7. CÔNG TY CỔ PHẦN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
7.1 Chứng khoán và thị trường chứng khoán
Pháp luật chứng khoán Việt Nam giải thích khái niệm “chứng khoán” theo phương pháp khái quát kết hợp với phương pháp liệt kê. Theo đó, chứng khoán (CK) là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm a) cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán (khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán)
Pháp luật CK của Mỹ18 liệt kê các loại CK, bao gồm chứng nhận (note), cổ phiếu (stock), cổ phiếu quỹ (treasury stock), hợp đồng giao dịch CK tương lai (security future), trái phiếu (bond), tín phiếu, chứng nhận nợ, chứng chỉ xác nhận lợi ích hay việc tham gia vào thỏa thuận chia lợi nhuận, chứng chỉ tín thác cầm cố
(collateral-trust certificate), chứng nhận tiền tổ chức hoặc đăng ký (preorganization certificate/ subscription), cổ phần có thể chuyển nhượng, hợp đồng đầu tư, chứng chỉ tín thác bỏ phiếu (voting-trust certificate), chứng chỉ ký thác CK, lợi ích chưa chia một phần đối với dầu, ga hoặc các quyền về khoáng sản khác, các quyền chọn (option), các quyền chọn hay đặc quyền về CK (Điều 2(a)(1) Luật chứng khoán 1933, Điều 3(a)(10) Luật giao dịch chứng khoán 1934). Như vậy, các công cụ được xem là CK theo pháp luật CK Mỹ là rất đa dạng.
Theo pháp luật Đức, chứng khoán (Wertpapier) được hiểu là chứng chỉ ghi nhận một quyền tư theo cách thức mà để thực hiện
quyền yêu cầu người yêu cầu phải chiếm hữu chứng chỉ đó. Tuy nhiên chứng khoán có thể giao dịch trên thị trường CK lại được gọi là “Effekten”, bao gồm trước hết cổ phiếu (Aktien), chứng chỉ
ghi nợ (Obligation) hay quyền mua (Bezugsrecht).
Tuy nhiên, theo pháp luật CK Việt Nam hiện hành, các công cụ tài chính đó chỉ được xem là CK khi chúng được phát hành ra công chúng trên thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật CK (khoản 1, 13 Điều 6 Luật Chứng khoán).
Thị trường giao dịch chứng khoán (TTCK) là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch CK (khoản 18 Điều 6 Luật Chứng khoán). Hiện nay, TTCK mới chỉ tồn tại dưới dạng “thị trường giao dịch tập trung”, được tổ chức dưới hình thức Trung tâm Giao dịch chứng khoán hoặc Sở Giao dịch chứng khoán.
TTCK phát triển có nhiều hình thức tổ chức đa dạng. Từ góc độ quản lý nhà nước người ta có thể phân biệt giữa thị trường chính thức (official dealing/official quotation/official market), thị trường điều tiết (regulated market), thị trường tự do (giao dịch các chứng khoán không niêm yết trên các thị trường chính thức và điều tiết). Từ góc độ hình thức giao dịch người ta có thể phân biệt giữa giao dịch trực tiếp, giao dịch máy tính và giao dịch điện thoại. Người ta cũng có thể phân chia TTCK theo chủng loại CK thành các phân nhánh như thị trường cổ phiếu (equity market), thị trường trái phiếu (bond market) cùng với các chứng khoán phái sinh từ cổ phiếu hay trái phiếu.
Chủ thể tham gia vào TTCK trước hết là người gọi vốn đầu tư và người góp vốn đầu tư. Người gọi vốn có thể là chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, nhưng cũng còn cả các tổ chức xã hội. Người đầu tư có thể là cá nhân (thường được gọi là công chúng đầu tư), các tổ chức kinh tế và cả các tổ chức xã hội.
Bên cạnh người gọi vốn đầu tư và người góp vốn đầu tư theo nghĩa truyền thống, tham gia vào TTCK còn có cả những người đầu cơ. Những người đầu cơ có thể là cá nhân, các tổ chức kinh tế, họ tập trung trước hết vào các TTCK phái sinh như thị trường kỳ hạn, thị trường quyền chọn hay thị trường ngoại hối. Hoạt động của những người đầu cơ giúp cho TTCK khoán sôi động, tăng tính thanh khoản của CK và giúp đồng vốn luân chuyển.
Các tổ chức kinh tế, đặc biệt là công ty CP cần đến TTCK là kênh huy động vốn dài hạn hoạt động theo nguyên tắc đầu tư. Khác với kênh huy động vốn ngân hàng theo nguyên tắc tín dụng, ở đây người đầu tư (trước hết là người đầu tư cổ phiếu) cùng chia sẻ rủi ro với CTCP.