Kiến nghị cho việc hoạch định chính sách của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 86 - 89)

Những phân tích ở chương 2 đã chỉ ra rằng, giá cổ phiếu đối với doanh nghiệp vừa là công cụ phản ánh vị thế của doanh nghiệp trong thị trường, vừa có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp bên cạnh nhiệm vụ tối đa hóa lợi nhuận, còn phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho cổ đông, đồng thời là những người sở hữu doanh nghiệp. Lợi ích này xuất phát phần lớn từ sự tăng trưởng cổ phiếu. Một doanh

nghiệp có lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng hàng năm, nhưng lại duy trì cổ phiếu ở một mức giá cố định trong nhiều năm hoặc một cổ phiếu có giá trị thấp hơn giá trị nội tại của nó, sẽ gặp phải áp lực trước việc các cổ đông không ủng hộ lãnh đạo doanh nghiệp trong triển khai các dự án quan trọng, hay thậm chí bị thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

Như vậy, quản trị giá cổ phiếu là vấn đề bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm. Tùy thuộc vào mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp từng thời kỳ, mà các nhà quản trị có thể đặt ra những chính sách thích hợp nhằm điều chỉnh giá cổ phiếu như mong muốn. Để thực hiện điều này, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Quản trị giá cổ phiếu phải gắn với tình hình phát triển kinh tế vĩ mô: giá cổ phiếu phản ánh vị thế của doanh nghiệp trong thị trường, nhưng trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ cao thì những biến động mang tính vĩ mô như lãi suất, vốn đầu tư nước ngoài... sẽ mang lại rủi ro không nhỏ cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Một nhà quản trị tốt cần chủ động điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của mình cho thích hợp nhằm hạn chế rủi ro về thanh khoản và sụt giảm lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Việc giảm tỷ lệ nợ và duy trì ở mức thích hợp là cần thiết.

Chủ động đặt ra những giải pháp ứng phó thích hơp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn đối với những biến động bất thường của giá cổ phiếu: Một nghịch lý là mặc dù nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá khả quan, song lại có giá cổ phiếu tăng trưởng rất chậm, thậm chí không tăng trưởng. Những doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều áp lực trong việc duy trì sự hài lòng của cổ đông hiện tại, huy động vốn đầu tư từ các cổ đông tiềm năng. Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cần có những giải pháp thích hợp nhằm phát huy sức mạnh nội tại của mình – tức là tác động vào các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, từ đó làm thay đổi giá cổ phiếu theo chiều hướng có lợi hơn. Dựa trên sự tác động cùng chiều của các biến nội tại của doanh nghiệp đến giá cổ phiếu ở mô hình hồi quy, tác giả kiến nghị trong dài hạn, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu tăng trưởng EPS, P/E và cả quy mô cao hơn.

Sự tăng trưởng của hệ số EPS cần được tài trợ dựa trên sự tăng trưởng lợi nhuận, sự tăng trưởng quy mô cần duy trì một cơ cấu nợ và vốn chủ sở hữu hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất sự pha loãng quyền sở hữu của các cổ đông, song song với việc đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều chỉnh giá cổ phiếu thông qua việc điều chỉnh các nhân tố nội tại của doanh nghiệp là quá trình phức tạp và cần thời gian dài. Trong khi trước những áp lực mà doanh nghiệp phải đối mặt, mong muốn của các nhà đầu tư cần được đáp ứng nhanh chóng. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp có thể sử dụng cổ phiếu quỹ như một công cụ có hiệu lực tức thời trong việc thay đổi giá cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu đang được định giá thấp hơn giá trị hợp lý của nó, doanh nghiệp có thể mua cổ phiếu quỹ, hành động này vừa làm lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống, đồng thời làm EPS tăng lên, từ đó nhanh chóng tác động làm tăng giá cổ phiếu, từ đó giúp ổn định tâm lý cổ đông. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu tăng trưởng quá nóng so với giá trị hợp lý của nó, doanh nghiệp cũng có thể thông qua việc bán cổ phiếu quỹ để điều chỉnh giá cổ phiếu giảm xuống tương đối.

Tuy vậy, đây chỉ là một giải pháp tức thời. Hành động mua cổ phiếu quỹ mặc dù làm một vài chỉ số tài chính tốt lên, song trên thực tế điều này không phải xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính – nói cách khác là sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, nên thường không có tính bền vững theo thời gian. Việc doanh nghiệp dùng tiền mua lại cổ phiếu của chính mình cũng đồng thời làm giảm tổng nguồn vốn cũng như lượng tiền mặt hiện có, và điều này lại có thể ảnh hưởng đến khả năng đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng phải đối mặt nguy cơ rủi ro về tài chính, rủi ro thanh khoản gia tăng. Trong dài hạn, có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp cần linh hoạt kết hợp giữa những biện pháp quản trị giá cổ phiếu cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn nhằm đạt mục tiêu mong muốn.

Trên thực tế việc đặt mục tiêu nâng cao giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng được tiến hành thuận lợi, mục tiêu này thậm chí có thể mẫu thuẫn với nhiều mục tiêu

quan trọng khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong giới hạn nghiên cứu của mình, tác giả chỉ đề xuất những kiến nghị có liên quan trực tiếp đến đề tài để góp phần vào việc hoạch định chính sách giá cổ phiếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá thị trường của cổ phiếu nhằm đạt mục tiêu cụ thể từng thời kỳ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thành phố hồ chí minh (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)