng, trẩu. Những doanh nghiệp còn lại như: Công ty trồng rừng Việt Tây Bắc, Công ty D & J... cũng chỉ mới dừng lại ở việc nhận được giấy cấp phép và nhiều mùa trồng rừng trôi qua vẫn chưa thực hiện. Tâm lý của các doanh nghiệp đều muốn sở hữu một diện tích đất nào đó cho riêng mình để chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh chứ không dừng lại ở việc kinh doanh theo mô hình liên kết. Bởi theo Nghị định 163/CP về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp thì diện tích rừng được giao cho người dân. Do đó, có liên kết trồng rừng hay không do người dân quyết chứ không phải chỉ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong khi đó, để trồng rừng sản xuất, doanh nghiệp cần diện tích đất liền vùng, liền khoảnh tạo vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, chứ không thể trồng rừng theo hình thức manh mún. Nếu người dân chưa đồng thuận trong việc trồng rừng thì, trồng theo mô hình gì đi chăng nữa cũng sẽ gặp khó. Đó là chưa kể, nếu so sánh các dự án trồng rừng sản xuất với dự án trồng cây cao su thì thấy rất rõ những bất cập hiện thấy. Bởi khi mời gọi doanh nghiệp vào trồng rừng sản xuất, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có chế tài, quy định cụ thể hóa những chính sách để doanh nghiệp trồng rừng. Trong khi dự án phát triển cây cao su không chỉ lợi thế hơn về chính sách thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư rõ ràng, mà người dân còn được gắn quyền lợi trách nhiệm cụ thể của mình với dự án, như: được trồng xen cây lương
bón, công trồng, chăm sóc, bảo vệ... Và như vậy, xét về lợi ích người dân có thể dễ thấy nhất, thì làm gì được lợi thì họ làm và đó cũng là điều đương nhiên.
Rừng phòng hộ cũng có khả năng sản xuất gỗ và các lâm sản, vì vậy cần đầu tư thâm canh ở mức độ phù hợp. Không nên quá cứng nhắc trong việc qui định trồng rừng cây bản địa, vì khó thành công. Chỉ trồng các loài cây bản địa mọc tương đối nhanh và nắm vững kỹ thuật bảo đảm gây trồng thành công.
5/ Cần thay đổi cách quản lý, quan điểm và thái độ trong công việc
Sẽ không phải bàn nhiều về cách thức tổ chức, quản lý và thái độ làm việc của những cán bộ ở các doanh nghiệp làm nghề rừng bởi họ luôn xác định được quyền lợi luôn gắn với trách nhiệm của họ trong công việc. Tuy nhiên với phần lớn các dự án, chương trình phát triển kinh tế nói chung, các dự án, chương trình về trồng rừng nói riêng của nhà nước cần xem xét lại cách thức quản lý, tổ chức cũng