Thứ nhất, về hành lang pháp lý cho việc phá sản NHTM
Tại thời điểm hiện tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó nổi bật là quy định về phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt và cho phép phá sản ngân hàng.Theo NHNN, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật, thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc).
Tuy nhiên đây mới chỉ là hành lang pháp lý cơ bản, các chỉ tiêu định lượng để xác định NHTM yếu kém cần đưa vào diện kiểm soát đặc biệt không được nêu rõ.
Thứ hai, thông tin tình hình hoạt động của NHTM
Thực tế hiện nay các đánh giá, xếp hạng ngân hàng của cơ quan quản lý chưa được công khai, thị trường chỉ được tiếp cận các thông tin xếp hạng do các tổ chức tín nhiệm quốc tế công bố và các thông tin về hoạt động kinh doanh ngân hàng được các ngân hàng công bố cũng chưa chắc phản ánh đúng tình trạng hoạt động.
Hiện nay các ngân hàng nhỏ đang có xu hướng huy động tiền gửi lãi suất cao hơn các ngân hàng lớn. Điều này giúp các ngân hàng nhỏ thu hút được người gửi,
cạnh tranh nguồn vốn với ngân hàng lớn, người dân gửi ở ngân hàng nhỏ vẫn yên tâm vì khoản tiền gửi gần như được bảo lãnh. Nếu người dân không có thông tin về tình trạng hoạt động của NHTM để chủ động về tiền gửi của mình thì trong trường hợp xảy ra tình huống đột xuất sẽ khiến người dân thiệt hại lớn. Do đó cần sớm minh bạch thông tin của hệ thống, để hoạt động của NHTM vận hành theo quy luật thị trường, khi đó nếu có đổ vỡ xảy ra, cú sốc cho thị trường sẽ được giảm thiểu.
Ngoài ra, cần đảm bảo chất lượng thông tin tại trung tâm thông tin tín dụng (CIC) nhanh chóng, kịp thời, chính xác về khách hàng, đảm bảo tình hình hoạt động của NHTM thông suốt, không cho vay nhầm khách hàng hoặc đánh giá sai khách hàng tốt. Từ đó công khai được thông tin nợ xấu của toàn hệ thống.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của NHTM
NHNN cần kiểm soát, giám sát quá trình mở rộng quy mô của các NHTM theo sự phát triển kinh tế, đồng thời tích cực thúc đẩy ứng dụng mô hình của Ủy ban Basel vào kiểm soát hoạt động ngân hàng, mở rộng phạm vi ngân hàng áp dụng. Các hoạt động kiểm tra giám sát cần thực hiện có khoa học, tránh chồng chéo nhau gây ảnh hưởng tới hoạt động của NHTM.
Thứ tư, công tác nghiên cứu và dự báo
Với vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN cần xây dựng hệ thống thông tin số liệu của riêng mình, cập nhật nhanh tình hình của hệ thống, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào số liệu thống kê hoặc số liệu các NHTM cung cấp. Từ đó tiến hành phân tích định kỳ xu hướng biến động rủi ro, như mức độ rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động,... của hệ thống, rủi ro chính trị, rủi ro về môi trường kinh doanh, các rủi ro đã, đang xảy ra đối với hệ thống NHTM tại các nước khác,... Đây là những cảnh báo rất hữu ích cho hoạt động NHTM trong nước.
Thứ năm,chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho việc phá sản NHTM
Để chuẩn bị cho phá sản NHTM là một chặng đường dài về học tập kinh nghiệm, phương pháp của các nước trên thế giới, xác định được NHTM nào thuộc diện phá sản, đào tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng phương án và tiến hành
phá sản, các biện pháp ứng phó với biến động của thị trường,… Do đó, NHNN cần có bước chuẩn bị ngay từ bây giờ, mà bước đầu tiên là xác định được các yếu tố nào ảnh hưởng tới rủi ro phá sản của NHTM. Với nguồn lực và thông tin của mình, nghiên cứu của NHNN sẽ chính xác và có giá trị thực tiễn hơn. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để phát hiện thật sớm ngân hàng yếu kém để thực hiện các giải pháp kiểm soát, phục hồi hoạt động ngân hàng, tránh xảy ra phá sản.