Bản chất, đặc điểm đạo đức Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 39 - 43)

Bản chất đạo đức Hồ Chí Minh

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng.

Từ rất sớm, trong tác phẩm lý luận đầu tiên “Đường cách mệnh” (1927), Người viết để huấn luyện cán bộ cách mạng, điều đầu tiên được đề cập là tư cách người cách mệnh, trong đó nhấn mạnh đến những phẩm chất đạo đức cách mạng như: Cần kiệm, hòa mà không tư, nhẫn nại, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng ham muốn về

vật chất… Năm 1947, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân Chủ ra đời, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, chỉ ra những “căn bệnh” suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc. Năm 1958, Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, chỉ ra đạo đức cách mạng là gì và yêu cầu người cán bộ phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Nhân nhân dịp kỉ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1969), Người đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, chỉ ra biện pháp quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng. Trước khi đi xa, trong bản “Di chúc” để lại, khi nói về Đảng, Hồ Chí Minh cũng căn dặn Đảng phải rất coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thanh niên.

Qua những tác phẩm, bài viết trên cho thấy Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ và sâu sắc vai trò của đạo đức cách mạng đối với sự nghiệp cách mạng. Người đã định nghĩa đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng… Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng… Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc [101, tr.603].

Đạo đức cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng và cùng với Đảng ta xây dựng, bồi đắp đó là đạo đức cách mạng, khác với đạo đức cũ về chất. Người nói: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời” [97, tr.220]. Đạo đức cũ do chế độ thực dân, phong kiến để lại, là đạo đức ích kỷ, kìm hãm trói buộc con người. Còn đạo đức mới là đạo

đức vì nước, vì dân. Đây là đạo đức cách mạng lấy chủ nghĩa tập thể làm nguyên tắc, làm cơ sở khoa học và làm trung tâm phát triển. Bởi lẽ, đạo đức đó “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” [95, tr.292].

Như vậy, có thể khẳng định rằng bản chất của đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức vĩ đại, không phải vì lợi ích cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người, vì sự nghiệp giải dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

Đặc điểm đạo đức Hồ Chí Minh

Một là, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một người yêu nước, một chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một con người suốt đời phấn đấu, hy sinh cho đất nước được độc lập, nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc sa vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó” [84, tr.272].

Hai là, đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, của tinh hoa đạo đức nhân loại mà đỉnh cao là đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng.

Ba là, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tính thống nhất giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và thực tiễn đời sống đạo đức của Người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò của đạo đức đối với mỗi con người và đời sống xã hội, những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới. Thực tiễn đời sống đạo đức là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua quá trình hoạt động cách mạng, qua lối sống, sinh hoạt, qua các mối quan hệ với mình, với con người, với công

việc, trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Đạo đức Hồ Chí Minh có sự thống nhất với tư tưởng đạo đức nhưng không đồng nhất. Tư tưởng đạo đức là phần lý luận, quan điểm, triết lý của Người về đạo đức. Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lý luận, tư tưởng về đạo đức mà còn là đời sống đạo đức. Trong đạo đức Hồ Chí Minh còn có sự thống nhất giữa đạo đức với chính trị, giữa đạo đức với pháp luật, giữa đạo đức với hiệu quả công việc, giữa đạo đức và tài năng, đạo đức đời thường với đạo đức cách mạng, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp. Trong sự thống nhất đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi con người phải gắn việc rèn luyện đạo đức với nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tính toàn diện và bao quát. Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng đạo đức cho mọi đối tượng: từ cán bộ chiến sĩ quân đội, công an đến công nhân, nông dân, trí thức; từ thiếu niên nhi đồng, thanh niên đến phụ nữ, phụ lão; từ đồng bào các dân tộc thiểu số cho đến các nhà tu hành; từ đạo đức công dân đến các chính khách... Với mỗi đối tượng khác nhau, Người yêu cầu xây dựng những phẩm chất đạo đức phù hợp với đối tượng đó, nhưng không tách rời mà thống nhất ở những giá trị đạo đức cốt lõi.

Trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người: từ việc chung đến việc riêng, từ trong chiến đấu, trong lao động, học tập, công tác đến những sinh hoạt hàng ngày... Những hoạt động đó chính là môi trường thực tiễn để thử thách, rèn luyện và đánh giá phẩm chất của mỗi con người. Trong mọi phạm vi: từ cá nhân đến tập thể, từ gia đình đến xã hội, từ giai cấp đến dân tộc, từ dân tộc đến quốc tế. Trong các phạm vi này, Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò của từng con người cụ thể trong tổ chức, trong tập thể. Bởi lẽ, một tổ chức, một tập thể, một dân tộc có vững mạnh phải xuất phát từ sự tiến bộ, phát triển của mỗi cá nhân, mỗi con người, mỗi đảng viên. Trong các mối quan hệ đạo đức của con người: đối với mình, đối với người và đối với việc.

Một phần của tài liệu Luận Án Lương Thị Thúy Nga (Trang 39 - 43)