Khái quát về Đại học Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 69 - 72)

Đại học Thái Nguyên nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Đông Nam giáp hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc và phía Nam tiếp giáp với huyện Sóc Sơn thuộc ngoại thành Hà Nội. Thái Nguyên là tỉnh có địa hình khá đa dạng, bao gồm: vùng cao, vùng giữa và vùng thấp, với 9 đơn vị hành chính gồm 02 thành phố, 01 thị xã và 06 huyện.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 9 dân tộc anh em cùng chung sống, bao gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Dìu, Sán Chay, Dáy và người Hoa, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 30% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc sinh sống rải rác ở các vùng cao, vùng sâu nên trình độ sản xuất cũng như phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân tộc còn lạc hậu, mức sống và điều kiện sống thấp, chậm được cải thiện. Điều kiện giao lưu và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Thái Nguyên là tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cách cảng Hải Phòng 200 km. Hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh thành. Đường quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; quốc

lộ 1B nối với Lạng Sơn; quốc lộ 37 nối với Bắc Ninh, Bắc Giang. Hệ thống đường sông Đa Phúc đi Hải Phòng. Đường sắt nối Thái Nguyên với Hà Nội và Lạng Sơn.

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh. Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên nằm trong khu ATK của Trung ương Đảng (khu di tích ATK tại huyện Định Hóa). Ngoài ra, Thái Nguyên còn có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Hang Thần Sa - Thác Mưa Bay, Hồ thủy lợi Văn Lăng…

Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với 7 trường Đại học, 11 trường Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 9 trung tâm dạy nghề, với lực lượng trí thức, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật đông đảo góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Đại học Thái Nguyên là một trong 5 Đại học của Việt Nam thực hiện theo mô hình Đại học hai cấp, vừa đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Sau 24 năm xây dựng (1994 - 2018), Đại học Thái Nguyên không ngừng phát triển và hoàn thiện theo mô hình của một đại học vùng, đa cấp, đa ngành bao gồm: các đơn vị quản lý, các đơn vị đào tạo, các đơn vị nghiên cứu và các đơn vị phục vụ đào tạo. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có tổng số 27 đơn vị thành viên, trong đó có 07 trường đại học, bao gồm: Đại học Sư phạm, Đại học Y - Dược, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Nông Lâm, Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Khoa học, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông; có 07 đơn vị nghiên cứu, bao gồm: Bệnh viện Trường Đại học Y Khoa, Viện Khoa học Sự sống, Viện nghiên cứu Xã hội và Nhân văn Miền núi,

Viện nghiên cứu Kinh tế, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vùng Đông Bắc, Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ cao về Kỹ thuật Công nghiệp, Viện Kinh tế, Y tế và các vấn đề xã hội; có 09 đơn vị phục vụ đào tạo, bao gồm: Nhà xuất bản, Trung tâm Học liệu, Trung tâm Giáo dục Quốc Phòng, Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Đào tạo Tiền tiến sĩ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Phát triển nguồn lực ngoại ngữ, Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý.

Trong 07 trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên có chức năng đào tạo các ngành nghề khác nhau. Trường Đại học Sư phạm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý kinh tế. Trường Đại học Khoa học đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Trường Đại học Nông - Lâm đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên, môi trường. Trường Đại học Y - Dược đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế trình độ đại học, sau đại học. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 4.146 cán bộ viên chức, trong đó có 2.621 cán bộ giảng dạy với 13 Giáo sư, 141 Phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 28 Nhà Giáo nhân dân và Nhà Giáo ưu tú, 2 thầy cô được phong tặng Anh hùng lao động, 15 chiến sĩ thi đua toàn quốc [120]. Đại học Thái Nguyên chủ yếu tập trung phát triển các ngành nghề đào tạo các bậc học từ Đại học trở lên với 141 ngành đào tạo trình độ đại học, 60 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 13 chuyên ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa I, 7 chuyên ngành đào tạo Bác sĩ chuyên khoa II, 4 chuyên ngành đào tạo Bác sĩ nội trú, 32 ngành tiến sĩ thuộc nhiều

lĩnh vực khoa học: tự nhiên, xã hội, nhân văn, nông, lâm nghiệp, kinh tế, quản trị quản lí, y học, kỹ thuật và công nghệ... ở các cơ sở giáo dục đại học thành viên và khoa trực thuộc.

Để phát triển và khẳng định thương hiệu, Đại học Thái Nguyên không ngừng triển khai và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đại học Thái Nguyên đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo sinh viên nước ngoài và trao đổi sinh viên đi học tập ở các nước. Hiện Đại học Thái Nguyên đang đào tạo hơn 600 sinh viên đến từ một số nước trên thế giới như: Lào, Campuchia...

Đại học Thái Nguyên có nhiều thuận lợi trong công tác đào tạo như: có hệ thống các đơn vị đào tạo, đơn vị nghiên cứu và đơn vị phục vụ đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; đội ngũ cán bộ giảng viên đông, có trình độ cao, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục; được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh Thái Nguyên và Bộ Giáo dục... Bên cạnh những thuận lợi đó, Đại học Thái Nguyên còn có những khó khăn như: đời sống và làm việc của cán bộ, giảng viên còn nhiều khó khăn, nhất là giảng viên trẻ; kinh phí đầu tư cho xây dựng và trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu; sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường,... Các điều kiện trên là nhân tố tác động không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(193 trang)
w