Giọng điệu nghệ thuật trong thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 60 - 61)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ

Thơ trữ tình chủ yếu được nói đến như một bản tự thuật tâm trạng cả chủ thể và khách thể. Nhà nghiên cứu M.B.Khravchenko đã từng khẳng định: "Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó". Giọng điệu là một thành tố không thể thiếu được trong việc xây dựng và triển khai tư tưởng, xúc cảm của nhà thơ.

Trong thơ trữ tình, chủ thể phát ngôn thường xuất hiện ở ba tư thế chính: hoặc trực tiếp, hoặc thông qua nhân vật trữ tình, hoặc ẩn sau cách miêu tả, tái hiện. Giọng điệu của chủ thể được thể hiện qua lời văn nghệ thuật và cách tổ chức ngữ liệu trong tác phẩm, ở cách tạo dáng câu thơ, ở các xây dựng và tổ chức nhạc điệu, nhịp điệu, qua các môtip và hình tượng. Giọng điệu nhà thơ còn bắt đầu từ cảm hứng, cốt lõi của cảm hứng là tư tưởng, là thái độ yêu ghét.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thể loại qua từng chặng đường thơ, chúng ta thấy rằng giọng điệu trong thơ cũng trở nên phong phú và đa dạng hơn nhiều. Mạch đập cuộc sống, xúc cảm nhà thơ, cấu tứ, thể loại và cuối cùng là giọng điệu, đó là kết quả của quá trình khởi nguồn, bắt nhịp và thể hiện.

PGS.TS. Lê Lưu Oanh cho rằng: “Hiện tượng nổi bật nhất trong thơ hôm nay là hiện tượng giọng điệu. Giọng điệu vốn là một trong những hình thức bộc lộ chủ quan rõ rệt. Giọng điệu là âm hưởng chung trong cách cảm, cách nhìn, màu sắc cảm xúc. Kiểu tiếp xúc thế giới là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của tác giả thể hiện trong lời văn tạo nên một giọng nói mang tính phong cách”.

Ngày nay, bên cạnh các thể thơ truyền thống, thơ tự do đặc biệt nở rộ, giọng điệu trong thơ càng đa dạng hơn, gần âm hưởng đời thường hơn. Mặt khác, cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những quan niệm thẩm mỹ khác nhau cũng quy định những giọng điệu khác nhau. Chúng ta hy vọng hồn dân tộc, cội nguồn gốc rễ sâu xa sẽ thổi bùng những mạch ngầm sáng tạo mới để người đọc chúng ta có được những vần thơ rất người, rất đời và điều quan trọng hơn hết là có ích cho cuộc đời này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)