Tăng trưởng GDP
Tăng trưởng GDP là thước đo về sức khỏe của nền kinh tế. Đây là chỉ tiêu vĩ mô tác động đến hoạt động kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế. Ngân hàng sẽ giữ nhiều thanh khoản trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khi mà cho vay sẽ gặp nhiều rủi ro hơn, ngược lại trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, ngân hàng lại có xu hướng giảm dự trữ thanh khoản để cho vay nhiều hơn. Vodová (2013), Moussa (2015), tìm thấy có mối tương quan dương giữa tăng trưởng GDP và khả năng thanh khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Bunda và Desquilbet (2008), Singh và Sharmar (2016) lại tìm thấy mối tương quan âm. Tương tự, Choon và cộng sự (2013) tìm thấy mối tương quan dương giữa tăng trưởng GDP và khả năng thanh khoản ngân hàng với chỉ tiêu thanh khoản đo lường bằng nợ vay trên tiền gửi. Chỉ tiêu này càng cao nghĩa là khả năng thanh khoản càng kém.
Tỷ lệ lạm phát
Trong mọi nền kinh tế, lạm phát được coi là một chỉ số kinh tế quan trọng, cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các xu hướng trong nền kinh tế cũng như các chính sách kinh tế lành mạnh. Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát ổn định là cần thiết
cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia nhưng giảm phát cao cũng là thảm họa cho sự phát triển kinh tế. Tỷ lệ lạm phát là một thước đo định lượng của lạm phát. Tỷ lệ lạm phát thường được đo lường qua tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Vodová (2012), Chagwiza (2014), Singh và Sharmar (2016) tìm thấy có mối tương quan dương giữa tỷ lệ lạm phát và khả năng thanh khoản ngân hàng. Sự gia tăng lạm phát, giảm giá tài sản, lãi suất cao, mở rộng tín dụng, tăng trưởng GDP thực làm ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng. Moussa (2015) lại tìm thấy mối tương quan âm giữa khả lạm phát và khả năng thanh khoản ngân hàng. Muntenu (2012) nghiên cứu khả năng thanh khoản được tính bằng Tài sản thanh khoản/Tiền gửi và vốn ngắn hạn của 27 ngân hàng Romania giai đoạn 2002-2010, chia làm 2 giai đoạn nghiên cứu là trước khủng hoảng (2002-2007) và giai đoạn khủng hoảng (2008-2010). Tác giả thu được kết quả là lạm phát có tương quan âm trong giai đoạn (2002-2007) và tương quan dương trong giai đoạn khủng hoảng (2008-2010).
Tỷ lệ thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ lực lượng lao động không có việc làm đang tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp cao khi nền kinh tế rơi vào tình trạng sản xuất trì trệ, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng ít đi và cơ hội đầu tư cũng ít hơn. Theo Rauch và cộng sự (2010), tỷ lệ thất nghiệp liên quan đến nhu cầu các món vay. Vodová (2012) tìm thấy mối tương quan âm khi nghiên cứu các các ngân hàng Poland. Tỷ lệ thất nghiệp tăng gây tác động làm giảm khả năng thanh khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, Vodová (2013) lại không tìm thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê ở các ngân hàng Hungary. Singh và Sharmar (2016) thì lại tìm thấy mối tương quan dương khi nghiên cứu các ngân hàng Ấn Độ.
Khủng hoảng tài chính
Vodová (2012) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng thanh khoản của các ngân hàng Czech và Slovak thời kỳ 2001-2010. Tác giả sử dụng biến giả khủng hoảng tài chính cho các năm 2008-2009, và không có khủng hoảng ở những năm khác. Vodová tìm thấy mối tương quan nghịch giữa cuộc khủng hoảng tài chính và thanh
khoản ngân hàng. Cuộc khủng hoảng tài chính có thể gây ra do tính thanh khoản yếu kém của các ngân hàng. Mặt khác, sự biến động của các biến kinh tế vĩ mô quan trọng có thể dẫn đến môi trường kinh doanh của các ngân hàng. Sau đó, bất ổn kinh tế sẽ bắt đầu làm xấu đi môi trường kinh doanh của khách hàng vay và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của họ, cuối cùng dẫn đến một sự suy giảm tính thanh khoản của ngân hàng.
Choon và cộng sự (2013) nghiên cứu 15 ngân hàng Malaysia từ 2003-2012 cũng sử dụng biến giả khủng hoảng tài chính cho năm 2007-2008 và tìm thấy khủng hoảng có mối tương quan âm với thanh khoản. Tuy nhiên, Vodová (2013) chọn biến giả khủng hoảng cho năm 2009-2010 khi nghiên cứu ở các ngân hàng Hungary từ năm 2001-2010 lại không tìm thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê của khủng hoảng kinh tế với khả năng thanh khoản.