Kết quả mô hình hồi quy cho thấy tăng quy mô VCSH, hoặc giảm tổng huy động, hoặc cả hai sẽ càng giảm thiểu rủi ro phá sản của NHTM. Do đó, NHTM cần xác định tỷ số đòn bẩy hợp lý để giảm lãng phí vốn mà không cần thay đổi mô hình
kinh doanh; tối ưu hóa các nguồn vốn khan hiếm để đạt được hiệu quả trong sử dụng VCSH. Việc giảm tổng huy động chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn để giảm thiểu rủi ro trước mắt, trong dài hạn, để đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, việc tăng VCSH mới là biện pháp dài hạn được chú trọng. Muốn thực hiện điều này, NHTM cần cải thiện năng lực trong đánh giá đúng về mức độ an toàn của vốn; phân bổ, quản trị vốn hiệu quả hơn và tiết kiệm vốn; đo lường hiệu quả hoạt động và quản lý dựa trên giá trị VCSH.
Ngoài nguồn vốn hình thành ban đầu, VCSH còn được bổ sung trong quá trình hoạt động. VCSH của ngân hàng có thể gia tăng theo nhiều phương thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng, bao gồm nguồn từ lợi nhuận giữ lại và nguồn bổ sung từ việc phát hành thêm cổ phần, tăng vốn từ cổ đông hiện hữu, sáp nhập với NHTM trong nước, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 trên thị trường quốc tế.
Việc tăng vốn từ cổ đông hiện hữu chỉ thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỷ số sở hữu; sẽ bất lợi nếu cổ đông hiện hữu không đủ sức mạnh tài chính.
Tăng vốn từ phát hành thêm cổ phiếu chỉ thuận lợi khi thị trường cổ phiếu tăng trưởng tốt, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện rấtbiến động, hoạt động chưa ổn định, rất khó lường trước trong trường hợp cần tăng vốn nhanh.
Phương án tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoàiđược khá nhiều NHTM quan tâm, vì nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên các NHTM nên lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam và thành công trên thị trường tài chính quốc tế và cũng nên chấp nhận cái mới, cải tổ phương thức kinh doanh, quản rị rủi ro… Chỉ khi đó, NHTM trong nước mới tận dụng được kinh nghiệm của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, bên cạnh tận dụng nguồn lực tài chính mạnh.
Phương án sáp nhập với ngân hàng nội chỉ phù hợp khi một ngân hàng mạnh sáp nhập với ngân hàng yếu hơn, phương án này thuận lợi khi các NHTM trong nước có cùng văn hóa, cách thức kinh doanh, sự hiểu biết thị trường trong nước. Tuy nhiên, bất lợi là các ngân hàng mạnh cũng đang phải tập trung lành mạnh hóa hoạt động của mình, không muốn gánh thêm ngân hàng yếu kém. Hơn nữa, sự sáp nhập giữa hai ngân hàng nội với nhau cũng khó mang lại sự thay đổi căn bản về mặt quản trị..
Phương án cuối cùng là phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 trên thị trường quốc tế. Phương án này phù hợp với các NHTM có tên tuổi trên thị trường và có tiềm lực tài chính bởi chi phí phát hành lớn hơn nhiều so với phát hành cổ phiếu.