Vốn đầu tư nước ngoài được thể hiện qua nhiều hình thức: đầu tư trực tiếp thông qua việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hợp đồng, góp vốn tham gia quản lý… hay đầu tư gián tiếp thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu… Trong mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là thành phần tạo nên rủi ro thị trường của cổ phiếu. Một sự thay đổi trong vốn đầu tư nước ngoài có thể làm thay đổi rủi ro thị trường của cổ phiếu đó, từ đó làm tỷ suất sinh lời kỳ vọng của doanh nghiệp thay đổi, cuối cùng là thay đổi giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu. Sự biến động cùng chiều hay ngược chiều giữa vốn đầu tư nước ngoài và giá cổ phiếu có thể giải thích trên quan điểm quy luật cung cầu. Trong mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu, sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài hàm ý rằng lượng cầu cổ phiếu tăng, từ đó làm tăng giá cổ phiếu. Hơn thế nữa, ngoài hình thức đầu tư bằng tiền, hoạt động đầu tư của nước ngoài còn thể hiện qua việc đầu tư về công nghệ, quản lý, nhân sự trình độ cao… tổng hợp các yếu tố này làm triển vọng phát triển của doanh nghiệp được nâng cao, cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng.
Khi nghiên cứu sự tác động của vốn đầu tư nước ngoài vào giá cổ phiếu, nhiều nghiên cứu sử dụng chỉ tiêu vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) như nghiên cứu của Bashir Ahmad Joo và Zahoor Ahmad Mir (2014), nghiên cứu của Dr. Syed
Tabassum Sultana và Prof. S Pardhasaradhi (2012). Mặc dù các nghiên cứu này đều chứng minh luận điểm về tác động tích cực của vốn đầu tư nước ngoài đến giá cổ phiếu, tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp dữ liệu nghiên cứu gồm nhiều doanh nghiệp khác nhau, việc sử dụng chỉ tiêu FDI để áp dụng cho toàn bộ dữ liệu nghiên cứu trở nên không sát thực, vì mỗi một doanh nghiệp đều có tỷ lệ đầu tư nước ngoài khác nhau, do vậy trong đề tài của mình, tác giả lựa chọn tỷ lệ sở hữu cổ phiếu nước ngoài ở từng doanh nghiệp để nghiên cứu.
Ngoài ra, một số nhân tố bên ngoài doanh nghiệp cũng tác động đến giá cổ phiếu như tỷ giá hối đoái, cung tiền… Việc tác động của các nhân tố này đến giá cổ phiếu được thể hiện qua phân tích dưới đây:
Tỷ giá hối đoái: tỷ giá hối đoái có thể tác động đến giá cổ phiểu theo hai hướng. Theo cách yết tỷ giá trực tiếp, tỷ giá tăng làm đồng nội tệ mất giá, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tăng làm giá cổ phiếu tăng. Mặt khác, việc tăng tỷ giá cũng tác động làm hạn chế nhập khẩu, tăng xuất khẩu. Xuất khẩu tăng cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế, từ đó gián tiếp làm tăng giá cổ phiếu, theo Thân Thị Thu Thủy và Võ Thị Thùy Dương (2015).
Cung tiền: Theo Thân Thị Thu Thủy và Võ Thị Thùy Dương (2015), cung tiền tác động đến giá cổ phiếu thông qua chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt. Khi chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, lượng tiền đưa vào lưu thông tăng sẽ làm giảm lãi suất. Đến lượt mình, lãi suất giảm lại tác động làm tăng giá cổ phiếu và ngược lại. Nói cách khác, cung tiền có tác động cùng chiều đến giá cổ phiếu.
Chính sách thuế đối với thu nhập từ chứng khoán: Theo Nguyễn Thị Minh Hà (2015), nếu khoản thuế đánh vào thu nhập từ chứng khoán tăng lên sẽ làm thu nhập của các nhà đầu tư giảm đi tương đối, làm giảm sức hút của cổ phiếu đối với các nhà đầu tư, từ đó làm cho giá chứng khoán giảm và ngược lại.
Ngành nghề kinh doanh: Sự tác động của ngành nghề kinh doanh đến giá cổ phiếu không giống nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia cũng như đặc trưng cụ thể của từng ngành nghề. Nguyễn Thị Minh Hà (2015) cho rằng, mỗi
thời kỳ sẽ có những chính sách kinh tế vĩ mô, những quy định pháp luật khác nhau của chính phủ tùy vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thời kỳ đó, đồng thời do đặc điểm ngành nghề khác nhau, nên mỗi thời kỳ cũng sẽ có những ngành có lợi thế hơn những ngành còn lại. Điều này làm dịch chuyển luồng vốn đầu tư vào các cổ phiếu thuộc những ngành nghề có sự khác biệt, cuối cùng là ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Dễ thấy rằng các nhân tố như tỷ giá, cung tiền, lạm phát,… đều có mối quan hệ nhất định với các nhân tố vĩ mô khác như tăng trưởng kinh tế, lãi suất…, do vậy, khi lựa chọn nhân tố sử dụng trong mô hình, tác giả chỉ lựa chọn một số nhân tố nhất định nhằm giảm tính phức tạp cho mô hình hồi quy.
Bên cạnh nhóm nhân tố có thể lượng hóa được, một số nhân tố bên ngoài khác như sự thay đổi về các điều kiện chính trị, chẳng hạn như chiến tranh hoặc thay đổi cơ cấu Chính phủ, thay đổi về thời tiết và những nhân tố tự nhiên khác, thay đổi về điều kiện văn hoá, như tiến bộ về công nghệ ... cũng có tác động đến giá cổ phiếu. Chẳng hạn như những cú sốc bất ngờ của nền kinh tế như chiến tranh có thể làm giá cổ phiếu giảm do hoạt động đầu tư trở nên kém an toàn dẫn đến việc người dân ưu tiên tiết kiệm hơn đầu tư. Hay những thay đổi trong cơ cấu chính phủ có thể làm gia tăng hoặc giảm bớt niềm tin của người dân vào thị trường tài chính, từ đó mà tác động làm tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Dung (2013), Nguyễn Văn Mỹ (2007) đã chỉ ra rằng, trong điều kiện Việt Nam, nền chính trị tương đối ổn định, những nhân tố phi kinh tế trên chưa thực sự có ảnh hưởng rõ rệt đến giá cổ phiếu.
Nguyễn Thị Mỹ Dung (2013), Nguyễn Văn Mỹ (2007) cũng chỉ ra rằng, một số nhân tố thị trường như các nhân tố đầu cơ, lũng đoạn chứng khoán của cá nhân, các tổ chức, các doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước tạo ra cung cầu chứng khoán giả tạo, làm giá cả hàng hóa chứng khoán bị méo mó hay các chính sách can thiệp của chính phủ, hay yếu tố tâm lý bầy đàn... cũng ít nhiều tác động đến giá cả cổ phiếu, các nhân tố này rất khó đo lường và dự báo, mức độ tác động của chúng phụ thuộc
nhiều vào tính chất hiệu quả của thị trường. Trong điều kiện thị trường hiệu quả, ảnh hưởng của các nhân tố này sẽ không quá đáng kể. Ngược lại, nếu thị trường kém hiệu quả, các nhân tố này có thể gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sự thay đổi giá cổ phiếu.
Nhìn chung, giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố. Tuy nhiên, tùy điều kiện kinh tế và trình độ phát triển mỗi quốc gia mà mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến giá cổ phiếu không giống nhau.