Có rất nhiều yếu tố bên ngoài từ môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng tạo thành môi trường kinh doanh của NHTM, một sự thay đổi dù nhỏ của những yếu tố này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp theo hướng tích cực hoặc tiêu cực lên NHTM. Và với những NHTM chưa có sự chuẩn bị ứng phó, hay khả năng ứng phó với sự thay đổi kém thì nguy cơ phá sản là có thể xảy ra.
Theo Nguyễn Việt Hùng (2008), nếu môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các NHTM, vì đây cũng là điều kiện làm cho quá trình sản xuất của nền kinh tế được diễn ra bình thường, đảm bảo khả năng hấp thụ vốn và hoàn trả vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế có tăng trưởng cao và ổn định, các khu vực trong nền kinh tế đều có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh do đó nhu cầu vay vốn tăng làm cho các ngân hàng thương mại dễ dàng mở rộng hoạt động tín dụng của mình đồng thời khả năng nợ xấu có thể giảm vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp cũng được nâng cao. Ngược lại, khi môi trường kinh tế, chính trị và xã hội trở nên bất ổn thì lại là những nhân tố bất lợi cho hoạt động của các NHTM như nhu cầu vay vốn giảm; nguy cơ nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng làm giảm hiệu quả hoạt động của các NHTM.
Một số yếu tố được đề cập nhiều trong các nghiên cứu trước là:
i. Mức độ tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản lượng quốc gia (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá tăng trưởng kinh tế tới rủi ro phá sản NHTM được sử dụng nhiều nhất là Tốc độ tăng trưởng GDP.
Các nghiên cứu của Andrea M. M. & ctg (2009); Yong Tana & ctg (2013) đều cho rằng khi GDP tăng, lượng sản xuất của nền kinh tế tăng, sức khỏe của nền kinh tế là tương đối tốt, ngân hàng và khách hàng có điều kiện kinh doanh thuận lợi. Nhưng trong thời kỳ suy thoái, các điều kiện kinh doanh bất lợi, khách hàng bị ảnh hưởng về kinh doanh, có thể phá sản, ngân hàng sẽ ít khách hàng hơn và có thể đối
diện rủi ro tín dụng khi khách hàng không trả được nợ. Do đó, tăng trưởng GDP được kỳ vọng có tương quan nghịch chiều với rủi ro. Tuy nhiên trong nghiên cứu của Phan Thị Nhi Khánh (2016) cho rằng, các NHTM đối mặt với rủi ro cao hơn trong thời gian ký kết hợp đồng kinh tế, do đó tăng trưởng GDP ảnh hưởng tiêu cực tới rủi ro phá sản NHTM.
ii. Lạm phát
Trong phạm vi một quốc gia, lạm phát là sự tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế theo thời gian, hay nói cách khác, là sự mất giá trị hay suy giảm sức mua của một loại tiền tệ.
Lạm phát ảnh hưởng tới mọi mặt của kinh tế xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế chưa đạt đến mức toàn dụng, lạm phát tự nhiên thúc đẩy kinh tế chuyển động và thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng. Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát cao hoặc không thể dự báo trước lại có hại cho nền kinh tế, khi đồng tiền mất giá quá nhanh, việc đầu tư kinh doanh mang về lợi nhuận không đủ bù đắp sự mất giá, người dân sẽ dừng hoạt động kinh doanh và chuyển sang tích trữ hàng hóa có giá trị, từ đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Và khi nền kinh tế đình trệ, việc NHTM phá sản là không thể tránh khỏi, do đó lạm phát được kỳ vọng có tương quan thuận chiều với rủi ro. Các nghiên về ảnh hưởng của lạm phát tới rủi ro phá sản NHTM mang lại các kết quả khác nhau. Ví dụ như Andrea M. M. & ctg (2009) cho kết quả tác động cùng chiều; Yong Tana & ctg (2013) cho kết quả tác động ngược chiều; Phan Thị Nhi Khánh (2016) lại cho rằng lạm phát không có tác động tới rủi ro phá sản NHTM.
iii. Tâm lý thị trường và chính sách của Chính Phủ
Too-big-to-fail (quá lớn để sụp đổ) là thuật ngữ quốc tế ra đời kể từ năm 1984, sau trường hợp Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cứu trợ cho Continental Illinois. Thuật ngữ này ám chỉ các tổ chức, thể chế tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp có quy mô, ảnh hưởng rất lớn trong mỗi nền kinh tế, buộc các chính phủ phải tăng cường hỗ trợ họ khỏi sụp đổ khi có bất cứ bất ổn tài chính nào xảy ra, nhằm tránh những hệ lụy đối với nền kinh tế.
Với lý lẽ này, áp dụng trong hệ thống ngân hàng thì các ngân hàng lớn có vai trò đặc biệt trong việc dẫn dắt hệ thống tài chính - kinh tế sẽ được Chính Phủ bảo hộ và giúp đỡ vượt qua khó khăn.
Theo Frederic S. Mishkin (2006) nghiên cứu tại Mỹ, mặt tốt về việc có mạng lưới an toàn của chính phủ là nó có thể ngăn ngừa những cơn khủng hoảng của ngân hàng. Mạng lưới này tại Mỹ chính là bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, đặc biệt cho các NHTM lớn, ngoài ra còn có nhiều biện pháp khác nhằm giúp đỡ NHTM gặp khó khăn. Tuy nhiên mặt xấu là nó tạo ra những rủi ro nguy hiểm về đạo đức cho các ngân hàng tạo ra những nguy cơ cao hơn. Khi người gửi tiền được bảo vệ đầy đủ, họ biết rằng mình sẽ không bị lỗ nếu ngân hàng không thành công, và do đó ít có động lực để giám sát các hoạt động của ngân hàng và rút vốn nếu ngân hàng có quá nhiều rủi ro. Nếu không có sự giám sát từ người gửi tiền, các ngân hàng biết rằng họ có thể tham gia vào các hoạt động rủi ro mà không bị trừng phạt, và điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra thất bại của ngân hàng. Nguy cơ về đạo đức do mạng lưới an toàn của chính phủ thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với các tổ chức ngân hàng lớn bởi vì khi họ thất bại, nó có thể dẫn đến rủi ro hệ thống trong đó toàn bộ hệ thống ngân hàng đang bị đe dọa. Sự thất bại của một tổ chức lớn không chỉ có thể gây ra những thất bại ngay lập tức của các đối tác của ngân hàng và phần còn lại của hệ thống tài chính mà còn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin có thể lan tràn tới các ngân hàng khác và các tổ chức tài chính, thất bại lan truyền và một cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Do các chi phí tiềm năng cho nền kinh tế từ sự thất bại của ngân hàng lớn, các chính phủ rất miễn cưỡng để các tổ chức ngân hàng lớn bị thất bại, hoặc, nếu có, chịu mọi chi phí cho người gửi tiền, ngay cả khi bảo hiểm tiền gửi được giới hạn ở một số tiền nhất định. Một biểu hiện cụ thể của hiện tượng này xảy ra khi Continental Illinois là một trong 10 ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ, trở nên mất khả năng thanh toán vào tháng 5 năm 1984. FDIC không chỉ bảo đảm cho người gửi tiền đến hạn mức bảo hiểm 100.000 USD mà còn đảm bảo tất cả các tài khoản vượt quá 100.000 USD và thậm chí ngăn ngừa thiệt hại cho chủ sở hữu trái phiếu của Continental Illinois.
Đối với hệ thống NHTM Việt Nam hiện tại, có vẻ như bất cứ NHTM nào cũng có thể xem là “Too-big-to-fail”, vì sự sụp đổ của một ngân hàng không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng khác, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý thị trường, người gửi tiền sẽ mất lòng tin vào hệ thống dẫn đến sự mất thanh khoản nghiêm trọng của toàn hệ thống. Do đó, tới thời điểm hiện tại, chưa có một ngân hàng nào, dù là quy mô nhỏ so với toàn hệ thống, thực sự phá sản.
Tuy nhiên việc bảo hộ của Chính Phủ có thể dẫn tới sự chủ quan của hệ thống, các nhà quản lý sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh, chấp nhận rủi ro cao hơn để đạt lợi nhuận cao hơn,… Những điều này gây ra mối nguy hiểm không thể lường trước và không thể lượng hóa, đặc biệt là khi ngân hàng không còn nhận được sự bảo hộ.
Ngoài ra, như đã phân tích, các chính sách vĩ mô của Chính Phủ và NHNN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các NHTM, đặc biệt là các NHTM Nhà nước. Mặc dù những chính sách này luôn được ban hành với mục đích đảm bảo an toàn hoạt động và thúc đẩy NHTM phát triển lành mạnh, tuy nhiên, không phải NHTM nào cũng có thể đáp ứng ngay lập tức những yêu cầu, quy định được ban ra. Các NHTM này sẽ tìm cách né tránh hoặc “lách” qua những khe hở, hay sử dụng mọi biện pháp để đạt được yêu cầu của quy định, điển hình như cuộc chạy đua tăng vốn của NHTM, dẫn đến sự sở hữu chéo nghiêm trọng của các NHTM Việt Nam, khiến rủi ro tăng cao.
Đôi khi một ngân hàng đang có thanh khoản tốt, hoạt động kinh doanh ổn định vẫn có thể sụp đổ chỉ bởi một vài tin đồn thất thiệt. Điều này xảy ra khi người gửi tiền đồng loạt yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền gửi trước hạn, đe doạ vượt qua tất cả các ngưỡng chịu đựng đã được dự báo và phòng ngừa, phá vỡ hoàn toàn trạng thái thanh khoản của các ngân hàng dày công xây dựng, thậm chí của cả các ngân hàng vốn đang được cho là an toàn. Tuy nhiên rất khó dự báo trước về việc phát sinh tin đồn, do vậy, ngay cả khi có được trạng thái thanh khoản tốt, các ngân hàng cũng không thể chủ quan.