Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng di sản văn hóa cố đô hoa lư trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh ninh bình​ (Trang 45 - 49)

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.5. Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học

học lịch sử địa phương

1.1.5.1. Vai trò

Di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, là địa chỉ đỏ trong chương trình giáo dục truyền thống đối với hệ thống các cấp đào tạo trên địa bản tỉnh Ninh Bình. Việc sử dụng di sản vào dạy học LSĐP có vai trò rất quan trọng:

Thứ nhất, cung cấp nguồn sử liệu vô cùng quan trọng được khai thác một cách hệ thống, chuẩn xác về di sản Cố đô Hoa Lư. Nó giúp HS có được nguồn nhận thức vô giá về di tích cũng như một nội dung học tập của LSĐP nói riêng, một giai đoạn của lịch sử dân tộc ở thế kỉ X nói chung.

Thứ hai, việc sử dụng DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP là phương tiện trực quan phong phú, đầy đủ về một di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình. Thông qua những hiện vật, di vật, công trình kiến trúc tiêu biểu đó giúp HS có biểu tượng đúng, sinh động, đúng đắn, cụ thể về DSVH Cố đô Hoa Lư. Trên cơ sở đó các em có thể hiểu đúng, nắm vững khái niệm lịch sử, hình thành quy luật lịch sử, từ đó HS có thể nhớ lâu và hiểu sâu được các vấn đề lịch sử.

Thứ ba, sử dụng DSVH là một biện pháp thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng ta “học đi đôi với hành”, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Mỗi HS phải hiểu được lý thuyết, lý luận để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống. Có như vậy thì ngành giáo dục và đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

đất nước, đặc biệt là trước xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Thông qua các biện pháp tổ chức cho HS khai thác nguồn tư liệu sinh động tại di sản, học tại môi trường thực địa khiến cho bài học lịch sử trở nên cuốn hút, HS hăng hái tham gia hoạt động học và được phát triển các kĩ năng, năng lực bộ môn theo hướng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

1.1.5.2. Ý nghĩa

Với vai trò quan trọng như vậy, sử dụng DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP có ý nghĩa rất lớn về việc giáo dục toàn diện HS, phát triển nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, nâng cao năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát huy bền vững các giá trị của di tích góp phần xây dựng quê hương đất nước trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, sử dụng DSVH Cố đô Hoa Lư trong dạy học ở trường phổ thông có ý nghĩa đối với HS về nhiều mặt:

- Về kiến thức:

Góp phần đẩy mạnh, hướng dẫn, bồi dưỡng hoạt động nhận thức cho học sinh: Các di sản văn hóa, dù là vật thật hay ảo (thể hiện qua tranh, ảnh, phim…) sử dụng trong dạy học, giáo dục đều góp phần nâng cao tính trực quan giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản.

Quá trình trực quan với di sản giúp có biểu tượng đúng, chân thực về kiến thức lịch sử mà HS sẽ được học, từ đó các em hình thành được khái niệm, rút ra quy luật lịch sử và hơn hết nữa là HS sẽ nhớ lâu, hiểu sâu kiến thức.

Ví dụ: Khi tiến hành bài học tại di sản Cố đô Hoa Lư, tiếp cận với di sản cụ thể là Long sàng trước Bái đường vua Đinh, HS sử dụng các giác quan như mắt – nhìn, tai – nghe để nghe được, thấy được, cảm nhận được và qua đó tiếp thu được những kiến thức cần thiết từ di sản như kích thước, chất liệu, hình ảnh chạm khắc trên bề mặt và xung quanh… Trên cơ sở đó, HS nhận thức được đây là một tác phẩm mỹ thuật độc đáo với cách thức trang trí không giống bất cứ một long sàng nào khác trong lịch sử kiến trúc nghệ thuật của nước ta. Với phương tiện trực quan quý giá này, các em thấy được sự tài hoa và óc sáng tạo của những nghệ nhân điêu khắc đá nước ta ở thế kỉ XVII đã tạo nên một bức tranh bằng đá với ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa nhiều thông điệp.

- Về kĩ năng:

+ Giúp HS phát triển kĩ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức: DSVH là phương tiện quan trọng giúp HS rèn một số kĩ năng học tập như kĩ năng quan sát, thu thập, xử lí thông tin, thảo luận nhóm, qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản; kĩ năng vận dụng kiến thức đã học để giải thích những hiện tượng, sự vật có trong các DSVH.

+ HS được tiếp cận di sản đúng mục đích với sự hướng dẫn chi tiết mang tính định hướng, kích thích tư duy của GV, sẽ phát triển khả năng quan sát, khả năng xử lí thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp và so sánh, qua đó phát triển trí tuệ của các em.

+ Góp phần phát triển một số kĩ năng sống ở học sinh: Dạy học với di sản tạo điều kiện phát triển một số kĩ năng sống như: Kĩ năng giao tiếp; Kĩ năng lắng nghe tích cực; Kĩ năng trình bày suy nghĩ ý tưởng; Kĩ năng hợp tác; Kĩ năng đảm nhận trách nhiệm; Kĩ năng đặt mục tiêu; Kĩ năng quản lí thời gian; Kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin.

Ví dụ, khi GV tổ chức hoạt động tham quan trải nghiệm tại di sản Cố đô Hoa Lư, HS có cơ hội phỏng vấn, lắng nghe người phụ trách quản lí ở di tích hay hướng dẫn viên di tích. Qua đó, các em có điều kiện phát triển kĩ năng giao tiếp và kĩ năng lắng nghe tích cực.

- Về thái độ:

+ Kích thích hứng thú nhận thức của học sinh: Trong quá trình tiếp cận với DSVH, các em được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Những điều tưởng như quen thuộc sẽ trở nên hấp dẫn hơn, sống động hơn và HS sẽ có hứng thú với chúng, từ đó các em sẽ có động cơ học tập đúng đắn, trở nên tích cực và phấn đấu tiếp nhận kiến thức mới cũng như có thái độ và hành vi thân thiện, bảo vệ di sản tốt hơn.

+ Sử dụng DSVH có tác dụng bồi dưỡng thái độ học tập, giúp HS hăng hái, tích cực, tự giác hơn trong học tập lịch sử.

- Về năng lực, phẩm chất:

+ Trên cơ sở đó từng bước phát triển các năng lực HS: Các năng lực chung như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học, năng lực giao tiếp… và năng lực

chuyên môn như tìm hiểu lịch sử, nhận thức và tư duy lịch sử, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

Ví dụ, khi tổ chức bài học tại di sản (địa điểm Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư), GV có thể cung cấp 3 nguồn tư liệu về: (1) DSVH Cố đô Hoa Lư (lược đồ, tư liệu về vùng đất Hoa Lư), (2) Lược đồ, hình ảnh về thành Thăng Long, (3) Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. Sau đó, GV giao nhiệm vụ cho HS hoạt động theo nhóm (hình thành 3 nhóm HS): Tìm hiểu các nguồn tư liệu nói trên để: Giải thích lí do vì sao vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) và đánh giá vai trò của vua Lý Thái Tổ thông qua sự kiện này; Liên hệ với một câu ca dao (DSVH phi vật thể) gắn với địa điểm vua Lý dời đô từ Hoa Lư; Liên hệ, đánh giá vị trí của vùng đất Hoa Lư – Ninh Bình và mối quan hệ với Thăng Long – Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Để thực hiện được nhiệm vụ học tập này, HS phải nhận diện được các loại tư liệu lịch sử, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong quá trình hoạt động cá nhân và nhóm để tái hiện và hiểu được nội dung sự kiện lịch sử vua Lý Thái Tổ dời đô vào năm 1010. Qua đó, HS được phát huy năng lực tìm hiểu lịch sử và các năng lực chung như năng lực tự học, giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác thông qua làm việc nhóm.

Sau khi hết thời gian hoạt động nhóm, sản phẩm của HS chính là câu trả lời nhiệm vụ học tập GV đã đưa ra. Khi HS giải thích và đánh giá được sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô cũng chứng tỏ các em đã được bồi dưỡng năng lực nhận thức và tư duy lịch sử. Để mở rộng kiến thức và phát triển thêm cho các em năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào những vấn đề thực tiễn cuộc sống, GV có thể đặt thêm câu hỏi trong quá trình báo cáo, phản biện, bổ sung các sản phẩm hoạt động nhóm, như: Liên hệ với một câu ca dao (DSVH phi vật thể) gắn với địa điểm vua Lý dời đô từ Hoa Lư (chính là Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ - địa điểm nơi HS đang học để giải thích được lịch sử xuất hiện của di tích này) và liên hệ, đánh giá vị trí của vùng đất Hoa Lư – Ninh Bình và mối quan hệ với Thăng Long – Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

+ Bồi dưỡng cho HS những tư tưởng, phẩm chất đạo đức đúng đắn như yêu nước, chăm chỉ, có trách nhiệm.

Ẩn chứa trong DSVH là những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nên nó có khả năng tác động mạnh tới tình cảm, đạo đức, tới việc hình thành nhân cách của HS. HS được hiểu biết về truyền thống lịch sử của quê hương - nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mình đang sống có những di tích lịch sử nào để tự hào và từ đó có trách nhiệm gìn giữ về truyền thống của quê hương mình.

Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư là minh chứng sống cho thời kỳ lịch sử của thế kỉ X, thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống đã giáo dục các em lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đi trước, giúp các em HS hiểu hơn về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, tạo động lực để các em quyết tâm học tập, rèn luyện trở thành những công dân có ích trong tương lai góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Như vậy, đối với ngành giáo dục của tỉnh Ninh Bình nói riêng và trong cả nước nói chung di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư có giá trị hết sức quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương đối với thế hệ trẻ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng di sản văn hóa cố đô hoa lư trong dạy học lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh ninh bình​ (Trang 45 - 49)