Các kết quả phân tích bên trên đã chỉ ra mức độ tác động của cháy rừng đến khu vực nghiên cứu. Số liệu điều tra cho thấy cháy rừng gây suy giảm nghiêm trọng về thành phần, cấu trúc các loài thực vật, gây biến động thành phần và số lượng các loài sinh vật đất. Cháy rừng cũng làm gia tăng đáng kể về độ PH và hàm lượng các chất dễ tiêu trong đất rừng. Tuy nhiên các số liệu điều tra cũng cho thấy rừng bị cháy đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt, vì vậy nghiên cứu đánh giá khả năng phục hồi rừng sau cháy là việc làm hết sức cần thiết để có những nhận định chính xác về khả năng phục hồi của rừng, đồng thời cũng là cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm xúc tiến quá trình phục hồi rừng một cách nhanh nhất và hiệu quả.
Để đánh giá khả năng phục hồi rừng sau cháy ở VQG Hoàng Liên, đề tài tập trung tiến hành điều tra mức độ phục hồi của thảm thực vật rừng, so sánh sự thay đổi về tính chất vật lý, hóa học của đất, sự biến động về thành phần và số lượng của các loài sinh vật đất ở hai mốc thời gian là 6 tháng và 18 tháng sau cháy. Kết quả thu được đem phân tích và so sánh với số liệu ở các trạng thái rừng đối chứng tương đương.
Qua hai đợt điều tra thu thập số liệu, các kết quả so sánh về đặc điểm tầng cây cao bao gồm cấu trúc tổ thành, cấu trúc tầng tán, mật độ cũng như độ tàn che cho thấy không có sự khác biệt giữa các chỉ tiêu này ở tất cả các trạng thái rừng trên hai hiện trạng. Vì vậy trong đánh giá khả năng phục hồi của rừng sau cháy, đề tài không phân tích các đặc điểm phục hồi của tầng cây cao.