Thực trạng hoạt động của các ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 56 - 64)

4.1.4.1 Tăng trưởng tín dụng

Trong giai đoạn 2008-2017, hệ thống các NHTM Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, khiến cho tăng trưởng tín dụng và dự phòng rủi ro tín dụng cũng biến động không ngừng.

Hình 4.5: Mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và dự phòng rủi ro tín dụng

Nguồn: BCTN của các ngân hàng và tổng hợp của tác giả

Năm 2008, do ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính, Ngành ngân hàng Việt Nam phải đối phó với những khó khăn từ thực trạng nền kinh tế, đồng thời chịu sự chi phối của các chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất, tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thắt chặt tín dụng trong nước. Sang năm 2009, hoạt động tín dụng có sự chuyển biến mạnh mẽ do chính sách hỗ trợ lãi suất vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp, điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất tăng cường hoạt động trở lại, khơi thông dòng vốn ứng động trong các NHTM, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng mạnh mẽ từ 18,21% năm 2008 lên 47,3% năm 2009.

Trong năm 2010 – 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng lại giảm xuống, đặc biệt trong năm 2011, tín dụng chỉ tăng trưởng 12.67%. Khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn. Do lãi suất cho vay cao (13.99% năm 2011), các doanh nghiệp trong nước gặp phải khó khăn do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế thế giới, hàng tồn kho nhiều, nên các doanh nghiệp ngại vay vốn. Đặc biệt là chính sách của NHNN quy định tăng trưởng tín dụng của các NHTM đến cuối năm 2011 không được vượt quá 20% nên các ngân hàng hạn chế cho vay và tăng trưởng tín dụng. Sau đó, tỷ lệ này tăng lên 17.76% năm 2013 và giảm nhẹ đạt 14.75% năm 2014.

Ở cuối giai đoạn, tăng trưởng tín dụng của các NHTM được duy trì ổn định, do các chính sách đẩy mạnh tăng trưởng mảng bán lẻ, tăng cường nghiên cứu cho ra những sản phẩm vay hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp đồng thời với kiểm soát chất lượng tín dụng.

Cùng với sự thay đổi của tỷ lệ tăng trưởng tín dụng qua các thời kỳ, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng có những biến động tương ứng. Tuy nhiên, những biến động này có mối tương quan nghịch biến khá rõ ràng trong giai đoạn nghiên cứu, khi tăng trưởng tín dụng tăng lên thì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro giảm đi và ngược lại.

4.1.4.2 Nợ xấu

Nợ xấu chính là các khoản tiền mà ngân hàng cho khách hàng vay nhưng khi đến hạn thu hồi nợ lại chưa hoặc không thể đòi được do yếu tố chủ quan từ chính phía khách hàng như các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức vay tín dụng làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của ngân hàng khi đến kỳ hạn. Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013, nợ xấu là dư nợ của các khách hàng được phân loại nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5. Nợ xấu đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Đây được coi là nguyên nhân chính kìm hãm, hạn chế sự lưu thông của dòng tín dụng trong nền kinh tế.

Nhìn chung tình hình nợ xấu qua các năm của 26 ngân hàng thương mại được nghiên cứu:

Bảng 4.3: Số liệu về nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu bình quân

Năm 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Tổng nợ xấu (tỷ đồng) 24,097 25,082 37,055 54,867 79,549 79,242 73,686 70,410 84,651 91,623 NPL bình quân (%) 2.2 1.72 1.74 2.38 3.42 3.33 2.47 1.96 2.08 1.98

Nguồn: BCTN của các ngân hàng và tổng hợp của tác giả

Năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến các đời sống, thu nhập của cá nhân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, chất lượng tín dụng ngân hàng cũng giảm đi do nhiều khách hàng bị suy giảm hoặc mất khả năng thanh toán nợ vay, khiến tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng ở mức khá cao (2.2%). Sang năm 2009 và năm 2010, tỷ lệ nợ xấu đã được cải thiện, giảm xuống còn 1.72% - 1.74%/năm, do chính sách kích cầu nền kinh tế của chính phủ bằng cách hỗ trợ lãi suất, tín dụng tăng trưởng mạnh, kích thích hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn, khả năng xoay vòng vốn linh hoạt hơn, từ đó chất lượng nợ vay cũng được cải thiện, nợ xấu trên báo cáo tài chính của các ngân hàng giảm đi rõ rệt.

Giai đoạn 2011 đến năm 2013, lạm phát tăng cao, để hạn chế lạm phát, Nhà nước thực hiện thắt chặt tiền tệ, quy định tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 20%, dẫn đến các NHTM hạn chế cho vay, lãi suất huy động và cho vay đều tăng cao nên chỉ có những lĩnh vực sản xuất kinh doanh có rủi ro cao tương ứng với lợi nhuận cao mới có khả năng vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, không có khả năng trả nợ khi đến hạn, làm nợ xấu tăng trở lại, 3.42% năm 2012, cao nhất trong suốt giai đoạn 2008-2017. NHNN cũng đã ban hành rất nhiều quy định để kiểm soát và quản lý tình trạng nợ xấu tại các NHTM,

như ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về những điều khoản chặt chễ hơn về việc phân loại nợ và cách thức trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (có hiệu lực từ tháng 6/2013) và thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để mua lại nợ xấu để giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu. Nợ xấu được xử lý thông qua các hình thức chủ yếu: (i) Vận động khách hàng trả nợ; (ii) Phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay; (iii) Sử dụng dự phòng rủi ro; (iv) Bán nợ cho các tổ chức, cá nhân, trong đó, chủ yếu là bán cho VAMC;... Nợ xấu đã được phản ánh chính xác, minh bạch hơn. Đồng thời, điều này cũng cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, thể hiện qua chiều hướng giảm của tỉ lệ nợ xấu còn 1.98% năm 2017.

Nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau qua các giai đoạn:

Hình 4.6: Mối quan hệ giữa tỷ lệ nợ xấu và dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM giai đoạn 2008-2017

Nhìn chung trong phần lớn giai đoạn nghiên cứu, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các NHTM luôn đi cùng chiều với tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, cho thấy mối tương quan rất rõ nét giữa hai yếu tố này. Nợ xấu của ngân hàng tăng cao mà giá trị tài sản đảm bảo được khấu trừ không đủ, thì số dự phòng phải trích lập cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, vào các năm 2013-2015 hoặc năm 2016-2017 tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng tỷ lệ dự phòng rủi ro tăng, không theo chiều hướng giảm của nợ xấu, mối tương quan này chưa thể hiện sự thuận chiều rõ ràng.

4.1.4.3 Quy mô ngân hàng

Quy mô tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam liên tục tăng lên qua các năm trong giai đoạn 2008-2017.

Hình 4.7: Quy mô tổng tài sản và mối quan hệ giữa quy mô tổng tài sản với dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM được nghiên cứu giai đoạn 2008-2017

Trong vòng 5 năm trở lại đây, quy mô của hệ thống TCTD Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Điển hình trong dữ liệu thu thập từ 26 NHTM của hệ thống, mức tổng tài sản hơn 4,13 triệu tỷ đồng cuối năm 2013, đến cuối năm 2017 con số này đã vượt qua mốc 7,5 triệu tỷ, tức tăng gần gấp đôi sau 5 năm.

Tổng tài sản của hệ thống đang tập trung ở các NHTM Nhà nước (tỷ trọng 44%), sau đó là các NHTM cổ phần (41%). Tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 10%, 5% còn lại là của các loại hình TCTD khác như công ty tài chính, cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân.

Những chuyển biến về quy mô tổng tài sản chưa thể hiện được mối tương quan rõ nét với dự phòng rủi ro tín dụng (Hình 4.7), do dự phòng rủi ro tín dụng còn chịu nhiều tác động từ các yếu tố khác như lãi suất, nợ xấu, lợi nhuận trước thuế,...Cụ thể ở giai đoạn năm 2008-2009 hoặc năm 2012-2013 mối quan hệ này là ngược chiều nhau, nhưng có thể thấy được trong phần lớn giai đoạn năm 2008- 2017, khi quy mô ngân hàng tăng lên về tổng tài sản thì dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng theo.

Do đó, việc phân tích định lượng những số liệu thu thập thực tế từ báo cáo tài chính của các ngân hàng sẽ cho thấy được rõ nét hơn về sự tác động này.

4.1.4.4 Thu nhập trước thuế và dự phòng

Thu nhập trước thuế và dự phòng của các NHTM tăng giảm qua các thời kỳ khác nhau trong giai đoạn 10 năm 2008-2017. Từ năm 2008-2011 thu nhập trước thuế và dự phòng gia tăng liên tục. Theo số liệu tổng hợp từ 26 NHTM nghiên cứu, tổng thu nhập trước thuế và dự phòng năm 2008 là 36.639 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 77.434 tỷ đồng, tăng 111% so với đầu kỳ, cho thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng có chiều hướng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sang năm 2012 kết quả này có chiều hướng giảm đi và còn đạt 66.525 tỷ đồng năm 2013. Thu nhập của ngân hàng có nhiều sự thay đổi là do những ảnh hưởng của tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ở giai đoạn này hiệu quả hoạt động ngân hàng bị suy giảm, nợ xấu gia tăng,..Chính phủ và ngân hàng nhà nước đã có những chính

sách hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động của hệ thống ngân hàng, sau khi lấy lại được đà tăng trưởng trở lại năm 2014, thu nhập trước thuế và dự phòng liên tục tăng và đạt 146.019 tỷ đồng năm 2017, tăng gấp 4 lần so với đầu giai đoạn.

Hình 4.8: Thu nhập trước thuế và dự phòng, mối quan hệ với dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM được nghiên cứu giai đoạn 2008-2017

Nguồn: BCTN của các ngân hàng và tổng hợp của tác giả

Từ năm 2008 đến 2009 tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng có mối quan hệ ngược chiều với thu nhập trước thuế và dự phòng khi giảm từ 1% xuống 0.5% trong khi thu nhập trước thuế và dự phòng tăng lên và sự nghịch biến cũng thể hiện trong giai đoạn 2011-2012. Tuy nhiên, xét tổng thể giai đoạn nghiên cứu, mối quan hệ thuận chiều của hai yếu tố này cũng được thể hiện rõ nét, khi thu nhập trước thuế và dự phòng gia tăng thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng lên.

4.1.4.5 Hệ số rủi ro tín dụng

Chỉ tiêu hệ số rủi ro tín dụng cho thấy tỉ trọng dư nợ tín dụng trong tổng tài sản, thể hiện mức độ rủi ro của hoạt động tín dụng ngân hàng. Trong giai đoạn nghiên cứu, gần như chỉ số này không có biến động lớn và duy trì ở mức khá cao (trên dưới 50%). Sự tăng giảm của hệ số rủi ro tín dụng tương ứng với mức độ tăng trưởng tín dụng.

Hình 4.9: Hệ số rủi ro tín dụng trung bình và mối quan hệ với dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM được nghiên cứu giai đoạn 2008-2017

Nguồn: BCTN của các ngân hàng và tổng hợp của tác giả

Dự phòng rủi ro tín dụng bao gồm dự phòng chung và dự phòng cụ thể, trong đó, dự phòng chung được tính dựa trên dư nợ khách hàng từ nhóm 1-4, do vậy, khi tỷ lệ dư nợ trên tổng tài sản tăng lên thì dự phòng phải trích cũng sẽ tăng theo và ngược lại. Điều này thể hiện khá rõ nét qua số liệu tổng hợp từ năm 2013 đến năm 2017, khi hệ số rủi ro tín dụng tăng từ 52.27% lên 61.62% thì tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tương ứng từ 0.74% lên 0.97% năm 2017.

4.1.4.6 Loại hình Ngân hàng

Bảng 4.4: Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trung bình qua các năm của theo loại hình ngân hàng ĐVT: % NĂM 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 NHTM cổ phần 0.27 0.32 0.26 0.34 0.56 0.47 0.57 0.74 0.75 0.73 NHTM có vốn nhà nước 1.21 0.55 0.76 1.20 1.02 0.95 0.89 0.87 0.89 1.05

Dựa vào bảng 4.4 có thể thấy được tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng khác nhau giữa các loại hình ngân hàng thương mại, cơ chế hoạt động, đặc quyền và các chính sách tín dụng khác nhau cũng làm cho dự phòng phải trích của các ngân hàng khác nhau, nhìn chung tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, cơ chế hỗ trợ hoạt động tín dụng nhiều hơn, dư nợ cũng như dự phòng phải trích lớn hơn, nhất là ở đầu giai đoạn. Về sau, chênh lệch tỷ lệ này ngày càng rút ngắn do việc đẩy mạnh tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần khác, doanh số tín dụng tăng lên mạnh mẽ, mạng lưới hoạt động mở rộng, các chính sách tín dụng cũng dần trở nên đồng đều.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại việt nam (Trang 56 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)