1.2.2.1. BNP và NT-proBNP
BNP được tìm ra từ năm 1988. BNP và NT-proBNP được sinh ra do sự căng giãn quá mức của tế bào cơ tim. Chính vì vậy mà nồng độ BNP và NT-proBNP thường tăng ở bệnh nhân suy tim cấp tính và mạn tính, và mức tăng nồng độ BNP và NT-proBNP tỷ lệ thuận với mức độ suy tim, do đó có vai trò quan trọng trong tiên lượng suy tim [18], [20], [27]. Tuy nhiên đến năm 2002, sau khi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận giá trị của xét nghiệm NT-proBNP thì nó nhanh chóng thu hút được sự
quan tâm của các bác sỹ lâm sàng và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng NT-proBNP là yếu tố tiên lượng độc lập ở bệnh nhân suy tim mạn [23], [28], [47].
* Nghiên cứu COPERNICUS (Carvedilol Prospective Randominezed Cumunative Servival) đã chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong sau một năm ở nhóm bệnh nhân suy tim mạn có nồng độ NT-proBNP trên mức trung bình (1767 pg/ml) gấp 3 lần so với nhóm có nồng độ NT-proBNP nhỏ hơn mức trung bình [31]. * Theo Masson Serge và Latini Roberto, tỷ lệ tử vong tăng rõ rệt ở những bệnh nhân suy tim mạn có nồng độ NT-proBNP > 1000 ng/l [41].
* Schou Morten và cộng sự nghiên cứu trên 345 bệnh nhân suy tim mạn theo dõi trung bình 28 tháng cho thấy những bệnh nhân có nồng độ NT- proBNP máu trên mức trung bình (1381 pg/ml) thì có nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 (1,4- 4,1) lần và tăng nguy cơ nằm viện tới 1,71 (1,24- 2,36) lần [55]. * Theo Rthenberge và cộng sự, bệnh nhân suy tim mạn có nồng độ NT- proBNP máu > 5000 pg/ml thì tỷ lệ tử vong hằng năm khoảng 28,4% [53].
1.2.2.2. Troponin T
Troponin là phức hợp protein có tác dụng tham gia điều hòa sự co cơ
gồm 3 tiểu đơn vị TnI, TnT, TnC, trong đó TnT đặc hiệu cho cơ tim có liên quan trực tiếp tới mức độ hoại tử của cơ tim, đang được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng trong việc chẩn đoán và tiên lượng nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng việc tăng nồng độ Troponin trong máu làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố
tim mạch đặc biệt là nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy tim mạn [11], [36]. * Theo Eduardo R. Perna và cộng sự cho rằng tăng mức độ hoại tử cơ
tim là yếu tố tiên lượng xấu cho bệnh nhân suy tim mạn, qua đó khẳng định vai trò của cTnT trong việc nhận diện những bệnh nhân nguy cơ cao [48].
* Nghiên cứu của Stanton, Eric B và cộng sự trên 211 bệnh nhân suy tim mạn NYHA III, IV theo dõi trong 1 tháng đã cho thấy những bệnh nhân có tăng TnI sẽ tăng nguy cơ tử vong (OR: 2.608; [95% CI: 1,061 đến 6,409]; p = 0.037) [56].
* Nghiên cứu của Miller, Wayne L và cộng sự trên 150 bệnh nhân suy tim mạn NYHA III, IV theo dõi trong 2 năm cho thấy trong 53 trường hợp có nồng độ TnT liên tục duy trì < 0,01 ng/ml thì chỉ có 11% trường hợp xuất hiện biến cố tim mạch, trong 57 trường hợp có tăng TnT nhưng không liên tục thì có 19% xuất hiện biến cố tim mạch, trong 40 trường hợp có nồng độ TnT tăng duy trị liên tục thì có tới 33% xuất hiện các biến cố tim mạch với (OR: 3.77; [95% CI: 1,28 đến 11,07]; p = 0.02) [44].
- Ngoài ra một số yếu tố sinh hóa khác cũng có vai trò trong tiên lượng suy tim như C-Reactive Protein (CRP), Tumour Necrosis Factor (TNF), Interleukin 6 (IL-6) [3], [26], [33], [43], [46], [51], [58].