Trong nghiên của chúng tôi, nồng độ hs-CRP máu tăng dần theo thời gian so với thời điểm nhập viện ở nhóm bệnh nhân NMCT có ST chênh lên và nhóm bệnh nhân NMCT không có ST chênh. Với nhóm bệnh nhân ĐTNKÔĐ nồng độ hs-CRP tại thời điểm 12 giờ và 48 giờ không tăng so với thời điểm nhập viện (Bảng 3.5). Tăng nồng độ hs-CRP máu sau NMCT đã được báo cáo trong nhiều nghiên cứu trước đây.
Kennon và cộng sự tìm hiểu nồng độ của hs-CRP ở bệnh nhân HCMVC không ST chênh lên tại thời điểm nhập viện, sau 12 giờ, sau 24 giờ và sau 48 giờ. Kết quả ở nhóm bệnh nhân không sử dụng aspirin trước khi triệu chứng khởi phát: nồng độ hs-CRP máu theo thời gian ở bệnh nhân HCMVC không ST chênh lên với các giá trị tương ứng là: 4,5 mg/L; 4,72 mg/L; 7,79 mg/L và 9,99 mg/L; ở nhóm bệnh nhân có sử dụng aspirin trước khi triệu chứng khởi phát, các giá trị tương ứng là: 4,25 mg/L; 5,33 mg/L; 5,96 mg/L và 7,38 mg/L. Nồng độ hs-CRP tăng lên có ý nghĩa thống kê ở cả hai nhóm [Simon Kennon, MB,
MRCP et al (2001) “The effect of aspirin on C-reactive protein as a marker of risk unstable angina” J Am Coll Cardiol, 2001; 37: 1266-1270].
Brunetti thấy nồng độ hs-CRP tăng lên có ý nghĩa thống kê ở cả hai nhóm NMCT có sóng Q và NMCT không có sóng Q [67].
Tương tự, theo Cusack và cộng sự nồng độ hs-CRP máu ở bệnh nhân HCMVC tăng dần từ thời điểm nhập viện đến thời điểm 48 giờ sau nhập viện và trở về giá trị thực sau 7 ngày [Michael R. Cusack et al (2002) “Systemic inflammation in unstable angina is the result of myocardial necrosis” J Am Coll Cardiol 2002 Jun 19; 39(12): 1917-1923].
Trần Thị Kim Thanh trong nghiên cứu “Khảo sát nồng độ hs-CRP trong nhồi máu cơ tim cấp” nồng độ hs-CRP ở thời diểm nhập viện, sau 48 giờ và sau 7 ngày lần lượt là: 8,96 ± 8,31 mg/L, 33,12 ± 23,26 mg/L và 17,56 ± 14,27 mg/L [14].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ hs-CRP máu của nhóm bệnh nhân NMCT có ST chênh và NMCT không ST chênh tăng cao hơn 3 – 6 lần so với nhóm bệnh nhân ĐTNKÔĐ. Sự tăng cao của nồng độ hs-CRP máu duy trì từ thời điểm nhập viện kéo dài cho tới thời điểm 48 giờ sau nhập viện (Bảng 3.5).
Brunetti cũng báo cáo có sự tăng cao gấp 3 – 4 lần nồng độ hs-CRP máu ở nhóm bệnh nhân NMCT có sóng Q so với nhóm bệnh nhân ĐTNKÔĐ khi xét nghiệm kiểm tra 6 giờ một lần trong thời gian theo dõi 96 giờ [67].
Với nhóm bệnh nhân ĐTNKÔĐ, trong nghiên cứu của chúng tôi có sự giảm nhẹ nồng độ hs-CRP ở thời điểm 24 giờ so với thời điểm nhập viện, tương tự kết quả nghiên cứu của [Zebrack JS et al (2002) “Usefulness of high – sensitivity C-reactive protein in predicting long-termrisk of death or AMI in patient with unstable or stable angina pectoris or AMI” Am J Cardiol 2002 Jan 15; 89(2): 145-149] và Brunetti [67].
Như vậy, nồng độ hs-CRP máu tăng sau NMCT là rõ ràng và tình trạng tăng protein phản ứng viêm này có thể liên quan tới mức độ hoại tử cơ tim và mức độ tổn thương mạch vành.