Các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư cần khai thác sử dụng trong dạy học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng di sản văn hóa cố đô hoa lư trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh ninh bình​ (Trang 29 - 35)

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.2. Các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư cần khai thác sử dụng trong dạy học

lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình

1.1.2.1. Khái quát về di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của nước ta, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An (bên cạnh 3 khu vực đặc biệt khác là Khu Tam Cốc – Bích Động, Khu sinh thái Tràng An và Rừng đặc dụng Hoa Lư) đã được UNESCO công nhận vào năm 2014.

Hiện nay, khu di tích Cố đô Hoa Lư có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình, nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Kinh đô Hoa Lư xưa là vùng đất phù sa cổ ven chân núi mà cho đến nay các nhà khảo cổ học đã chứng minh được nơi đây có dấu tích của con người cư trú từ rất sớm. Đó là các phát hiện trầm tích có xương răng động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và nhiều hang động có di chỉ cư trú của con người thuộc các thời kỳ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn và Đa Bút. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước.

Hệ thống di tích ở trung tâm Cố đô Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý (từ năm 968 đến năm 1010, bao gồm 6 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ). Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô ở Thăng Long. Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Trong tài liệu lưu hành nội bộ tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư ghi chép lại: “Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt”

[57; tr.11]. Từ năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến thời Trần, vùng này thuộc lộ Trường Yên. Nhà Trần sử dụng thành Nam Trường Yên của cố đô Hoa Lư để làm căn cứ địa kháng chiến chống Mông Nguyên. Vua Trần Thái Tông xây dựng ở Hoa Lư hành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu. Đầu thời Lê sơ, vùng cố đô Hoa Lư nhập vào Thanh Hóa, từ thời Lê Thánh Tông lại tách ra, thuộc phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Từ thời Lê trung hưng đến thời Tây Sơn, vùng này thuộc phủ Trường Yên thuộc trấn Thanh Hoa ngoại. Từ cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1831, vùng này thuộc tỉnh Ninh Bình. Từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 26 tháng 12 năm 1991, vùng cố đô Hoa Lư trở lại thuộc tỉnh Ninh Bình.

Ngày 29/4/2003, Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định 82/2003/QĐ- TTG về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư bao gồm: Vùng bảo

vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các

di tích lịch sử: Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất... Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An, có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu,... [51].

Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, dân chúng ở bên ngoài kéo vào bên trong kinh thành sinh sống. Vì vậy mà ngoại trừ khu trung tâm cung điện giới hạn bởi ba cửa: Cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam thì rất nhiều các công trình kiến trúc của Cố đô Hoa Lư hiện tại nằm rải rác trong khu dân cư. Hiện nay, khu di tích Cố đô Hoa Lư còn lại là những di tích do hai triều Đinh - Lê xây dựng (Dấu tích kinh thành, cung điện, các chùa cổ và đền thờ thần) và di tích do các triều đại sau xây dựng (hệ thống lăng mộ, đền, đình thờ các danh nhân thời Đinh - Lê). Những di tích này giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu và hình dung, mô phỏng được hình thức bố trí cung điện của kinh đô Hoa Lư xưa.

Ngày 10/5/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 2 cho 13 di tích trong đó có di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (sau đây gọi tắt là di tích Cố đô Hoa Lư). Ngày 21 tháng 6 năm 2014, di tích Cố đô Hoa Lư nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

1.1.2.2. Danh mục các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư cần khai thác sử dụng

Theo phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Luật di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (mục 1.1.1.1), khu di tích Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay thuộc loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Trong lịch sử, khu vực này từng là địa điểm đóng đô của 3 vương triều là Đinh, Tiền Lê và Lý, gắn liền với thân thế và sự nghiệp của những anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ. Những dấu tích lịch sử - văn hóa hiện còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hoàng thành, hang động và một số công trình khác. Trong đó có một số công trình kiến trúc tiêu biểu như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành, Chùa Nhất Trụ, Chùa và động Am Tiên, Đình Yên Trạch… Các công trình kiến trúc ở đây không chỉ minh chứng cho một thời kì lịch sử dân tộc ở thế kỉ X mà còn có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử từ thế kỉ XVII và còn được lưu giữ đến ngày nay.

Ngoài những điểm di tích kể trên, hiện nay trong toàn khu di tích có gần 700 di vật, hiện vật khảo cổ học có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, với niên đại chủ yếu từ thế kỉ X. Tại khu vực đền Vua Lê Đại Hành, Trung tâm đã trưng bày các phế tích khảo cổ thu được tại Hoa Lư phân theo từng giai đoạn lịch sử: Đinh - Lê, Lý và Trần. Kết quả đợt khai quật của Viện Khảo cổ học năm 1997 tại khu vực đền vua Lê Đại Hành đã hé mở phần nào diện mạo của kinh đô Hoa Lư xưa với thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng của thời Đinh - Lê. Trong đợt khai quật nằm trong dự án nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Cố đô Hoa Lư năm 2009 - 2010, các nhà khảo cổ tập trung thám sát, khai quật tại khu vực đồng Cây Khế phía Bắc đền Vua Lê Đại Hành. Kết quả là đã làm phát lộ dấu tích của tường gạch xây bằng loại gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên, cùng nhiều loại hình vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc của thời Đinh - Lê. Bên cạnh đó, công tác khảo cổ còn đưa lên khỏi lòng đất nhiều di vật quý giá góp phần nghiên cứu một cách toàn diện về lịch sử, văn hoá của vùng đất Cố đô Hoa Lư xưa.

Bảng 1.1. Danh mục các loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư

DSVH Loại hình Tên di sản

Vật thể Di tích lịch sử - văn hóa

- Vùng bên trong thành Hoa Lư: Đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phát Kim, chùa Nhất Trụ…

- Vùng đệm: Động Am Tiêm, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, …

Di vật, cổ vật

- Cung điện dưới lòng đất : Gạch lát nền, gạch xây tường và trang trí xây dựng.

- Tường thành thiên tạo : Núi Mã Yên, Núi Cột Cờ, Ghềnh Tháp, Sông Hoàng Long, Thành Đông, Thành Tây, Thành Nam.

Bảo vật quốc gia

- Long sàng trước Nghi môn ngoại, Long sàng trước Bái đường (Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng).

- Cột kinh Phật (Chùa Nhất trụ).

- Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. - Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành. Phi vật

thể

Ngữ văn dân gian

- Truyện kể dân gian : truyện Tiên thoại, Truyền thuyết và Cổ tích.

- Ca dao, phương ngôn, tục ngữ. - Đồng dao.

Nghệ thuật trình diễn dân gian

- Hát chèo và sân khấu chèo.

- Trò chơi dân gian : đánh cờ người, kéo chữ Thái Bình. Lễ hội

truyền thống

Lễ hội Hoa Lư : Lễ rước nước ; Tế cửu khúc ; Tập trận cờ lau ; Kéo chữ.

Nội dung một số loại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư tiêu biểu (Phụ lục 1.2)

1.1.2.3. Yêu cầu khi khai thác di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học lịch sử địa phương tỉnh Ninh Bình

- Trước hết, phải đảm bảo mục tiêu của chương trình môn lịch sử và quan điểm xây dựng, phát triển chương trình.

Mục tiêu của môn lịch sử ở trường phổ thông nhằm giúp cho HS có được những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc (trong đó có LSĐP), góp phần hình thành ở HS thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, bồi dưỡng các năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội. Ngoài ra, khi khai thác DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP cần đảm bảo các nguyên tắc như : tính khoa học (đúng đắn, chính xác theo quan điểm của

chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh) ; tuân thủ tính cơ bản (tập trung những nội dung cốt lõi, có ý nghĩa nhất); tính dân tộc (phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương) và tính khả thi (phù hợp với thực tiễn dạy học ở các nhà trường).

Xuất phát từ mục tiêu GDPT, mục tiêu từng cấp học, môn học cụ thể, GV xây dựng mục tiêu cho từng bài học và lựa chọn di sản phải hướng vào thực hiện mục tiêu đã được xác định đó. Chẳng hạn để giảng dạy về nội dung trong chương trình là di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Ninh Bình nhằm thực hiện mục tiêu giúp HS hiểu biết về các khái niệm có liên quan và trình bày được một di tích tiêu biểu của địa phương thì GV có thể lựa chọn di sản tiêu biểu nhất của tỉnh Ninh Bình là Cố đô Hoa Lư để xây dựng mục tiêu bài học cụ thể, định hướng cho phương pháp và các hoạt động học được tổ chức trong bài.

Trong khi xây dựng mục tiêu bài học LSĐP, GV cần căn cứ vào nội dung LSĐP và nội dung lịch sử của DSVH thể hiện để xác định mục tiêu về các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực. Ví dụ HS có thêm hiểu biết về sự ra đời của di sản, về cấu trúc loại hình di sản, về ý nghĩa và giá trị của di sản đối với đời sống tinh thần, vật chất của người dân địa phương,…Từ đó, bồi dưỡng HS có thái độ tôn trọng đối với di sản, có hành vi giữ gìn và chăm sóc di sản.

- Thứ hai, xác định nội dung lịch sử thể hiện qua di sản phải chính xác và chuẩn bị các bước thực hiện một cách chu đáo :

+ GV xây dựng các nhiệm vụ học tập cần cụ thể, chi tiết giúp HS nhận biết rõ yêu cầu phải thực hiện. Ví dụ : có thể yêu cầu HS tìm hiểu nguồn gốc hình thành của di sản, khái quát sự phát triển của di sản qua thời gian, rút ra những hoạt động của các em nhằm bảo vệ và phát triển di sản…

+ Hoạt động làm việc với di sản cần tiến hành theo những bước đi cụ thể… GV nên chú ý một số công việc như : Công việc chuẩn bị ; Tiến hành hoạt động với di sản ; Kết thúc hoạt động ; Đánh giá kết quả hoạt động.

- Thứ ba, phải tăng cường phát huy tính tích cực, chủ động của HS, tạo điều kiện cho HS tự học, tự trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động với di sản, từ các hoạt động trong quá trình chuẩn bị như lập kế hoạch, phân công người thực hiện việc cụ thể,… đến khi tiến hành thực hiện nhiệm vụ và báo cáo, đánh giá kết quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng di sản văn hóa cố đô hoa lư trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh ninh bình​ (Trang 29 - 35)