đức sinh viên
Một là, giáo dục cho sinh viên nhận thức được vai trò của đạo đức Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin lớn vào thế hệ trẻ Việt
Nam. Người thường ví thanh niên như mùa xuân trăm hoa đua nở: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [94, tr.194], hay thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà” [95, tr.216]. Vì vậy, cần giáo dục để sinh viên thấy rõ tầm quan trọng của việc tu dưỡng đạo đức và năng lực để có đủ đức, đủ tài.
Hồ Chí Minh yêu cầu sinh viên phải lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng. Có đạo đức làm nền tảng, sinh viên mới hoàn thành được nhiệm vụ học tập, tu dưỡng nhân cách để chuẩn bị cho tương lai, để tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn trở thành người có ích cho cách mạng,
thì trước hết sinh viên phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp. Cái tâm, cái đức ấy phải được thể hiện trong các mối quan hệ hàng ngày với với cha mẹ, với thầy, cô giáo, với bạn bè, với mọi người xung quanh.
Vì vậy, muốn tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức theo đạo đức Hồ Chí Minh trước hết sinh viên cần hiểu được, nắm vững vai trò đạo đức đối với bản thân mình, với xã hội. Đạo đức là nền tảng để hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi sinh viên. Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là sự chuẩn bị một nền tảng vững chắc, một hành trang tốt đẹp cho sinh viên bước vào đời.
Hai là, giáo dục cho sinh viên những phẩm chất đạo đức cơ bản Giáo dục lòng yêu nước, thương dân
Lòng yêu nước, thương dân là một phẩm chất quý báu của dân tộc ta. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất quan tâm giáo dục lòng yêu nước, thương dân cho thế hệ trẻ.
Theo Hồ Chí Minh, với sinh viên yêu nước là việc gì có lợi cho Tổ quốc phải làm, “cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại” [99, tr.178]. Yêu Tổ quốc không chỉ dừng lại ở lý tưởng chung chung, mà được thể hiện cụ thể trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trong lao động, trong hoạt động hàng ngày của cuộc sống. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?” [99, tr.265]. Đồng thời, Người cũng chỉ ra biện pháp cụ thể để sinh viên thể hiện lòng yêu nước: “Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” [101, tr.400].
Lòng yêu nước của sinh viên được thể hiện qua việc tích cực học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập. Hồ Chí Minh chỉ ra học tập
là nhiệm vụ chính của sinh viên, mục đích học tập để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh…” [99, tr.178], để làm tròn nhiệm vụ người chủ tương lai của nước nhà. Sinh viên tích cực nghiên cứu khoa học để góp sức vào sự phát triển đất nước. Người yêu cầu sinh viên phải yêu khoa học, “cái gì trái với khoa học, chúng ta phải kiên quyết chống lại” [99, tr.178].
Bên cạnh lòng yêu nước, Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên, sinh viên phải yêu thương nhân dân, yêu thương con người. Yêu nhân dân là việc gì có lợi cho nhân phải gắng sức làm, việc gì có hại cho nhân dân kiên quyết tránh. Người nói với sinh viên: “việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại” [99, tr.178]. Với sinh viên, yêu thương nhân dân trước hết thể hiện ở lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Người nhắc nhở: “Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần” [99, tr.178]. Sinh viên phải kính trọng, giúp đỡ đồng bào, những người cùng cảnh ngộ. Trong bài nói chuyện tại Đại hội sinh viên Việt Nam (1958), Hồ Chí Minh nhắc nhở sinh viên: “phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn… với nhân dân” [101, tr.400].
Tình yêu thương nhân dân, yêu thương con người đòi hỏi sinh viên phải luôn luôn gắn với hành động thiết thực chứ không dừng lại ở lời nói. Sinh viên cần tích cực tham gia các phong trào đoàn, hội, các hoạt động xã hội như ủng hộ, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, hoạt động tình nguyện, hiến máu nhân đạo... do nhà trường và cộng đồng tổ chức. Đồng thời, sinh viên có thái độ đúng đắn, đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sai trái, gây phiền hà cho những người xung quanh. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi sinh viên phải “nâng cao cảnh giác” [100, tr.189].
Như vậy, giáo dục lòng yêu nước, thương dân là làm cho mỗi sinh viên phát huy tính tự nguyện, tự giác suốt đời phấn đấu cho cho độc lập của Tổ
quốc, tự do cho nhân dân, xây dựng xã hội chủ nghĩa, biến lý tưởng xã hội của Đảng, của dân tộc thành hiện thực. Sinh viên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc và nhân dân cần, dù nhiều khó khăn và thử thách. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” [102, tr.613].
Giáo dục phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính”
Bốn phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng, là gốc của đạo đức mỗi người, cũng là nền tảng đạo đức của mỗi sinh viên.
Giáo dục phẩm chất Cần cho sinh viên trước hết là giáo dục tinh thần chăm chỉ trong học tập và rèn luyện, nhưng chăm chỉ phải gắn phải gắn với siêng năng tức là bền bỉ, dẻo dai. Hồ Chí Minh nói: “Phải siêng học, phải siêng làm” [94, tr.194]. Đồng thời, sinh viên cần có kế hoạch đúng đắn, thiết thực cho quá trình học tập, luôn gắn lý thuyết với thực hành, tích cực tham gia các câu lạc bộ học tập, nhóm bạn cùng tiến. Người chỉ ra: “thanh niên có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào” [94, tr.122]. Mặt khác, sinh viên phải đấu tranh chống lại biểu hiện lười biếng, học xổi, học đối phó trong học tập của bản thân và bạn bè xung quanh.
Kiệm đối với sinh viên là tiết kiệm mọi mặt trong đó có thời gian, tiền bạc và sức lực. Tiết kiệm thời gian là sinh viên phải sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, sinh hoạt hợp lý, khoa học. Tiết kiệm sức lực là việc nào nên làm trước, việc nào làm sau, ưu tiên sức khỏe cho những việc quan trọng. Tiết kiệm tiền bạc là chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tiết kiệm giấy, bút, điện, nước... Khi nói về đời sống mới trong trường học, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật” [105, tr.120].
Liêm đối với sinh viên là luôn có ý thức giữ gìn bảo vệ của công nơi mình học tập, luôn trong sáng, không tham gì ngoài ham học hành, nâng cao
trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tin học, ham học hỏi, cầu tiến bộ... để hoàn thiện bản thân. Người nói: “phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi” [105, tr.464]. Đồng thời, sinh viên cũng cần chống lại tư tưởng ham sung sướng, “Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc” [99, tr.265], không có ý chí vươn lên.
Chính đối với sinh viên là ngay thẳng, trung thực, thật thà. Trong buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân (1955), Hồ Chí Minh nói với sinh viên: “Cần phải trung thành, thật thà, chính trực” [99, tr.265]. Đối với bản thân luôn luôn phấn đấu học tập tốt, khắc phục điểm hạn chế và phát huy thế mạnh của mình, “Chống kiêu ngạo, giải dối, khoe khoang” [99, tr.265]. Đối với thầy cô luôn có thái độ lễ phép, kính trọng và với bạn bè luôn hòa đồng. Trong học tập và rèn luyện: phải trung thực trong thi cử, không quay cóp, không chạy điểm... Đồng thời, có thái độ lên án, phê phán những biểu hiện và hành vi đi ngược lại với phẩm chất “chính”.
Giáo dục phẩm chất “Đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”
Đoàn kết là một truyền thống quí báu của dân tộc ta. Nhờ có truyền thống đoàn kết, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đánh bại âm mưu xâm lược của các nước đế quốc lớn mạnh, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hồ Chí Minh nhận định rằng, đoàn kết sẽ tạo ra lực lượng, đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [103, tr.119]. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đoàn kết, nhằm xây dựng cho sinh viên ý thức cộng đồng, ý thức tập thể. Qua đó, sinh viên có phương pháp tốt để giải quyết được mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với xã hội, biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cái chung.
Trong 5 điều dạy thanh niên, Hồ Chí Minh có nhắc nhở: “Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau” [104, tr.619]. Đối với sinh viên, trong quá
trình học tập cần nêu cao tinh thần đoàn kết với bạn bè, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, cùng nhau phấn đấu để đạt mục tiêu trở thành người chủ tương lai vừa có đức, vừa có tài. Đồng thời, phải khoan dung, độ lượng, phải tôn trọng bạn bè, Người nói: “các cháu học tập, ăn ở tập thể đông đảo, trai có, gái có. Các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em, chị em; đồng thời phải kính trọng nhau như đồng học, đồng chí” [99, tr.266]. Sinh viên cần có thái độ khiêm tốn, đúng mực với thầy cô giáo, chăm chỉ học tập, tiếp thu những lời chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ hơn. Một tập thể mạnh là khi tập thể đó đoàn kết và luôn thương yêu giúp đỡ nhau. Làm được điều đó là mỗi sinh viên đã phát huy được truyền thống đoàn kết của dân tộc và học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo dục tinh thần đoàn kết của sinh viên còn phải gắn với tinh thần đoàn kết quốc tế. Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng đòi hỏi sinh viên phải luôn quan tâm đến tình hình thế giới. Nói chuyện tại buổi lễ khai mạc trường Đại học nhân dân Việt Nam, Người nhắc nhở sinh viên: “Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới” [107, tr.265]. Đồng thời, giáo dục sinh viên cần quan tâm đến cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản các nước, của các dân tộc, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường hiểu biết, hữu nghị, đoàn kết với sinh viên các nước; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, đóng góp tích cực vào phong trào thanh niên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Giáo dục phẩm chất “Yêu lao động, có ý thức tổ chức kỷ luật”
Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của lao động. Người cho rằng, lao động không chỉ quyết định đến sự tồn tại của con người, mà còn là thước đo sự văn minh, là sức mạnh của mỗi dân tộc. Người yêu cầu: “Tất cả mọi
người phải lao động. Có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn” [100, tr.534]. Với thanh niên, Người cũng nhấn mạnh, sống trong xã hội phải coi trọng lao động, yêu lao động, “ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại” [99, tr.178], phải “khổ cán, hạnh cán, thực cán” [94, tr.176], nghĩa là làm việc hết sức mình, làm việc có chất lượng, có hiệu quả, có năng suất.
Nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập và rèn luyện để ngày mai lập nghiệp. Tinh thần yêu lao động của sinh viên là phải được thể hiện trong quá trình học tập, đó là sự chăm chỉ, say mê, tận tâm, tận lực, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo để trau dồi kiến thức, kỹ năng tốt phục vụ cho quá trình lao động ngoài xã hội. Đồng thời, sinh viên cần thể hiện tinh thần yêu lao động trong cuộc sống như là tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện vì cộng đồng, các hoạt động ngoại khóa, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Thông qua lao động sẽ bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cao đẹp, phát huy năng lực, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng cho mỗi sinh viên. Hồ Chí Minh cho rằng, thông qua lao động giúp sinh viên biết kính trọng sự cần lao, có sức khỏe tốt và rèn luyện chí khí.
Bên cạnh việc giáo dục tinh thần yêu lao động, cần giáo dục cho sinh viên ý thức tổ chức, kỷ luật. Vì theo Hồ Chí Minh, “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật” [101, tr.401]. Người căn dặn sinh viên “phải giữ gìn kỷ luật”. Kỷ luật ở đây không chỉ là kỷ luật hành chính mà còn là kỷ luật tự nguyện, tự giác, kỷ luật giữa con người với nhau, nhằm nâng cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm. Đối với sinh viên ý thức tổ chức, kỷ luật được thể hiện trong việc luôn luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà trường, của đoàn, hội, của lớp và thực hiện có hiệu quả những nguyên tắc đặt ra cho bản thân mình, phù hợp với lợi ích chung.
Trong tư tưởng đạo đức, Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm, thực hành chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân. Người yêu
cầu sinh viên cần phải “Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do” [104, tr.619]. Sinh viên cần kiên quyết đấu tranh loại trừ mọi thói hư, tật xấu như: lười biếng, tùy tiện, vô ý thức tổ chức, kỷ luật, học đòi, kiêu căng, tự mãn... Đây là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, là kẻ thù của đạo đức cách mạng. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân cần giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm tốt đẹp, nâng cao tính tự giác, tự giáo dục, tự rèn luyện; giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật, nội quy, quy chế... cho sinh viên.