Nghĩa văn hóa của các biểu thức ngôn ngữ thề thể hiện qua những yếu tố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu thức ngôn ngữ thề trong một số tác phẩm văn xuôi việt nam thế kỉ XX (Trang 95 - 99)

XX về phương diện hình thức

3.2.1. nghĩa văn hóa của các biểu thức ngôn ngữ thề thể hiện qua những yếu tố

tâm linh

Như đã nói ở chương 2, trong cấu trúc của biểu thức ngôn ngữ thề có thành tố X, thành tố chỉ đối tượng chứng kiến lời thề (thề có X, thề trước X) được Sp1 đưa ra để làm tăng sức thuyết phục cho lời thề.

Thành tố X này thường là những yếu tố tâm linh, không có trong thế giới hiện thực, như: quỉ thần, vong linh..., thần phật, bà trong miễu (bà thần linh thiêng trong miếu), hoặc những lực lượng siêu nhiên, như: trời, mặt trời,trời đất, ... Những biểu tượng tâm linh này có ý nghĩa linh thiêng, uy quyền với con người mà người đưa ra lời thề viện dẫn để làm tăng sức thuyết phục cho lời thề. Điều cần nói ở đây là, những yếu tố tâm linh có những ý nghĩa khác nhau đối với những nền văn hóa khác nhau, tùy theo tâm thức của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.

Theo tác giả Trần Ngọc Thêm [49], văn hóa Việt thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước. Ở đó, sự lệ thuộc vào tự nhiên, lối sống cộng đồng tự trị là đặc điểm cơ bản qui chiếu cách tư duy và chi phối đời sống tâm lí của con người. Đặc trưng tư duy và tâm lí đó sẽ in dấu ấn vào những biểu tượng tâm linh khi được viện dẫn trong lời thề.

Biểu thức ngôn ngữ thề trong văn xuôi Việt Nam thế kỉ XX mang đậm nét của những yếu tố tâm linh. Biểu tượng tâm linh được viện dẫn trong lời thề thể hiện rõ nhất là các lực lượng siêu nhiên quyết định đời sống nông nghiệp sản xuất lúa nước và những biểu tượng tâm linh trong các biểu thức thề gắn với tôn giáo.

3.2.1.1. Biểu tượng tâm linh trong các biểu thức ngôn ngữ thề là những lực lượng siêu nhiên

Như đã nói, văn hóa Việt thuộc loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước. Cũng như các dân tộc thuộc văn minh nông nghiệp, văn hóa Việt đã đề cao sức mạnh của thiên nhiên, bởi quá trình lao động, họ lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nếu như văn hóa du mục luôn đề cao sức mạnh, coi sức mạnh là cứu cánh “Kẻ thắng là kẻ mạnh” (luật La Mã) thì văn hóa nông nghiệp đề cao cái thiện: “Cái thiện luôn thắc cái ác”. Bởi lẽ đó, đúng như tác giả Nguyễn Thị Thu Nga đã nói, “... người Việt thường hay viện dẫn biểu tượng sức mạnh tự nhiên không chỉ để xác tín (hoặc ước kết) mà còn để nhấn mạnh tính hướng thiện hay phẩm chất lương thiện của con người”. [36, tr.87].

Theo tư liệu điều tra của chúng tôi, trong số 265 trường hợp biểu thức ngôn ngữ thề được sử dụng trong một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam thế kỉ XX thì có 43 lượt biểu thức ngôn ngữ thề viện dẫn lực lượng siêu nhiên, chiếm xấp xỉ 16,22% (43/265). Cũng chỉ thấy lực lượng siêu nhân được Sp1 viện dẫn ra trong biểu thức ngôn ngữ thề là trời, mặt trời, trời đất. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:

- Lực lượng siêu nhiên là trời, ví dụ:

Ví dụ 79: a) Cháu có ăn gian thì trời không chứng! Thật quả ruộng nhà cháu chỉ

có hai mẫu bảy sào. [74, tr.41]

b) ông trời trên đầu chứng giám, ăn ở, làm lụng với nhau cả một đời, có bao giờ tao nỡ đánh mày một roi đâu,... [77, tr. 279] c) Thật có trời trên kia làm chứng, nếu con quả định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời cứ vật chết con đi. [61, tr. 282]

- Lực lượng siêu nhiên là mặt trời, ví dụ:

Ví dụ 80: Nói có mặt trời, tôi mà làm bậy nữa thì ... thì không bằng con chó nhá! [86, tr.94].

- Lực lượng siêu nhiên là trời đất, ví dụ:

Ví dụ 81: Thề có trời đất, tao sẽ quẳng mày từ trên sân thượng xuống mặt đường như quẳng một con chó bây giờ. Xéo! [97, tr. 413]

Các ví dụ vừa dẫn cho thấy, đối tượng X (trời, mặt trời, trời đất) được Sp1 viện dẫn có tác dụng làm cho lời thề tăng sức thuyết phục nơi người nghe (Sp2). Giả định bỏ các yếu tố siêu nhiên được viện dẫn làm đối tượng chứng kiến thì thấy ngay các biểu thức ngôn ngữ thề cũng bị giảm hiệu lực thuyết phục; bởi các yếu tố siêu nhiên này là những yếu tố quan trọng, linh thiêng trong tâm thức của một dân tộc vốn có nền văn hóa trồng lúa nước. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa khẳng định. Trong công trình nghiên cứu của mình, khi bàn về các thế lực siêu nhiên, tác giả Nguyễn Thị Thu Nga đã nhấn mạnh: “Trong tâm thức của người Việt, tự nhiên không chỉ có sức mạnh và quyền năng vô biên, mà còn là hiện thân của chính nghĩa, luôn đứng về phía công lí, công bằng, lẽ phải...”.

3.2.1.2. Biểu tượng tâm linh trong các biểu thức ngôn ngữ thề là những yếu tố tôn giáo

Theo tư liệu thống kê của chúng tôi, ngoài những lực lượng siêu nhiên, trong các biểu thức ngôn ngữ thề còn được Sp1 viện dẫn những yếu tố tâm linh gắn với tôn giáo của người Việt.

Biểu tượng tôn giáo của người Việt có phần khác với các biểu tượng tôn giáo của các dân tộc khác, như dân tộc phương Tây chẳng hạn. Nếu như các dân tộc phương Tây, chủ thể của loại hình văn hóa du mục, biểu tượng tâm linh là các biểu tượng “Nhất thần giáo” (trong thế giới tâm linh có một vị thần tối cao, toàn quyền chi phối cai quản tất cả) thì với dân tộc Việt biểu tượng tâm linh lại mang tính “Đa thần hóa”. Tính đa thần hóa thể hiện rõ trong tâm thức của cư dân nông nghiệp. Do lệ thuộc vào tự nhiên, văn hóa nông nghiệp tôn thờ tất cả các hiện tượng tự nhiên, như từ thần sông, thần núi, thần cây đa, ma cây đề đến thần thổ công, thổ địa,... Từ những tín ngưỡng đó, trong quá trình phát triển, người Việt đã kết hợp giữa tôn giáo nội sinh bản địa như thờ thần Mẫu, thờ tổ tiên, thờ Thành Hoàng ... với tôn giáo ngoại lai, như Nho giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, ... Đây chính là nguồn gốc của tính đa tôn giáo trong các lời thề của người Việt. Những người theo đạo Phật thì dẫn Đức Phật để xác tín; người theo đạo Thiên chúa thì dẫn Chúa ra để khẳng định, ... Tất cả những sự viện dẫn này tạo nên những nét văn hóa riêng trong lời thề của người Việt.

Trong tổng số 265 trường hợp biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê, có 29 lượt các biểu thức ngôn ngữ thề được viện dẫn các yêu tố thần linh, gắn với tôn giáo của người Việt, chiếm xấp xỉ 10,94% (29/265). Các yếu tố tôn giáo viện dẫn trong biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê thường là quỉ thần, kiểu như ví dụ 82 và 83 dưới đây:

Ví dụ 82: Cha mẹ đẻ chúng mày! Tao thề có quỉ thần hai vai, tao mà ăn trộm một hạt cơm của nhà chúng mày thì giời chu đất diệt tao.

[89, tr. 291] Như vậy, có thể nói, khi muốn xác tín hay ước kết một điều gì đó, người Việt thường dẫn bất cứ các vị thần nào đó ra để thề thốt. Nghĩa là người Việt nhấn mạnh vào cái lực lượng huyền bí siêu nhiên của các vị thần nói chung chứ không chú trọng đến chức năng của một vị thần cụ thể.

3.2.1.3. Biểu tượng tâm linh trong các biểu thức ngôn ngữ thề là những yếu tố phong tục tập quán của người Việt

Một trong những phong tục tập quán của người Việt mà ta dễ dàng nhận thấy là phong tục thờ cúng. Nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh (thờ phật, thờ chúa, thờ thổ công thổ địa,...) là phong tục được người Việt tôn trọng. Đặc biệt là thờ cúng tổ tiên thì hầu như mỗi gia đình đều có bàn thờ riêng. Người Việt luôn nhớ đến cội nguồn, luôn đề cao tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” nên thường dành vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình để thờ cúng gia tiên. Phần lớn các dân tộc Việt Nam thường không quên những ngày liên quan đến người đã khuất (ngày sinh nhật, ngày chết) để thắp hương tưởng nhớ họ.

Cũng bởi người Việt luôn coi trọng tổ tiên, coi trọng nguồn gốc của mình nên trong lời thề, họ thường viện dẫn vong linh của các bậc tiền bối ra để thề thốt. Một khi đã đem những thứ vốn được tôn thờ ra để thề thốt thì giá trị thuyết phục của lời thề sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong số 265 trường hợp biểu thức ngôn ngữ thề đã thống kê, có 21 lượt biểu thức ngôn ngữ thề mang những yếu tố thể hiện phong tục tập quán của người Việt, chiếm xấp xỉ 7,92% (21/265). Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:

Ví dụ 83: Tao thề, hai thằng đàn ông, thề có hương hồn cha mẹ tao, rằng tao

sẽ không trừng phạt... [100, tr. 343]

Tương tự, ví dụ 84: Bác sẽ thương các cháu như con đẻ vậy. Các cháu sẽ được học thành tài. Bác thề với vong linh cậu các cháu... [84, tr. 122] Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Việt còn có một nét văn hóa khá đặc trưng là rất có ý thức trong việc duy trì nòi giống (điều mà không phải dân tộc nào cũng có. Hiện nay có những dân tộc phụ nữ lấy chồng nhưng không muốn sinh con mang tính phổ biến. Điều này trái với văn hóa của người Việt, phần lớn phụ nữ lấy chồng đều mong có con). Có thể nói, đối với phụ nữ Việt, con cái luôn là cái quí giá nhất. Họ có thể hi sinh thân mình vì con cái. Vậy mà họ đã dám đem con cái ra thề độc (như nhân vật vợ Thứ trong tác phẩm Sống mòn) cũng chính là để mong người nghe tin vào những gì được xác tín hay ước kết trong lời thề. Chẳng hạn như biểu thức thề trong ví dụ 85 dưới đây:

Ví dụ 85: (...) Tôi thề rằng nội tôi có đánh bạc vụng mình một lần nào, trời cứ đừng cho nó làm con tôi nữa. [76, tr. 720].

Nhân vật vợ Thứ đã lấy con ra để thề với chồng, mong chồng tin là chị ta không hề đánh bạc. Đem mạng sống của con ra để thề độc, nhân vật vợ Thứ cũng chỉ muốn khẳng định chị ta không hề đánh bạc như anh chồng trước đó đã ngờ vực.

Tóm lại, ý nghĩa văn hóa của những biểu tượng tâm linh được viện dẫn trong lời thề của người Việt xuất phát từ văn hóa Việt, một loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước. Người Việt tôn thờ các thế lực tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sản xuất nông nghiệp, như mưa, gió, sấm chớp, trời, đất, ... Thuở sơ khai, do khoa học kém phát triển, con người hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi do thiên nhiên đem lại. Thiên nhiên thường không “hiền lành” như con người mong muốn. Mưa bão, lụt lội, hạn hán, v.v... thường xảy ra khiến con người sợ hãi và dẫn tới việc sùng bái những hiện tượng thiên nhiên. Họ thần thánh hóa các hiện tượng thiên nhiên thành những biểu tượng tâm linh và gọi bằng những từ ngữ mang tính thành kính, như: ông trời, bà đất, mẹ nước, v.v... Những biểu tượng này đã được thiêng liêng hóa trong tâm thức của người Việt và được người Việt viện dẫn phổ biến trong các biểu thức ngôn ngữ thề.

Ý thức bảo tồn giống nòi cũng là một nét văn hóa của người Việt. Con cái, cháu chắt đối với người Việt Nam luôn là thứ tài sản vô giá, quí hơn bất cứ thứ gì khác. Vì thế, chỉ khi muốn khẳng định cao một điều gì đó người Việt mới lấy con cháu ra để thề bồi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biểu thức ngôn ngữ thề trong một số tác phẩm văn xuôi việt nam thế kỉ XX (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)