Xã hội học nghiên cứu cộng đồng xã hội nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề, qua đó, cộng đồng được tăng cường sức mạnh để tăng trưởng kinh tế cộng đồng và tiến bộ cộng đồng. Thông thường, cộng đồng xã hội được nghiên cứu trên hai phương diện:
1.Cấu trúc cộng đồng: bao gồm các giá trị, sắc tộc, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, cơ cấu thành viên, phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng đối với xã hội nói chung.
2.Chức năng của cộng đồng: như quan hệ cộng đồng với các thành viên tham gia, tìm kiếm giải pháp kết hợp tối ưu giữa cộng đồng và cá nhân.
Có thể cụ thể hoá thành những vấn đề sau:
Nghiên cứu hệ thống giá trị, chuẩn mực, văn hoá, phong tục tập quán và vai trò định hướng, điều chỉnh của chúng đối với hành vi, lối sống và cách ứng xử của mọi thành viên trong cộng đồng.
Nghiên cứu nhằm vạch ra những yếu tố tích cực, tiến bộ, những nguồn lực, đặc trưng tiêu biểu phát huy sức mạnh cộng đồng, thúc đẩy cộng đồng phát triển. Đồng thời, chỉ ra những mặt tiêu cực, hạn chế của một số giá trị, chuẩn mực đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế đang biến đổi, đang kìm hãm sự phát triển của cộng đồng.
Đưa ra những dự báo về xu hướng biến đổi của các giá trị, chỉ ra những giá trị mới đang nảy sinh trong đời sống văn hoá – tinh thần của cộng đồng (như về dân số, kinh tế, môi trường....).
Nghiên cứu những nguy cơ, thách thức, thời cơ, vận hội, điều kiện và những biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến đời sống cộng đồng để phát huy sức mạnh, bản sắc cộng đồng và tránh nguy cơ tụt hậu so với các cộng đồng khác. Mục đích là để khắc phục những yếu tố tiêu cực, phát huy những nhân tố tích cực, tăng cường sức mạnh cộng đồng, điều hoà lợi ích, giải quyết các xung đột, làm cho cộng đồng ổn định và phát triển.
Ví dụ: Nâng đỡ các nhóm người đặc biệt trong cộng đồng như các đối tượng chính sách, người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật, cải tạo những nhóm ngoài lề, lệch chuẩn nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài cho toàn cộng đồng.