- Theo thuyết chức năng: Thiết chế xã hội rất cần thiết cho việc đảm bảo sự ổn định của xã hội và là cái để hướng dẫn hành động của con người sao cho phù hợp với những chuẩn mực, quy phạm. Vì vậy, do chức năng và tác dụng của thiết chế đối với xã hội nên phải duy trì và bảo vệ thiết chế. Đồng thời, những người theo thuyết này chống lại các cuộc cải cách thiết chế và cho rằng, sự thất bại của các cuộc cải cách thiết chế là một hành vi phản chức năng đối với thiết chế.
- Trái lại, những người theo thuyết mâu thuẫn (xung đột) lại có cách nhìn phê phán đối với thiết chế. Họ cho rằng, nếu thiết chế tồn tại nhằm duy trì trật tự thì nó ủng hộ vị thế của những người giàu có, chống lại những người nghèo. Nếu chúng hướng dẫn hành vi con người thì lại hạn chế sự tự do của các cá nhân. Do đó, những thất bại của các thiết chế như là kết quả của sự tranh giành quyền lực giữa những người có quyền lợi khác nhau và những cuộc đấu tranh ấy có thể dẫn đến những thay đổi xã hội cần thiết.
Trên thực tế, các thiết chế thường có xu hướng trở thành bảo thủ, kém nhạy cảm và phản ứng không kịp trước những biến đổi xã hội. Do vậy, chúng cần luôn được xem xét, chỉnh lý, cải cách hoặc đổi mới sao cho không bị lạc hậu để làm tốt chức năng quản lý và kiểm soát xã hội.
BÀI TẬP
1. Phân biệt sự giống và khác nhau giữa nhóm xã hội, cộng đồng xã hội và tổ chức xã hội.
2. Theo anh (chị), “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” có phải là một quy định của thiết chế xã hội không? Nếu có, nó thuộc phạm vi điều chỉnh của thiết chế xã hội nào? Nếu chúng ta vi phạm chuẩn mực trên, chúng ta có bị lên án, trừng phạt không? Tại sao?
CÂU HỎI ÔN TẬP
1.Trình bày phạm trù nhóm xã hội. Tại sao xã hội học lại quan tâm nghiên cứu nhóm xã hội?
2.Trình bày phạm trù cộng đồng xã hội. Người ta nói, cộng đồng xã hội là một “biến thái” của nhóm xã hội, theo anh (chị), điều đó có đúng không? Tại sao? 3. Phân tích phạm trù tổ chức xã hội. Phân biệt giữa tổ chức xã hội và thiết chế xã hội.
4. Phân tích phạm trù thiết chế xã hội. Lấy ví dụ về một thiết chế xã hội cơ bản, trong đó làm rõ những thành phân tham gia vào thiết chế xã hội đó và những quy định của thiết chế đối với các cá nhân, nhóm tham gia vào thiết chế xã hội? 5. Vì sao việc duy trì các thiết chế xã hội lại cần thiết đối với sự tồn tại của nhóm xã hội, cộng đồng xã hội và tổ chức xã hội?
Chương 5: VĂN HOÁ VÀ LỐI SỐNG
Văn hoá là cái đánh dấu sự vượt lên những gì là tự nhiên và bản năng của con người. Đó là sản phẩm riêng của xã hội loài người và đối với mỗi cộng đồng xã hội, văn hoá là cái có thể cùng chia sẻ. Còn đối với mỗi cá nhân, văn hoá là do học hỏi mà có – nghĩa là phải tiếp nhận nó bằng con đường xã hội hoá, chứ không phải dựa vào di truyền về mặt sinh học. Chương 5 đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất về văn hoá như khái niệm, cơ cấu của văn hoá, chức năng của nó đối với cá nhân và xã hội và mối liên hệ giữa văn hoá và lối sống. Qua đó, sinh viên sẽ nhận thức được vai trò quan trọng của văn hoá và lối sống, cũng như sự tác động, điều chỉnh của văn hoá đối với các cá nhân trong đời sống xã hội nhằm xây dựng một lối sống có văn hoá.