phi đạo đức
“Xây đi đôi với chống” là một nguyên tắc cơ bản để rèn luyện đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời là một nguyên tắc để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức với sinh viên.
Đối với sinh viên, “xây” là xây dựng, học tập, tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, xây dựng tập thể tốt, xây dựng tinh thần yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, xây dựng ý thức tổ chức, kỷ luật... “Chống” là chống lại những biểu hiện trái với đạo đức như: lười biếng, giả dối, lãng phí, kiêu ngạo, vô tổ chức, vô kỷ luật, mất đoàn kết, chỉ lo cho lợi ích cá nhân
làm ảnh hưởng đến lợi ích tập thể, các biểu hiện vi phạm nội quy của lớp, của trường, vi phạm pháp luật. Hồ Chí Minh chỉ ra thanh niên sinh viên:
Cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang [99, tr.265].
Muốn “xây” và “chống” có kết quả, bản thân sinh viên phải kiên trì, phải quyết tâm, phải có lòng tin vào sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, đoàn thể, thầy cô, bạn bè. Sinh viên phải dũng cảm thừa nhận và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những thói hư, tật xấu của bản thân, đồng thời không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp, xây dựng lối sống lành mạnh. Con đường để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là rất khó khăn nhưng có quyết tâm, biết kiên trì, nhẫn nại, vượt khó sẽ thành công. Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động lôi kéo sinh viên tham gia vào cuộc đấu tranh “xây” và “chống”.
Mỗi sinh viên cần thành thật và thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình. Phê bình giúp bạn bè cùng tiến bộ, tự phê giúp sinh viên nhìn ra khuyết điểm của mình để sửa chữa. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi, hướng tới chân, thiện, mỹ. Thái độ tự phê bình và phê bình phải chân thành, khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”, khi góp ý phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Theo Người, điều quan trọng của tự phê bình và phê bình là “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người” [95, tr.272]. Tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên, liên tục như “rửa mặt hàng ngày”.
Trong quá trình “xây” và “chống” cần kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, đề ra những chuẩn mực, giá trị mới, tiến bộ, phù hợp
với điều kiện kinh tế, xã hội để định hướng cho sinh viên phấn đấu, kết hợp giáo dục đạo đức với tăng cường pháp chế để giáo dục sinh viên.