XX về phương diện hình thức
3.1.1. Hoàn cảnh sử dụng của các biểu thức ngôn ngữ thề
Bất cứ một cuộc hội thoại nào cũng xảy ra trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Nói đến hoàn cảnh sử dụng của các biểu thức ngôn ngữ nói chung, biểu thức ngôn ngữ thề nói riêng là nói đến hoàn cảnh Sp1 đưa ra các biểu thức ngôn ngữ, trong đó có có biểu thức ngôn ngữ thề (BTNN thề).
Theo tư liệu của chúng tôi, hoàn cảnh sử dụng biểu thức ngôn ngữ thề khá đa dạng, song có thể qui về 4 trường hợp:
- Thứ nhất, Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh Sp2 thiếu tin tưởng (về 1 điều gì đó) ở Sp1;
- Thứ hai, Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh Sp1 bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm hay bị Sp2 uy hiếp, đe dọa;
- Thứ ba, Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh muốn thể hiện sự quyết tâm làm một việc gì đó;
- Thứ tư, Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh Sp1 không có khả năng đáp ứng yêu cầu của Sp2;
- Thứ năm, Sp1 sử dụng biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh bị Sp2 thúc ép phải thề.
3.1.1.1. Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 dùng trong hoàn cảnh bị mất niềm tin với Sp2
Có thể nói, đây là hoàn cảnh thường gặp để Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề. Trong hội thoại, các nhân vật giao tiếp luôn có những mối quan hệ và liên hệ với nhau. Điều này thể hiện ở nhiều mặt nhưng thể hiện rõ nhất là niềm tin của các nhân vật giao
tiếp dành cho nhau. Bình thường, nếu các nhân vật giao tiếp có niềm tin ở nhau thì việc sử dụng các hành động ngôn ngữ không trở ngại gì. Song, nếu các nhân vật giao tiếp chưa thật sự tin nhau về một vấn đề nào đó thì người nói (Sp1) phải cố gắng tìm cách nói sao cho người nghe (Sp2) hiểu và tin mình. Dùng hành động thề để giao tiếp là một trong những cách mà Sp1 thường sử dụng để thuyết phục người nghe khi chưa được Sp2 đặt niềm tin ở mình.
Trong hội thoại đời thường cũng như hội thoại trong tác phẩm văn học, sự thể hiện thiếu niềm tin của Sp2 đối với Sp1 có thể bộc lộ ngay trong những lời thoại, cũng có thể bộc lộ qua thái độ của Sp2 đối với Sp1.
Trong tổng số ngữ liệu thống kê của chúng tôi, những trường hợp Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề do câu thúc bởi sự mất niềm tin của người tham gia hội thoại có 86 trường hợp, chiếm xấp xỉ 32,45% (86/265).
Cần phải nói thêm rằng, niềm tin được nói đến ở đây khá đa dạng, theo đó Sp2 mất niềm tin ở Sp1 cũng thể hiện ở nhiều phương diện, chẳng hạn như Sp2 không tin Sp1 về một câu nói của Sp1; Sp2 không tin Sp1 về một việc đã làm của Sp1; cũng có khi Sp2 không tin tưởng Sp1 về khả năng làm một việc gì đó của Sp1. Dưới đây là một số ví dụ:
Ví dụ 52: a)Tôi có bịa tôi chết. Mà tôi lại thề với anh rằng lúc ấy tôi ngạc nhiên
quá, không còn cười được... [76, tr.827]
b) Nếu anh ngờ tôi loan chung phượng chạ, thì đây, tôi thề sẽ chết như thế này này! [66, tr.16]
c) Cháu có ăn gian thì trời không chứng! Quả thật ruộng nhà cháu chỉ có hai mẫu 7 sào. [74, tr. 41] d) - Nguyệt không phải phiền lòng, ... Anh thề rằng sẽ chu toàn danh tiết cho Nguyệt.
- Thôi, tôi xin cậu, tôi nào dám tin cái mồm mép đàn ông.
- Nếu tôi ăn ở như người khác, xin thề rằng ngọn đèn điện này tắt tôi cũng tắt. [66, tr. 16] Biểu thức ngôn ngữ thề (phần in nghiêng) trong ví dụ 52a là nhân vật Sp1 đưa ra là để thuyết phục Sp2 tin Sp1 về câu chuyện mà Sp1 đã kể. Biểu thức thề trong ví dụ 52b được Sp1 đưa ra để thuyết phục Sp2 tin vào sự chung thủy của Sp1 đối với Sp2. Biểu thức thề trong ví dụ 54c là của nhân vật Thị Qui đưa ra để thuyết phục bọn lí
trưởng rằng số đất mà nhân vật này đã khai là hoàn toàn đúng. Hai biểu thức ngôn ngữ thề trong ví dụ 52d là của nhân vật Phong đưa ra để thuyết phục nhân vật Nguyệt hãy tin vào lời hứa sẽ cưới Nguyệt làm vợ. Tất cả những biểu thức ngôn ngữ thề tuy nội dung có khác nhau nhưng đều chung nhau ở một điểm: Sp1 thề trong hoàn cảnh Sp2 chưa tin Sp1. Theo đó, Sp1 thề để thuyết phục Sp2 tin mình.
3.1.1.2. Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 sử dụng trong hoàn cảnh Sp1 bị Sp2 làm mất danh dự, nhân phẩm hay bị đe dọa, uy hiếp
Tư liệu của chúng tôi cho thấy, có những biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 nói ra trong hoàn cảnh bị Sp2 uy hiếp, đe dọa hay làm mất danh dự, thể diện. Những biểu thức ngôn ngữ thề mà Sp1đưa ra thường để tỏ thái độ tức giận, không đồng tình hoặc cũng có khi ngược lại là để làm Sp2 đổi ý.
Trong tổng số 265 trường hợp biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê, biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 nói ra do bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm có 63 trường hợp, chiếm xấp xỉ 23,78% (63/265). Xin dẫn một số ví dụ tiêu biểu:
Ví dụ 53: a) Thôi tôi xin quan ông quan bà đừng nói khéo. Đồ đểu, tao thề rằng từ nay không họ hàng gì với vợ chồng nhà mày nữa. [66, tr. 70] b)...Tao thề có thổ thần hai vai, tao mà nuốt trộm một hột cơm của nhà chúng mày thì trời tru đất diệt tao. [89, tr. 291]
c) - Ông quan hỏi qua loa, rồi phán: Đưa nó sang đề lao!
... Chân tay nó run lẩy bẩy. Nó ngã khuỵu xuống trước mặt quan dự thẩm: - Lạy Quan lớn. Quan lớn tha cho con! Con chừa rồi. Con thề rằng con không làm bậy nữa. Quan lớn tha cho con. [67, tr. 98]
d) - Không biết xấu. Đi! Phải xử tử chúng mày, quân khôn nạn.
- Anh tha cho em. Em xin liều với thằng Tây. Em thề sống chết với thủ đô. [83, tr. 124] Ở ví dụ 53a, nhân vật ông cậu đã thề cắt đứt quan hệ họ hàng với vợ chồng đứa cháu do chúng đã làm tổn thương danh dự của nhân vật này (vợ chồng đứa cháu đã giả vờ mất ví để đuổi khéo cậu ruột của mình).
Ở ví dụ 53b, người bà đã phải thề với những đứa cháu của bà do bị mất thể diện và thấy nhục khi chính những đứa cháu này đã đồng thanh hô “bà ăn vụng cơm” của nhà chúng.
Khác với hoàn cảnh của 2 ví dụ vừa phân tích, ở ví dụ 53c, thằng bé ăn cắp đã đưa ra lời thề “không làm bậy nữa” trước sự phán quyết “Đưa nó sang đề lao” của nhân vật quan lớn. Một đứa trẻ bị ông Quan thét ra lửa phán cho vào nhà lao thì quả là một sự uy hiếp tinh thần mà không đứa trẻ nào không khiếp sợ. Bởi thế, ở hoàn cảnh này, thằng bé trong câu chuyện chỉ còn biết thề để xin quan tha cho.
Ở ví dụ 53d, trong hoàn cảnh bọn địch đánh chiếm thủ đô rất khốc liệt, một người lính định đảo ngũ thì bị đồng đội bắt được và đã thề “sẽ sống chết với thủ đô”, tức sống chết với việc bảo vệ thủ đô.
Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 nói trong các cuộc thoại do hoàn cảnh bị tổn thương về danh dự hay do bị Sp2 đe dọa, uy hiếp không chỉ thấy trong tác phẩm mà còn thấy cả trong đời thường.
3.1.1.3. Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 sử dụng trong hoàn cảnh Sp1 muốn thể hiện sự quyết tâm làm một việc gì đó
Trong hoàn cảnh muốn thể hiện sự quyết tâm cao khi làm một việc gì đó, Sp1 cũng có thể đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề (tức lời thề).
Cũng cần phải nói ngay rằng, khó có thể khái quát được những tình huống dẫn đến Sp1 đưa ra lời thề để thể hiện sự quyết tâm vì chúng rất đa dạng. Nhiều khi chính nội dung của lời thề cho ta xác định hoàn cảnh Sp1 đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề thể hiện sự quyết tâm, chẳng hạn như biểu thức ngôn ngữ thề trong các ví dụ sau đây:
Ví dụ 54: a) Tôi thề rằng sẽ chống đến cùng. Trước hết, tôi hãy giúp bác Trương
Thi gặt chỗ năm sào của bác ấy đã,... [67, tr.389]
b) Xin Đảng cho đánh. Chúng tôi thề giữ được thủ đô! [83, tr. 106] c) Ta thề sống chết với lưỡi gươm này, quyết không để bầy lang sói phạm vào
thân vàng ngọc. [84, tr. 134]
Theo tư liệu thống kê của chúng tôi, kiểu biểu thức ngôn ngữ thề được sử dụng trong trường hợp này có 51 trường hợp, chiếm xấp xỉ 19,24% (51/265).
Như đã nói, nội dung của biểu thức ngôn ngữ thề và ngôn cảnh (câu đứng trước hoặc sau biểu thức ngôn ngữ thề) sẽ cho chúng ta biết hoàn cảnh dẫn đến việc nói ra biểu thức thề thể hiện sự quyết tâm ở đây là gì. Chẳng hạn, ở ví dụ 55a, biểu thức ngôn ngữ thề thể hiện sự quyết tâm của nhân vật anh Pha trong hoàn cảnh anh Pha và những
người cùng cảnh ngộ với anh bị bọn thống trị đè nén, đòi thu hết lúa của dân từ khi lúa còn ở ruộng. Anh Pha đã thề “chống đến cùng” không cho bọn chúng lấy thóc của mình và của dân nghèo.
Ở ví dụ 54b, trước tình thế bọn địch đang dồn quân hòng chiếm đóng thủ đô, các chiến sĩ đã thề quyết tâm “giữ được thủ đô”.
Ở ví dụ 54c, nhân vật Chiêu Thành Vương trong hoàn cảnh bị địch tấn công mạnh đã thề quyết tâm không rời thanh gươm để giữ trận địa và bản thân mình.
Xin nói thêm, biểu thức ngôn ngữ thề ở ví dụ 54b có nội dung giống với nội dung thề ở ví dụ 53d nhưng có những điểm khác nhau cơ bản về đích ở lời. Với ví dụ 53d, lời thề có đích ở lời xin (Sp1 xin tha tội chết bằng cách thề sẽ sống chết với thủ đô); còn biểu thức thề trong ví dụ 54b lại có đích ở lời thể hiện sự quyết tâm (Sp1 quyết tâm cùng đồng đội giữ bằng được mảnh đất của thủ đô). Xác định được hành động của hai biểu thức ngôn ngữ này là nhờ ngữ cảnh sử dụng của hai biểu thức không giống nhau như đã phân tích.
3.1.1.4. Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 sử dụng trong hoàn cảnh Sp1 không có khả năng đáp ứng yêu cầu của Sp2
Trong hoàn cảnh không có khả năng đáp ứng một yêu cầu nào đó từ Sp2, Sp1 cũng thường đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề, nhằm thuyết phục Sp2 hãy tin vào việc Sp1 sẽ thực hiện được yêu cầu của Sp2 (tuy không phải lúc này).
Cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Mỗi cá nhân có những yêu cầu nhất định đối với mình và với người khác. Những yêu cầu này có thể người được yêu cầu đáp ứng một cách dễ dàng; song cũng có những yêu cầu mà người nghe không thể thực hiện được. Dưới đây là trường hợp tiêu biểu:
Ví dụ 56: - Đồng chí định bỏ chúng tôi cho địch à? - Không được đi!
- Tôi mà định bỏ các đồng chí thì đi ra khỏi hầm này thằng địch bắn chết tôi ngay. Vừa rồi đại đoàn ra lệnh cho tôi phải đi tìm trung đoàn trưởng để nhận lệnh mới. Nếu các đồng chí không cho tôi đi thì hỏng việc của trên. Tôi là Đảng viên... Tôi xin thề là không đánh lừa các đồng chí...
Trước yêu cầu “không được đi” của các đồng chí thương binh nặng, nhân vật Chư trong tác phẩm đã phải đưa ra lời thề để anh em hiểu vì công việc mà anh phải chia tay anh em. Lời thề quả đã có hiệu lực: “Chư nói xong, mấy đồng chí đang nắm tay anh đều buông tay ra” để anh đi nhận nhiệm vụ mới.
Theo tư liệu thống kê của chúng tôi, biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 nói ra trong hoàn cảnh không đáp ứng được một yêu cầu gì đó của Sp2 đã nêu trước đó chỉ có 39 trường hợp, chiếm xấp xỉ 14,71% (39/265).
3.1.1.5. Biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 sử dụng trong hoàn cảnh được/bị Sp2 đề nghị hay thúc ép phải đưa ra lời thề
Phần lớn các biểu thức ngôn ngữ thề được người nói (Sp1) nói ra một cách tự nguyện. Song, cũng có trường hợp Sp1 được/bị Sp2 buộc phải đưa ra lời thề về một điều gì đó. Tức Sp2 buộc Sp1 phải thề trước Sp2 hoặc trước một số người khác. Xin dẫn một vài ví dụ:
Ví dụ 57: a) - ...Trong giờ phút chia tay này, đứng trước cái nhiệm vụ nặng nề bảo vệ thủ đô mà đoàn thể giao cho, chúng ta hãy thề với nhau là: chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, sống chết với quân thù, kéo dài cuộc chiến đấu ở thủ đô.
- Thề sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!
- Thề sẽ giữ được thủ đô!
Lời thề của các chiến sĩ vang lên. [83, tr.112]
b) - Xin kính chào các vị và xin mời tuyên thệ!... Kiên chỉ tay lên trời thề: Những người vào hội này, nếu còn cam làm tôi tớ cho giặc thì trời sẽ giết tuyệt giống. (...). Đã là người trong hội, bắt đầu từ hôm nay vĩnh viễn coi nhau là anh em....
- Xin thề...! Mọi người cùng nhau đọc lại lời thề. [63, tr. 29] c) - Nôn ra. Một mình ông ăn không xuôi đâu. Nôn ra cho tôi đi nộp đề.
- Tao không lấy. Tao thề! [95; tr. 180]
d) Xung quanh có hơn chục thằng đằng đằng sát khí. (...). Tao cho mày nói lại! (...) - Em thề...! Em thề có mẹ em còn sống, ở thôn Linh, xóm Cót...Nếu em ăn cắp giỏ cá... em chết không nhắm mắt, không nhìn thấy mẹ... [90, tr.249]
Trong ví dụ 57a và 57b, biểu thức ngôn ngữ thề được Sp1 nói ra khi Sp2 đề nghị thề trước đó. Còn ở ví dụ 57c, Sp1 (lão Thiến) đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh bị Sp2 (thằng Thàn) uy hiếp. Nhân vật lão Thiến buộc phải đưa ra lời thề để nhân vật thằng Thàn tin là lão không lấy trộm tiền của hắn. Ở ví dụ 57d, nhân vật “thằng bếp” buộc phải đưa ra biểu thức ngôn ngữ thề trong hoàn cảnh bị một số anh lính bức súc tra hỏi vì nghi nhân vật này ăn cắp cá, tiêu chuẩn ăn của anh em. Thằng bếp đã thề để chứng tỏ sự trong sạch của mình.
Tư liệu của chúng tôi chỉ có 26 trường hợp các biểu thức ngôn ngữ thề được sử dụng trong hoàn cảnh vừa phân tích, chiếm 9,81% số biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê (26/265).
Dưới đây là bảng tổng kết các biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê được phân loại theo hoàn cảnh sử dụng:
Bảng 3.1. Bảng tổng kết các BTNN thề được phân loại theo hoàn cảnh sử dụng Số lượng / Tỉ lệ %
HC sử dụng BTNN thề Số lượng Tỉ lệ %
Do Sp2 thiếu niềm tin ở Sp1 86 32,45
Do Sp1 bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm 63 23,78
Do Sp1 muốn thể hiện sự quyết tâm... 51 19,24
Do Sp1 không có khả năng đáp ứng yêu cầu của Sp2 39 14,71
Do Sp2 đề nghị hay thúc ép Sp1 nói ra BTNN thề... 26 9,81
Tổng kết 265 99,99