Khái niệm cảm hứng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 29 - 30)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Khái niệm cảm hứng

Lao động nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ văn nói riêng thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần theo phương thức cá nhân, đơn lẻ. Sản phẩm của nó cũng mang tính cá thể chứ không phải là sản phẩm tập thể được làm ra hàng loạt giống như trong trong sản xuất vật chất. Trong sáng tạo nghệ thuật, cảm hứng giữ một vai trò quan trọng. Mỗi nhà văn đều có cách sáng tạo khác nhau để tạo ra sản phẩm nghệ thuật cho riêng mình, nhưng dù có theo cách nào thì ở họ đều có một điểm giống nhau, đó là phải dạt dào cảm hứng - cảm hứng nghệ thuật. Cảm hứng chính là một dạng thức tình cảm xã hội đã được ý thức, là sự rung động của tâm hồn nhà văn trước cuộc đời; mặt khác, cảm hứng là điều kiện không thể thiếu, là linh hồn của tác phẩm, góp phần làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm. Có thể nói, nếu không có cảm hứng thì không thể có văn chương theo nghĩa đích thực của nó. Điều này cũng không có gì lạ, bởi chuyện văn chương là chuyện tình cảm (tình cảm nghệ thuật); nhà văn không thể sáng tác khi trong lòng họ đã nguội lạnh: "Sáng tác nghệ thuật không thể không có cảm hứng. Viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã thực sự tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm hồn bằng lặng, vô vị, miễn cưỡng" [41].

Vậy cảm hứng là gì? Từ điển Larousse (của Pháp) gọi cảm hứng là nhiệt tình sáng tạo (enthousiasme créateur). Từ điển Khang Hy (Trung Quốc) thì nói "hứng" là cảm xúc trước sự vật mà phát ra. Sự thực thì cảm hứng chính là thời điểm mà sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ, lên men sáng tạo. Đó là thời điểm mà ngọn lửa kỳ diệu của thơ ca bùng cháy khiến nghệ sĩ không thể không nói ra bằng lời. Còn theo V.Biê-lin-xky, cảm hứng là: "Trạng thái phấn chấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà

họ miêu tả", là "sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi lên bởi một tư tưởng nào đó" và "cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về một tư tưởng nào đó trở thành lòng say mê đối với tư tưởng đó, trở thành năng lượng và thành khát vọng nồng nhiệt" [41]. Ở Việt Nam, từ thế kỷ XVII, Nguyễn Quýnh đã khẳng định: "Người làm thơ không thể không có cảm hứng, cũng như tạo hóa thể không có gió vậy... Tâm người ta như chuông, như trống, hứng như chày và dùi. Hai thứ đó gõ, đánh vào chuông, trống, khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ" [41, tr.103]. Gần đây, các nhà lí luận văn học định nghĩa: "Cảm hứng là một trạng thái căng thẳng nhưng say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hòa, kết tinh, sẽ chảy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết" [41]. Nhóm tác giả Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa cảm hứng chủ đạo là: "Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận" [13].

Như vậy, về khái niệm và vai trò của cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật, nhìn chung các nhà mỹ học, lí luận văn học đều có những điểm tương đồng khi đều nhìn nhận cảm hứng là sự xúc động thăng hoa, bao trùm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, rộng hơn là toàn bộ sáng tác của nhà văn. Không có cảm hứng thì tác giả không sáng tạo được tác phẩm, và tác phẩm cũng sẽ không tìm được đến sự đồng điệu của bạn đọc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)