Để có thể tiếp thu tốt nhất kiến thức bài học mới, HS phải xem bài mới ở nhà. Điều này càng trở nên thiết thực hơn khi HS học phần LLVH. Bởi lẽ ở phân môn Văn, LLVH là kiến thức nền tảng, căn bản. Mặt khác, LLVH rất trừu tượng, khó hiểu. Thời gian thực hiện cho một đơn vị kiến thức không nhiều. Đảm bảo được yêu cầu cần đạt về nội dung và sự hiểu biết, vận dụng của HS là việc khó của GV. Vì vậy trước mỗi bài học, GV cần hướng dẫn HS học bài bằng hệ thống câu hỏi hợp lí, vừa sức, khoa học và đưa danh sách bài đọc tham khảo. Hệ thống câu hỏi GV có thể lấy từ phần hướng dẫn học bài hoặc căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặt ra câu hỏi hoặc vấn đề thảo luận phù hợp.
Ví như các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của bài “Nội dung và hình
thức của văn bản văn học” ở chương trình SGK lớp 10 (Bộ cơ bản) như sau: “1. Đề tài là gì? Cho ví dụ?
2. Chủ đề là gì? Cho ví dụ?
3. Nêu ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học.”[33, tr.127].
Dựa vào nội dung bài học, ta thấy các khái niệm, các tri thức về ngôn từ, kết cấu, thể loại, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của VBVH chưa được đề cập đến. Như vậy sẽ rất khó đạt được mục tiêu bài học đề ra là giúp HS: “hiểu
và bước đầu biết vận dụng các khái niệm thuộc nội dung và hình thức để tìm hiểu văn bản văn học”[33, tr.127]. Để giúp HS chiếm lĩnh hiệu quả các khái niệm,
các tri thức trong bài học phần LLVH, chúng ta nên định hướng theo các hình thức sau:
Phát phiếu học tập dưới dạng câu hỏi với mục đích định hướng chuẩn bị bài mới cho các em để HS tự nghiên cứu và chiếm lĩnh tri thức. Câu hỏi ở đây phải tạo ra được hệ thống những tình huống, có khả năng kích thích hứng thú, phát huy hết tính năng động, sáng tạo đi khám phá, chiếm lĩnh tri thức đối với HS. Câu hỏi hướng dẫn học bài ở đây phải hướng vào các khái niệm, các tri thức lí luận có trong bài học. Câu hỏi phải định hướng được nguồn tư liệu về tri thức cần hình thành. Câu hỏi phải có tác dụng kích thích tinh thần tự học của HS.
Ví dụ: Dạy học bài “Nội dung và hình thức của văn bản văn học”, GV có thể đặt câu hỏi định hướng bài học như sau:
1. Bài “Nội dung và hình thức của văn bản văn học” đề cập đến những khái niệm lí luận nào?
2. Dựa vào SGK và hiểu biết của mình, em hãy nêu cách hiểu về các khái niệm này? Cho ví dụ và phân tích minh họa?
3. Em hãy sơ đồ hóa các khái niệm thuộc về nội dung và hình thức của văn bản văn học?
SGK là tài liệu quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động dạy và học. Vì vậy hướng dẫn HS đọc SGK cũng là một việc làm cần thiết trong dạy học phần LLVH. Đọc SGK trước hết gạch chân những từ, những cụm từ có tính khái quát, khó, những câu văn quan trọng được sách nêu ra. Từ đó, chúng ta liên tưởng, tưởng tượng xem cần huy động vốn tri thức nào của bản thân để giải quyết vấn đề đặt ra. Khi đến lớp, cùng với sự định hướng của GV và qua quá trình thảo luận, tranh luận cùng với các bạn, các em sẽ dễ dàng chiếm lĩnh tri thức của bài học.
Hướng dẫn HS đọc SGK, xem trước bài học, ghi lại những chỗ chưa hiểu, những chỗ còn vướng mắc rồi đến lớp nêu ra trong giờ học để thầy hoặc các bạn
giải quyết. Trong quá trình dạy học, GV phải lưu ý phát hiện ra những vướng mắc, những chỗ chưa hiểu của HS để hướng dẫn các em chiếm lĩnh tri thức.
Để làm sáng tỏ các tri thức LLVH, GV có thể lấy ví dụ thông qua các TPVC, ngược lại, việc nắm vững các tri thức LLVH lại giúp HS chiếm lĩnh TPVC dễ dàng hơn. Khi đọc - hiểu TPVC, không phải TPVC nào HS cũng có thể tiếp cận nó một cách dễ dàng. Khi gặp phải những vướng mắc, HS có thể ghi lại để đến lớp cùng trao đổi và được sự giải đáp của GV. Ví như đối với một TPVC có từ cổ, từ Hán Việt, ngoài yêu cầu HS đọc kĩ phần chú giải trong SGK, GV trợ giúp các em làm sáng tỏ. Giải thích, phân tích kĩ các ngôn từ (vượt qua tầng ngôn từ) nhất là từ Việt cổ và từ Hán Việt, chính là cách làm rất hữu hiệu rút gần khoảng cách thẩm mỹ của TPVC với HS phổ thông.
Ví dụ trong bài “Cảnh ngày hè” - Nguyễn Trãi, có câu thơ “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ” thì từ cổ ở đây là thức. GV cần phải giải thích rõ cho HS
ý nghĩa của từ này thì HS mới có thể hiểu được ý nghĩa của cả câu thơ. Thức:
màu vẻ, dáng vẻ. Ý cả câu thơ là: cây thạch lựu ở hiên nhà đang phun màu đỏ. Hay từ “dắng dỏi” cũng là từ cổ nghĩa là: inh ỏi.
Hay trong bài “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” - Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, để có thể hiểu được các câu thơ:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen. Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng? Đèn có biết dường bằng chẳng biết, Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi. Buồn rầu nói chẳng nên lời,
GV yêu cầu HS đọc kĩ phần chú thích trong SGK: - Rủ: buông xuống.
- Thác: cuốn lên.
- Rủ thác đòi phen: buông xuống cuốn lên nhiều lần.
- Thước: chim khách, được gọi là loài chim báo tin lành - có khách đến, người ta đi xa trở về.
- Hoa đèn: đầu bấc đèn dầu đã cháy thành than nhưng lại được ngọn lửa nung đỏ lên trông như hoa.
Sau đó rút ra nội dung ý nghĩa của tám câu thơ đầu: Hình ảnh người chinh phụ “thầm gieo từng bước” ngoài hiên vắng và suốt năm canh ngồi một mình bên ngọn đèn, không biết san sẻ nỗi niềm tâm sự cùng ai đã miêu tả được tâm trạng cô đơn tột độ của người chinh phụ. Giữa không gian tịch mịch, tiếng bước chân như gieo vào lòng người âm thanh lẻ loi, cô độc. Nỗi nhớ nhung sầu muộn và khắc khoải mong chờ khiến bước chân người chinh phụ trở nên nặng trĩu. Nàng bồn chồn đứng ngồi không yên, hết buông rèm xuống rồi lại cuốn rèm lên, sốt ruột mong một tiếng chim thước báo tin vui mà chẳng thấy. Nàng khát khao có người đồng cảm và chia sẻ tâm tình. Không gian im ắng, chỉ có ngọn đèn đối diện với nàng. Lúc đầu, nàng tưởng như ngọn đèn biết tâm sự với mình, nhưng rồi lại nghĩ: Đèn có biết dường bằng chẳng biết, bởi nó là vật vô tri vô giác. Nhìn ngọn đèn suốt năm canh, dầu đã cạn, bấc đã tàn, nàng chợt liên tưởng đến tình cảnh của mình và trong lòng rưng rưng nỗi thương thân tủi phận: Hoa đèn kia
với bóng người khá thương! Tất cả đều đặc tả cảm giác cô đơn của người chinh
phụ. Đó là cảm giác lúc nào và ở đâu cũng thấy lẻ loi: ban ngày, ban đêm, ngoài phòng, trong phòng. Nỗi cô đơn tràn ngập không gian và kéo dài vô tận theo thời gian luôn đeo đẳng, ám ảnh nàng.
Đối với bài dùng nhiều điển cố, điển tích, GV cho HS tự tìm hiểu, chú giải nghĩa đen của điển tích, điển cố. Sau đó chú giải, phân tích để thấy được ngụ ý của nhà thơ khi sử dụng các điển tích, điển cố đó và đi đến hiểu ý nghĩa của câu thơ, bài thơ.
Ví dụ: Câu thơ “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” trong bài thơ Thuật
hoài của Phạm Ngũ Lão. Vũ Hầu tức Gia Cát Lượng (Khổng Minh) thời Tam
quốc. Một người nổi tiếng về trí tuệ, có nhiều công lao giúp Lưu Bị dựng lên nhà Thục. Ông được phong tước Vũ Hầu Lượng. Ở đây, nhà thơ không thấy mình tài năng, mưu trí như Khổng Minh để hoàn thành sứ mạng đối với đất nước. Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Nguyễn Khuyến trong bài Vịnh mùa thu từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ đến Đào Tiềm - một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Đây là cái thẹn cao cả của Phạm Ngũ Lão - nỗi thẹn đó vừa có giá trị nhân cách, vừa cao cả, lớn lao.
Rõ ràng, biện pháp này HS chưa thể lĩnh hội được thấu đáo các tri thức của bài học nhưng nhờ đó mà tính chủ động, tích cực của các em có điều kiện được nảy sinh và phát huy. Hơn nữa, bài học phần LLVH thường dài, tri thức lại mang tính khái quát, trừu tượng cao do vậy GV định hướng để HS biết cách tự học sẽ giúp các em có việc lấy dẫn chứng, phân tích ở những TPVC cụ thể để làm cho bài học thêm sinh động và đạt hiệu quả cao.