Cảm hứng trong thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 30 - 32)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Cảm hứng trong thơ

Cảm hứng không phải là độc quyền của nghệ thuật. Hầu như tất cả các hoạt động của con người đều cần đến cảm hứng và đều có cảm hứng (nói đúng hơn là hứng thú nghề nghiệp). Nhưng đó là cảm hứng thông thường chứ chưa phải cảm hứng nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Phương Lựu phân biệt: "Cảm hứng có thế có trong tất cả các ngành sản xuất khi mà con người lao động hoàn toàn tự nguyện theo những mục đích hoàn toàn phù hợp với lí tưởng và khả năng

của mình. Nhưng khác với thành phẩm của tất cả các ngành lao động khác, tác phẩm văn học nghệ thuật còn chứa đựng tình cảm chủ quan của chủ thể sáng tạo" [41, tr.209]. Cảm hứng trong các ngành lao động khác sẽ tan biến khi sản phẩm đã xong xuôi, còn trong sáng tạo nghệ thuật, cảm hứng vẫn được bảo lưu và chuyển hóa vào tác phẩm.

Tuy nhiên, không phải hễ có cảm hứng tuôn trào thì tất sẽ có nghệ thuật, điều này còn tùy thuộc vào năng lực chuyển hóa cảm hứng thành hình tượng của người nghệ sĩ. Nhà thơ Xuân Diệu viết: "Khi tôi nói xúc cảm, tôi không chỉ nói rung động về tình cảm mà thôi, bởi vì người ta có thể rung động rất nhiều, thiết tha, chân thành đến ứa lệ, nhưng ra nước mắt chưa hẳn đã ra thơ. Khi tôi nói xúc cảm là rung động về vần điệu, hình tượng, âm thanh, một hứng thú sáng tạo vậy" [36, tr.123 -124]. Có điều, không ai có thể phủ nhận được sự khởi phát ban đầu trong sáng tạo nghệ thuật vẫn là cảm hứng.

Cảm hứng trong thơ là kết quả của quá trình lao động trí tuệ kết hợp nhuần nhuyễn với tình cảm. Người sáng tác thơ văn cũng lao động, lao động trong trạng thái dạt dào cảm hứng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tài năng bẩm sinh của nhà văn. Cho nên, ở đây cần nhìn nhận trên hai phương diện khách quan và chủ quan. Cảm hứng nghệ thuật được hình thành, một mặt do "thiên phú" (chủ quan); mặt khác, do có sự tác động của thế giới khách quan vào trí não con người. Sáng tạo nghệ thuật là sáng tạo tinh thần, hình tượng nghệ thuật cũng được hiểu như "một khách thể tinh thần đặc thù".

Do cảm hứng được hình thành từ những yếu tố khách quan và chủ quan như vậy, nên thực tiễn cho thấy: khi người nghệ sĩ xa rời hiện thực, thậm chí thoát ly khỏi hiện thực thì sáng tác của họ hoặc khô cằn cảm hứng hoặc cảm hứng tuy vẫn dạt dào nhưng chưa chắc đã chân thực. Ngược lại, cùng gắn bó với một hiện thực, cùng một khuynh hướng cảm hứng và cùng lao động cật lực như nhau; nhưng do sở trường của chủ thể sáng tạo khác nên chất lượng sáng tác giữa họ cũng không đồng đều. Cái gọi là "vùng cảm hứng". Mỗi

người nghệ sĩ có một vùng cảm hứng "ruột" cho riêng mình. Vùng cảm hứng đó có thể được xác định ở nội dung đề tài hoặc ở không gian, thời gian được phản ánh và biểu hiện. Chẳng hạn, vùng cảm hứng "ruột" của Xuân Diệu là đề tài tình yêu, ở vùng này, Xuân Diệu xứng danh "ông hoàng". Nhưng khi chuyển sang đề tài kháng chiến, đề tài đất nước thì sáng tác của Xuân Diệu không được nổi bật như một số nhà thơ khác, dù ông vẫn dạt dào cảm hứng. Đến Phạm Tiến Duật, một trong những nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ cũng tìm được một vùng cảm hứng cho bản thân. Đó là không gian Trường Sơn trong những năm chiến tranh ác liệt. Có thể nói, nếu không gắn với không gian này, chưa chắc Phạm Tiến Duật đã sáng tác được những bài thơ từng làm rạo rực lòng người và chưa chắc ông đã có được một giọng thơ của riêng mình.

Cảm hứng nghệ thuật tức là tình cảm sâu sắc, nồng nàn. Cảm hứng nghệ thuật bao giờ cũng đậm đà, lắng lọc hơn cảm hứng thông thường. Đồng thời, cảm hứng này luôn gắn với tư tưởng và mang tính khuynh hướng rõ rệt. Cảm hứng nghệ thuật cũng là một yếu tố của nội dung tác phẩm. Nó thống nhất các yếu tố khác như đề tài, chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và giọng điệu trong thơ nguyễn minh khiêm (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)