Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên Đại học Thái Nguyên thông qua tấm gương đạo đức

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 141 - 144)

Nguyên thông qua tấm gương đạo đức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biện pháp nêu gương trong giáo dục và rèn luyện đạo đức. Người là chủ thể của hoạt động giáo dục, đồng thời, Người cũng là một tấm gương vô cùng mẫu mực, là một điển hình tiêu biểu để sinh viên học tập và noi theo.

Giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh thông qua phương pháp nêu gương là một trong những giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức cho sinh viên nói riêng. Thông qua những tấm gương sẽ hình thành niềm tin cho sinh viên Đại học Thái Nguyên về tính đúng đắn, thiết thực của hoạt động giáo dục và học tập đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó, tạo ra động lực thôi thúc sinh viên tự phấn đấu rèn luyện theo gương những nhân tố điển hình được tuyên dương. Biện pháp nêu gương còn là cơ sở để sinh viên phát triển cái tốt, cái thiện.

Tấm gương đạo đức để sinh viên học tập, noi theo trước hết là những cá nhân, tập thể điển hình ngay trong lớp, trong trường. Tấm gương đó là những sinh viên có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, chấp hành tốt quy chế nhà trường, gương mẫu trong cuộc sống, quan hệ tốt với những người xung quanh, có lối sống, đạo đức trong sáng. Những tập thể điển hình là tập thể lớp, tập thể chi đoàn, liên chi đoàn, tập thể khoa sinh viên, các câu lạc bộ. Đại học Thái Nguyên phải thường xuyên tổ chức khen thưởng để khích lệ, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích cao và nhân rộng điển hình tiên tiến đến các trường, đồng thời, có hình thức xử lý kỉ luật với những cá nhân, tập thể chưa hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh những tấm gương đạo đức trong nhà trường, việc nêu gương người tốt, việc tốt ngoài xã hội có vai trò lớn trong giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Đó là những tấm gương trong học tập, trong lao động, sản xuất, trong giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của dân tộc. Đặc biệt, những thanh niên tiên tiến là những người gần gũi nhất với sinh viên. Vì vậy, Đoàn

thanh niên, Hội sinh viên cần sưu tầm, tìm hiểu gương thanh niên tiên tiến trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, giới thiệu những chương trình như “Sinh ra từ làng”, nêu gương thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”… để giáo dục cho sinh viên.

Trong những tấm gương để sinh viên học tập, không thể phủ nhận được tấm gương đạo đức người thầy - giảng viên. Bởi lẽ, người thầy ảnh hưởng lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức của sinh viên. Người thầy chính là người lái đò dìu dắt thế hệ trẻ thành người, do đó, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Dạy học là nghề đào tạo con người, là nghề lao động nghiêm túc và gian nan. Nó đòi hỏi người thầy phải có đức và có tài. Đức của người thầy là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với sinh viên, còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn… Đồng thời, mục đích sống, lý tưởng nghề nghiệp của giảng viên cũng có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của sinh viên, thể hiện bằng lòng yêu nghề, nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc, có trách nhiệm và tận tụy với sinh viên, có tác phong làm khoa học, dân chủ, có lối sống giản dị, hòa nhã, đoàn kết, chân thành…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…” [104, tr.403]. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương của người thầy. Người thường dặn dò, các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học trò noi theo.

Để giảng viên Đại học Thái Nguyên xứng đáng là tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên noi theo, mỗi giảng viên cần làm

tốt những yêu cầu sau: Phải luôn trau dồi và nâng cao phẩm chất, năng lực của mình, điều đó là yêu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, vừa là yêu cầu cả xã hội đặt ra, người thầy phải luôn: “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện”. Phải tích dồi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để đủ năng lực đào tạo ra những sinh viên có chất lượng. Phải thể hiện bản lĩnh, sự trung thực, can đảm, dám đứng lên bảo vệ chính nghĩa, đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, những thói hư tật xấu, bảo vệ sự trong sáng, cao thượng và danh dự của người thầy. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi giảng viên phải trở thành tấm gương về lòng yêu nước, yêu thương con người, đời sống khiêm tốn, giản dị, có ý chí và nghị lực vươn lên.

Trong công tác giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, Đại học Thái Nguyên cần quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên về mọi mặt (chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…). Giảng viên cần nắm vững nội dung cơ bản trong đạo đức Hồ Chí Minh, coi công tác giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm chính trị trong hoạt động giảng dạy, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo đạo đức Hồ Chí Minh trở thành tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh vào môn học, trong các buổi sinh hoạt lớp, trong hoạt động ngoại khóa.

Đại học Thái Nguyên cần quan tâm, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho giảng viên nói chung và giảng viên dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, để họ có thể chuyên tâm vào chuyên môn. Giải pháp này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để giảng viên có thể nâng cao trình độ giảng dạy. Mặc dù, các giảng viên rất tâm huyết với nghề, có nhận thức đúng đắn, ý thức trách nhiệm cao, nhưng không được tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần thì họ cũng không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Đại học Thái Nguyên cần có một cơ chế cụ thể cho cán bộ, giảng viên, có sự hỗ trợ kịp thời để họ ổn định cuộc sống riêng và có nhiều thời gian dành cho công việc.

Đại học Thái Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và có hình thức kỉ luật kỉ luật đối với những giảng viên vi phạm. Đây là biện pháp gián tiếp khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác chuyên môn, đồng thời hạn chế những hiện tượng gây cản trở và ảnh hưởng xấu tới đội ngũ giảng viên trong môi trường sư phạm.

Giảng viên dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh cần trau dồi, tích luỹ thêm kiến thức, đặc biệt là kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để những bài giảng sâu hơn và phong phú hơn. Để làm được điều đó, giảng viên phải nắm vững được bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, những nhận thức mới về thời đại. Giảng viên cần lựa chọn đúng những vấn đề sinh viên đang cần, từ đó lý giải những vấn đề cuộc sống đặt ra. Đại học Thái Nguyên cần tăng cường thêm cả số lượng giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành, hoặc đối với giảng viên kiêm dạy cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, dự giờ, cử tham gia lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, hội thảo về Hồ Chí Minh… để nâng cao chất lượng giảng viên.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 141 - 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(193 trang)
w